Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 16/04/2010 18:09 (GMT+7)

Mai Tự Thừa và địa danh Thủ Thừa

Hiện tại, có nhiều nơi được mang tên THủ Thừa như chợ Thủ Thừa, kinh Thủ Thừa, trường Thủ Khoa Thừa, đường Thủ Khoa Thừa, ấp Thủ Khoa Thừa… Để lý giải điều này, không thể không nhắc đến ông Mai Tự Thưa, người đã có công khẩn hoang lập chợ Thủ Thừa, tạo tiền đề cho sự phát triển thịnh vượng của vùng đất Thủ Thừa ngày nay.

Theo tài liệu của Ban Hội Hương đình Vĩnh Long, ông Mai Tự Thừa quê ở làng Bình Cách, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Khoảng đầu thế kỷ XIX, ông đến làng Bình Lương Tây, huyện Thuận An (nay thuộc thị trấn Thủ Thừa) để khai phá đất đai đang còn hoang hoá rất nhiều. Đầu tiên, ông cất một căn nhà lá tại bờ nam kinh Trà Cú bên cạnh vàm Rạch Cây Gáo. Sau đó, ông khai khẩn 4 mẫu đất dọc theo kinh Trà Cú bắt đầu từ rạch Cây Gáo chạy về phía đông bắc (phần đất này hiện nay là nơi đóng trụ sở của huyện uỷ, UBND huyện Thủ Thừa). Ông đã bỏ tiền của vét ụ dưới kinh Trà Cú làm bến và cho đắp một con đường dọc theo rạch Cây Gáo để thuận tiện việc đi lại. Sau đó, ông mở một ngôi quán nhỏ tại nhà để trao đổi, mua bán với thương thuyền dưới kinh Trà Cú và bà con trong vùng. Việc mua bán của ông phát triển rất nhanh, quy tụ nhiều người dân đến hai bờ kinh Trà Cú cất nhà sinh sống, bởi thế đoạn kinh Trà Cú gần nhà ông còn được gọi là rạch Giang Cư.

Lúc bấy giờ, ông bèn xin làng Bình Lương Tây cho phép lập một ngôi chợ bằng lá trên phần đất của mình với sự chứng kiến của Hương chức làng Bình Lương Đông và An Hoà. Đây chính là tiền thân của chợ Thủ Thừa ngày nay. Đầu thế kỷ XIX, kinh Trà Cú là con đường quan trọng để lưu thông từ Sài Gòn xuống miền Tây. Ghe thuyền xuôi ngược trên kinh này khi đến giáp nước gần chợ Thủ Thừa đều phải neo đậu chờ con nước, vì thế ngôi chợ của ông Mai Tự Thừa trở thành một chốn mua bán sầm uất, dân cư đông đảo. Thấy vậy, ông Mai Tự Thừa làm đơn xin với quan trên tách khỏi làng Bình Lương Tây lập một làng mới lấy tên là Bình Thạnh. Ông còn hiến phần đất cất quán của mình trước đây ở sát bờ rạch Cây Gáo để cất một ngôi đình thần bằng lá. Đó chính là hiện thân của đình Vĩnh Long hiện tại.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), vua Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế nhà Nguyễn ra lệnh cho Tổng trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt huy động 16.000 nhân công nạo vét kinh Trà Cú từ vàm Thủ Đoản đến thôn Bình Ảnh. Nhờ thế, ghe thuyền đi lại rất thuận tiện. Vua Minh Mạng liền cho đổi tên kinh Trà Cú thành sông Lợi Tế. Năm 1990, nhân có một phái đoàn của Bộ Văn hoá Thông tin đến thăm, Ban Hội Hương của đình Vĩnh Phong mở hộp sắc thần, phát hiện dưới đáy hộp một tờ phúc bẩm của Hương chức làng Vĩnh Phong trả lời nguồn gốc công thổ chợ Thủ Thừa như sau:

Tan an le 25 Novembre 1915

Cantonde An Ninh Thuong

Village de Vĩnh Phong

Bẩm:

Thầy đặng rõ, nay thầy đòi làng chúng tôi mà hỏi vụ công thổ chợ Thủ Thừa, tại làng Vĩnh Phong. Hương chức chúng tôi khai ra dưới đây cho thầy rõ.

