Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 13/05/2025 09:06 (GMT+7)

ĐBQH: Không hình sự hóa rủi ro khoa học để khơi nguồn đột phá

ĐBQH Hoàng Văn Cường đánh giá, quy định miễn trách nhiệm hình sự cho nghiên cứu khoa học không thành công là một bước tiến quan trọng nhằm khuyến khích sự đột phá trong sáng tạo khoa học.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một trong những nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm của dư luận và giới nghiên cứu là quy định tại Điều 21 của dự thảo luật, về việc miễn trách nhiệm hình sự đối với các rủi ro xảy ra trong quá trình nghiên cứu, triển khai, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ – nếu các hoạt động đó được thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng mục tiêu, nội dung đã được phê duyệt.

Ngày 12/5, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường (doàn Hà Nội) đã có trao đổi bên hành lang Quốc hội về dự thảo Luật cũng như nội dung đáng chú ý trên. 

tm-img-alt

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.

Chuyển đổi căn bản tư duy đầu tư cho khoa học

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho hay, điểm đổi mới lớn nhất trong dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ lần này chính là việc thể chế hóa các quan điểm đã nêu trong Nghị quyết số 57 của Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Trước đây, chúng ta đầu tư cho khoa học công nghệ giống như đầu tư cho hoạt động chi tiêu thường xuyên. Cách làm đó mang tính hành chính, không khuyến khích tìm tòi, sáng tạo cái mới. Giờ chuyển sang đầu tư theo cơ chế quỹ, nghĩa là chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, thậm chí chấp nhận đầu tư mà không có kết quả như kỳ vọng ban đầu. Đó mới là tư duy đầu tư đúng cho khoa học”, đại hiểu Hoàng Văn Cường phân tích. 

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chính điều này sẽ tạo động lực để các nhà khoa học mạnh dạn bắt tay vào những đề tài mới, dù chưa chắc đã thành công. Còn trong trường hợp thành công, kết quả có thể tạo ra những giá trị hoàn toàn mới, những đột phá thực sự về mặt khoa học. Và đó chính là điều làm nên bản chất của nghiên cứu khoa học: tìm kiếm cái chưa từng tồn tại.

Cùng với việc trao quyền cho nhà khoa học "dấn thân", đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, dự thảo luật sửa đổi lần này cũng mở đường rõ ràng hơn cho quá trình nghiên cứu được chuyển hóa thành sản phẩm ứng dụng. Theo đó, các chính sách hỗ trợ, như chính sách chuyển giao công nghệ, cơ chế chuyển giao, cơ chế xác nhận quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học – công nghệ cũng đã được quy định rõ trong dự thảo luật.

“Khác với trước đây, khi nhiều công trình nghiên cứu hoàn thành nhưng không dám chuyển giao vì thiếu cơ chế, thiếu quy định thử nghiệm, thì nay luật đã có những điều khoản cụ thể, rõ ràng hơn. Nhờ đó, các nhà khoa học sẽ không còn phải lo lắng về việc “xin phép” sau khi nghiên cứu xong, hay phải bỏ dở kết quả vì không dám đưa vào ứng dụng thực tiễn”, ông Cường nói.

Miễn trách nhiệm hình sự: tạo động lực “về đích”

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, một trong những điểm nhấn của dự thảo luật lần này là quy định rõ việc miễn trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp nghiên cứu không thành công. Quy định này chính là một hình thức khuyến khích để hoạt động khoa học phát triển tốt hơn.

Bởi một nghiên cứu khoa học không đạt kết quả cuối cùng không có nghĩa là nhà nghiên cứu không làm việc. Trong khoa học, không thể biết trước sản phẩm tương lai sẽ như thế nào. Nghiên cứu khoa học là hành trình tạo ra cái mới, mà cái mới chính là những điều chưa từng tồn tại, chưa ai biết đến.

“Trong quá trình nghiên cứu và triển khai, có thể chúng ta sẽ đạt được những kết quả mới, nhưng cũng hoàn toàn có thể, dù đã đầu tư công sức, kinh phí và thời gian, kết quả vẫn không như kỳ vọng. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động đó, từ lên kế hoạch, triển khai đến thử nghiệm đều là thật, đều tiêu tốn nguồn lực thực tế. Việc đích cuối cùng chưa đạt không có nghĩa là toàn bộ quá trình ấy là vô ích”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Thậm chí, đại biểu Cường cho rằng, những nghiên cứu không thành công cũng có giá trị nhất định: chúng chỉ ra những con đường sai, những cách tiếp cận không hiệu quả, những hướng đi không khả thi. Nhờ đó, người khác sẽ không tiếp tục đi lại những vết xe đổ đó, không lặp lại các thử nghiệm không mang lại kết quả. Chính từ những thất bại như vậy, khoa học mới tiến về phía trước.

Như vậy, quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp nghiên cứu không thành công sẽ tạo động lực và khuyến khích các nhà khoa học. Khi đó, các nhà nghiên cứu sẽ mạnh dạn đầu tư vào việc khám phá cái mới, thay vì chỉ dám nghiên cứu những gì đã có sẵn.

“Họ sẽ chủ động tìm tòi, suy nghĩ về những điều có thể sáng tạo ra, không còn e ngại trước rủi ro. Theo tôi, đó chính là đích đến của khoa học – phải là tìm ra cái mới, chứ không chỉ dựa vào cái đã có”, ông Cường nói.

Điều 21 về Nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, Dự thảo luật Khoa học và Công nghệ quy định: Cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá thử nghiệm được loại trừ các trách nhiệm khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm trừ trường hợp đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro đối với quá trình thử nghiệm nhưng không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Giải trình trước Quốc hội thêm về quy định giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu trong đó có điều 21, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi.

Tuy nhiên, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới.

"Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng. Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp với Bộ luật Hình sự, chỉ loại trừ trách nhiệm khi tuân thủ đúng quy trình và biện pháp phòng ngừa, cần làm rõ khái niệm "đã biết hoặc buộc phải biết về rủi ro" để bảo đảm thống nhất trong triển khai thực hiện, xác định loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm.

Xem Thêm

Hà Tĩnh: Trao thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng
Sáng 24/6, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 13, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ 16 năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ tham dự buổi lễ.
Hà Tĩnh: 30 công trình sáng tạo được vinh danh
Sáng 24/6, Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ tổng kết trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 13 và Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ 16 năm 2025, 30 công trình, giải pháp sáng tạo xuất sắc đã được vinh danh.
Kon Tum: Phát huy sức sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng
Thời gian qua, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên-Nhi đồng tỉnh Kon Tum (Cuộc thi) đã khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng trong toàn tỉnh, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
An Giang: 25 giải pháp của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật được vinh danh
Ngày 14&15/6, tại TP. Long Xuyên, Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV (năm 2024–2025) đã tổ chức chấm chọn vòng chung khảo với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, doanh nghiệp, giảng viên Trường Đại học An Giang, Trường Cao đẳng Nghề An Giang cùng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đồng Tháp: Lan tỏa tinh thần sáng tạo trong Thanh Thiếu niên, Nhi đồng
Sáng ngày 16/6, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh đã tổ chức Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi lần thứ 18, năm 2025. Tham dự có Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi; đại diện lãnh đạo các sở ngành Tỉnh, UBND các huyện, thành phố; quý thầy cô giáo và các học học sinh.
Hà Giang: Tập huấn ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Học viện AI tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp…

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.