Ma Thương: Người khai sáng ngành y tế bác học Tây Nguyên
Vượt Trường Sơn học nghề y
Ma Thương người dân tộc Jrai, tên thật là Siu Pui quê ở xã Nhơn Hòa –Chư Sê (Gia Lai). Ông là trí thức dân tộc tham gia cách mạng từ những ngày đầu khởi nghĩa 1945.
Năm 1952 ông được nhà nước đưa ra Bắc học tập chuẩn bị tri thức để cống hiến lâu dài cho đồng bào Tây Nguyên. Tháng 9/1959, Ma Thương lần thứ hai vượt Trường Sơn. Không như lần ra Bắc tháng 5/1952, trong lòng khắc khoải ước mong gặp Bác Hồ, lần này anh vượt Trường Sơn là về quê hương phục vụ chiến đấu. Đoàn đi cùng Ma Thương có 6 y sĩ trung cấp, mỗi người phải mang 10 kg y cụ (có cả dụng cụ y tế trung phẫu), thuốc men, lương thực, đồ dùng cá nhân. Trước khi lên đường các anh được Bác Hồ cho mời đến động viên, căn dặn, nên ai cũng hăng hái, phấn khởi. Đây là lần thứ 2 và cũng là lần cuối trong đời anh được gặp Bác. Đêm đêm các anh được lệnh bí mật rời trường lưu học sinh dân tộc miền Nam ra sân bay Nội Bài mang gùi đá nặng 20 kg đi bộ từ 19 giờ đến 21 giờ để tập luyện thể lực, chuẩn bị vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu. Đêm 23/9/1959 đoàn vượt vĩ tuyến 17 vào Nam . Băng rừng, vượt núi trèo đèo 3 tháng ròng, cuối tháng 12/1959, Ma Thương đặt chân đến mảnh đất nơi anh ra đi: Tây Nguyên. 5 người còn lại lần lượt về các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam , Quảng Ngãi, Bình Định làm nhiệm vụ quân - dân y. Ngay khi đến Dlei Ya –Khu ủy Đắk Lắk, Ma Thương được tin một cán bộ đi vận động đồng bào vướng mang cung bị thương xuyên từ đùi qua bụng, đang nằm ngoài rừng chờ chết. Anh cấp tốc xách túi đồ nghề lên đường. Đi hai ngày mới đến nơi người bị nạn nằm ở buôn Ea Mtroh (Chư Mga), vết thương đã mưng mủ, các thứ thuốc của đồng bào địa phương đắp lên đều không hiệu nghiệm. Một đoạn mang cung xuyên qua bàng quang bị gãy còn sót lại trong bụng. Lấy cây rừng làm bàn mổ, Ma Thương gây mê. Khi gây mê nạn nhân xong, người phụ mổ sợ quá cũng ngất xỉu luôn. Một mình anh làm tất. A Ma Văn – bệnh nhân ca mổ đầu tiên của Ma Thương, đến nay hãy còn sống khỏe mạnh cùng vợ là H’Wit, nữ y tá phụ mổ lúc xưa, tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk).
Một suy nghĩ xoáy trong anh trên đoạn đường ngược rừng quay về: làm sao xây dựng mạng lưới cán bộ y tế thôn buôn, trong tình hình dịch bệnh thương vong lúc bấy giờ? Mình anh không đảm đương xuể. Phải mở lớp đào tạo thôi. Xin ý kiến tỉnh ủy, các anh bảo: Tùy Ma Thương! Cả Tây Nguyên hồi đó mỗi Ma Thương là cán bộ y tế được đào tạo chính qui. Việc chữa bệnh trong đồng bào lâu nay chỉ dựa chủ yếu vào kinh nghiệm hoặc trông nhờ vào thầy mo, thầy cúng...