Bẩm việc công thổ ấy cũng trăm năm rồi chúng tôi còn nhỏ không biết việc ấy đến sau nghe người tuổi tác nói lại thuở trước nguỵ Khôi làm phản, lấy thành Gia Định đặng rồi khi đó ông Thủ Thừa lên tùng nguỵ Khôi sau ở trong thành. Sau trào binh tấn chí lấy lại đặng rồi ông chết trong thành mất thây. Rồi đó chỉ Vua bắt tội ông tùng nghịch, vợ và con gái bị án khổ sai. Ở đặng mấy tháng gặp ân xá tha vợ con về còn gia sản nhập kho. Cái chợ biến mãi cho Nhiêu Hoà làm chủ đặng ít năm rồi Nhiêu Hoà phạm cấm nha phiến quan trên tịch biên gia sản nhập kho còn điền thổ toạ lạc làng nào giao cho làng ấy đem vào bộ đặng làm công điền thổ cho làng vĩnh viễn. Còn công thổ và cái chợ giao lại cho làng chúng tôi từ ấy nhẩn nay mà giữ gìn làm huê lợi đặng bồi bổ trong làng. Nay bẩm.

Qua tờ phúc bẩm trên, chúng ta biết được rằng ông Mai Tự Thừa đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi và chết mất xác trong thành Gia Định trong khoảng thời gian 1833 – 1835. Nhờ thế, những giả thuyết mơ hồ về sự mất tích của ông từ trước đến giờ đã bị xoá bỏ, hậu thế cũng biết được một cách khái lược hành trạng của ông lúc cuối đời. Tương truyền, khi còn sống ông Mai Tự Thừa là người chân thực, hào phóng, trọng nghĩa khinh tài, hay giúp đỡ mọi người nên ông rất được Hương chức và dân làng quí mến. Bởi thế, sau khi khép tội “tùng nghịch” cho ông, triều Nguyễn xoá sạch mọi công lao của ông trên mảnh đất Thủ Thừa. Làng Bình Thạnh do ông lập ra bị đổi tên thành làng Vĩnh Phong. Ngôi đình do ông dựng nên cũng bị dời đi nơi khác. Cái chợ cùng điền sản của ông được phát mãi và phân tán vào các làng. Vợ con của ông bị lưu đày, khổ sai, sau được ân xá nhưng phải đi biệt xứ. Tuy nhiên, những hành động nói trên, không thể xoá mờ công đức của ông Mai Tự Thừa với nhân dân Thủ Thừa. Mọi người nhớ công lao khai hoang mở đất của ông đã tôn ông làm Tiền Hiền và đưa vào thờ ở gian bên phải chánh điện đình Vĩnh Phong với bài vị: “Tiền hiền Mai Tự Thừa - Chủ tịch”. Qua hai câu đối trước bàn thờ của ông Mai Tự Thừa ta cũng phần nào hiểu được tấm lòng kính ngưỡng của nhân dân Thủ Thừa đối với ông:

Tiền chấn anh linh ư bách thế

Hiền lưu danh dự tại thiên thu

Hơn thế nữa tên của ông Mai Tự Thừa đã gắn liền với nhiều đơn vị hành chính và đường sá, trường học ở Long An như một sự tưởng thưởng cho người đã có công lao lớn đối với nhân dân.

Tuy nhiên tại sao lại gọi ông Mai Tự Thừa là Thủ Thừa? Có người căn cứ vào đôi câu đối ở khánh thờ ông:

Thủ tước bắc triều hàn học viện

Thừa khai nam địa tuấn điền hương

Mà cho rằng ông đã từng đỗ Thủ khoa, làm quan ở Viện Hàn lâm ngoài Bắc, làm quan Điền Tuấn ở phía Nam nên gọi ông là Thủ Thừa. Vì thế ở huyện Thủ Thừa hiện nay có địa danh ấp Thủ Khoa Thừa, đường Thủ Thừa và trường Thủ Khoa Thừa. Điều này không có cơ sở bởi nhiều lẽ:

- Trong Quốc triều hương khoa lụckhông có người nào tên Mai Tự Thừa đỗ Thủ Khoa.

- Chữ “Thủ” trong địa danh Thủ Thừa được viết trên công văn giấy tờ bằng chữ Hán có nghĩa là giửchứ không phải là đứng đầunhư nghĩa của chữ “Thủ” trong từ Thủ khoa.

