Quảng Ngãi: Phản biện dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất
Sáng ngày 15/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi (Liên hiệp hội) đã tổ chức tọa đàm tư vấn, phản biện: Đề xuất đầu tư “dự án Sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất”.

Ông Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội chủ trì buổi tọa đàm
Đề xuất đầu tư “dự án Sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất” do Công ty Cổ phần Ray và Thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất làm chủ đầu tư, theo báo cáo của chủ đầu tư tại tọa đàm: Mục tiêu hoạt động của dự án: Sản xuất sắt, thép, gang; Quy mô dự án: Diện tích đất sử dụng: 18,39ha (giai đoạn 1: Khoảng 14,19ha, giai đoạn 2: Khoảng 4,2ha), công suất thiết kế: 700.000 tấn thép /năm; Vốn đầu tư: Khoảng 10.000 tỷ đồng (trong đó: vốn góp Nhà đầu tư: 3.800 tỷ đồng, vốn huy động: 6.200 tỷ đồng); Thời hạn hoạt động dự án: 50 năm (được tính từ ngày dự án được Nhà nước Quyết định cho thuê đất); Địa điểm thực hiện dự án: Khu công nghiệp phía Đông, Khu Kinh tế Dung Quất (thuộc địa bàn xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi); Tiến độ triển khai dự án: (1) Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn: Theo tiến độ thực hiện dự án, (2) Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư: Hoàn thiện thủ tục pháp lý đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và pháp, lý xây dựng: Từ Quý II/2025 – Quý I/2026, (3) Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành: Từ Quý II/2026 – Quý II/2028. Dự kiến hàng năm Dự án này đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 149,7 tỷ đồng, giải quyết được việc làm cho khoảng 400 người lao động trực tiếp làm việc tại Dự án…
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu tham dự đều thống nhất việc Đề xuất đầu tư “Dự án Sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất”; phù hợp với Đồ án điều chỉnh tổng thế Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/02/2023; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất huyện Bình Sơn được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 1197/QĐ-UBND ngày 31/10/2023…
Tuy nhiên, Nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề: Về bồi thường GPMB, do diện tích đất không lớn, nhất là đất giai đoạn 2 (chỉ hơn 4ha) đề nghị Chủ đầu tư chọn phương án GPMB 100% diện tích đất để tránh những phát sinh, rắc rối về sau, nhất là những biến động đất đai sau khi thực hiện phương án bỏ cấp huyện và nhập xã và nhập tỉnh; Về môi trường, đề nghị Chủ đầu tư chú ý giai đoạn thi công và vận hành thử. Đối với dự án thép Dung Quất 1 và 2, vấn đề phức tạp nhất là giai đoạn thi công do bụi trong san nền, trong chuyên chở vật liệu. Còn giai đoạn vận hành thử là vấn đề khói và mùi. Hy vọng công đoạn nung phôi (gia nhiệt) do sử dụng bằng khí LPG hoặc khí CNG nên khả năng ít xảy ra sự cố về khói, bụi so với công đoạn luyện – cán từ than và quặng...
Kết luận tọa đàm, ông Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội ghi nhận, tiếp thu các vấn đề của đại biểu thảo luận góp ý, Liên hiệp hội sẽ tổng hợp thành báo cáo gửi cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi nghiên cứu, xem xét để trình cấp có thẩm quyền quyết định./.