Lớp cán bộ y tế đầu tiên giữa rừng già
Như cởi được tấm lòng, Ma Thương khấp khởi xách ba lô lặn lội đến các buôn làng gặp các em nhỏ 13 –14 tuổi hỏi ai muốn theo anh làm thầy thuốc thì đi. Chọn 18 làng được 18 em từ Sông Hinh (Phú Yên), Ayun Pa, Krông Pa, Chư Sê (Gia Lai) đến Ma Đ’rắc, Ea H’ leo, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pách (Đắk Lắk) tập hợp về làng Ia Hlang –Dlei Ya làm nhà để ở, phát nương rẫy trồng lúa ngô lo miếng ăn, vừa học chính trị tư tưởng, học chữ và học y tế.
Ma Thương (người thứ nhất, hàng đầu, bên phải) cùng đoàn cán bộ chủ chốt của Đắk Lắk năm 1975. |
Sự thành công của lớp y tế đầu tiên do Ma Thương tổ chức đã mở ra cách đào tạo cán bộ y tế mới cho thời chiến. Sau này, nhiều địa phương trong vùng căn cứ cách mạng áp dụng cách này. Ma Thương được Khu ủy khu 6 (cũ) bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Y tế khu 6 mở lớp trung cấp y tế đầu tiên gồm 60 người gom từ các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk đến Gia Lai –Kon Tum. Học viên thuộc các dân tộc Ê đê, M’Nông, Jrai, Bahnar, K’ho... Lớp học 6 tháng. Ma Thương vừa làm hiệu trưởng vừa giảng dạy, đồng chí Luận trung cấp y tế vừa từ miền Bắc vào dạy chính, đồng chí Y Đô y tá trợ lý. Điều kiện học tập lúc này đã có giấy bút và một số dụng cụ y tế cho học viên thực tập do miền Bắc tiếp tế vào.
Còn sức còn cống hiến
Đầu óc sáng tạo, khả năng tổ chức tốt của Ma Thương được đồng
nghiệp tín nhiệm, cấp trên tin dùng, nhân dân yêu quý. Năm 1961 ông được bầu vào BCH đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban Quân quản tỉnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh... Ông là một trong những người chỉ huy chiến dịch chặn đánh địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên trên tuyến đường Cheo Reo – Phú Bổn tháng 3 –1975. Năm 2001 và 2004, một số đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên nghe theo lời xúi giục của bọn phản động đã tụ tập, gây rối. Ma Thương dù tuổi đã ngoài 70 vẫn đích thân đến nhiều điểm nóng ở Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Đôn... vận động, khuyên ngăn đồng bào. Ông hỏi họ: Đồng bào nghe theo lời ai? Thằng Pháp hồi xưa nó có làm đường nhựa cho mình đi không? Thằng Mỹ đem bom đạn trút xuống đầu dân làng, gieo rắc chết chóc khắp nơi mà có làm cho mình đâu! Từ ngày giải phóng đến nay, buôn làng ta thay đổi được như hôm nay không phải công ơn của Đảng, của Nhà nước thì là của ai? Ai đưa điện về thắp sáng, làm đường nhựa cho dân đi... xây hồ. Ông chỉ rõ những điều thiệt hơn, vạch trần âm mưu của bọn phản động, nhiều người dân hiểu ra đã khuyên nhủ nhau, yên tâm sản xuất trở lại cuộc sống thường nhật.
Tháng 9/2001, nhân chuyến thăm các tỉnh Tây Nguyên, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có cuộc gặp mặt các vị lão thành cách mạng ở Đắk Lắk. Ý kiến đề đạt của ông, những việc ông làm gần đây được Tổng Bí thư đánh giá cao, biểu dương ngay trong cuộc họp. Năm nay 77 tuổi, về hưu đã hơn 10 năm nhưng Ma Thương vẫn chưa nghỉ, ông bảo còn chút hơi sức, còn cống hiến cho đồng bào Tây Nguyên.
Nguồn: suckhoedoisong.vn (21/02/08)