- Phong tục Việt Nam rất kính trọng những người có học vấn và đỗ đạt cao. Những nhân vật từng đỗ Thủ khoa như: Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân… đều được gọi là Thủ khoa Nghĩa, thủ khoa Huân… chứ không ai gọi là Thủ Nghĩa, Thủ Huân cả.

Quyển Địa chí Long Antrang 183 có viết: “… việc lưu thông hàng hoá đã đem lại cho triều đình nhiều khoản thu lớn về thuế. Nhà Nguyễn đã đặt Sở Tuần ty coi việc thu thuế cước đồn, mười phần thu lấy một phần, ở thượng lưu sông Hưng Hoà đặt chức Thủ Ngự lo việc thu thuế ở kinh Trà Cú”. Lúc bấy giờ, ngôi chợ của ông Mai Tự Thừa nằm ngay giáp nước của kinh Trà Cú, ghe thuyền qua lại neo đậu thường xuyên. Địa điểm này rất thuận lợi cho việc đặt Sở Tuần ty để thu thuế. Vì thế, có thể đưa ra giả thuyết là ông Mai Tự Thừa đã được triều đình cho giữ chức Thủ Ngự để lo việc thu thuế ở kinh Trà Cú nên mọi người gọi ông là Thủ Thừa.

Dù thế nào đi nữa, tên tuổi và công đức của ông Mai Tự Thừa vẫn được lưu truyền cho hậu thế. Kinh Trà Cú mà ngày nào ông đã góp công nạo vét nay được đổi thành kinh Thủ Thừa và là con đường thuỷ quan trọng vào bậc nhất để xuống miền Tây. Chợ Thủ Thừa là một giáp nước quan trọng, nước từ hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây gặp nhau tại đây. Vì thế trước đây các ghe thương hồ qua lại đều ghé chợ Thủ Thừa để nghỉ tay chèo, nấu cơm ăn, chờ nước ròng hoặc nước lớn rồi tiếp tục xuôi theo con nước để đi tiếp. Nhờ đó chợ Thủ Thừa có đủ loại hàng hoá, thức ăn, trái cây bốn mùa do các ghe thương hồ trao đổi. Hai bên bờ kinh Thủ Thừa là những trại đóng cưa, trại ghe các loại. Năm 1939 – 1940, chính quyền thuộc địa đã cho xáng múc kinh Thủ Thừa thêm sâu và rộng để các thương thuyền lớn có thể qua lại dễ dàng, nên việc mua bán ở chợ Thủ Thừa ngày càng thịnh vượng. Khoảng năm 1940 – 1945, việc chuyên chở bằng xe vận tải nặng phát triển. Bến Cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn lúc bấy giờ chật hẹp, ghe thuyền Lục Tỉnh đến bến phải chờ rất lâu. Vì thế ghe thương hồ đã ghé chợ Thủ Thừa cho xe đến lấy hàng chở về Sài Gòn rất tiện lợi. Vào thời ấy, ở chợ Thủ Thừa vựa cá, vựa trái cây mọc lên như nấm, hàng hoá không thiếu thứ gì, nhân dân nơi đây có thêm công ăn việc làm, đời sống kinh tế khá thoải mái. Dần dần giao thông đường bộ phát triển, chợ Thủ Thừa đã mất đi vẻ thịnh vượng của ngày xưa nhưng nó vẫn là một trung tâm thương mại quan trọng của huyện.

Đình Vĩnh Phong – ngôi đình được xây dựng ngay trên nền nhà cũ của ông Mai Tự Thừa nay là một trong những di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia của tỉnh Long An. Bên trong đình còn lưu giữ nhiều tác phẩm chạm khắc vô giá với đề tài: Tứ linh, Tứ hữu, Bá điểu quy sào… mang phong cách nghệ thuật giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế XX. Hàng năm vào ngày 10 – 10 Âm lịch – ngày mà ông Mai Tự Thừa lên thành Gia Định tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi - đồng bào Thủ Thừa đều tề tựu tại đình Vĩnh Phong làm lễ giỗ ông. Trong làn hương khói mờ ảo, các bậc kỳ lão kính cẩn thuật lại cho cháu con công lao của bậc Tiền Hiền Mai Tự Thừa từ 200 năm trước đã khai hoang, mở đất tạo nên vùng Thủ Thừa thịnh vượng ngày nay.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.

Tin mới

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.