Lùng thần dược ở Thiên Cấm Sơn
Bám núi tìm thuốc thần
Thiên Cấm Sơn trước kia là vùng rừng rậm hoang vu, là quê hương của nhiều loại độc thú như rắn hổ mây, cọp, các loại côn trùng như rết, nhện độc… và đặc biệt là các loài thuốc quý hiếm. Trong cuốn “Thất Sơn mầu nhiệm”, tác giả Nguyễn Văn Hầu đã từng khẳng định vùng đất này (núi Cấm) có vô số dược liệu quý như sa nhân, sâm hồng, kỳ nam, cam thảo, sâm đất, ngải móng trâu, ngải tượng, chỉ xác, đỗ trọng, đậu khấu... Thông tin này đã kích thích nhiều người chọn Bảy Núi là điểm ngắm trên bước đuờng tầm nã thuốc tiên.
Tại trung tâm phố núi (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo huyện Tịnh Biên), nghe chúng tôi đi tìm hiểu chuyện thần dược, ông Nguyễn Văn Lưới (Ba Lưới)- một trong những cư dân có mặt sớm nhất trên ngọn núi này hành nghề khai thác thuốc Nam và trị bệnh cho bà con trong vùng, được cư dân địa phương suy tôn là “thần y” vì có biệt tài bốc thuốc chữa bệnh đã trò chuyện rất nhiệt tình. Theo thầy Ba, mươi năm trước, khi cơn sốt tầm nã “thần dược” ở núi Cấm chưa bùng nổ, chỉ cần vào núi là đã có thể đào, hái vô tư. Còn bây giờ, trần ai lắm rồi! Vì có nhiều người sinh sống bằng nghề hái thuốc, hái vô tội vạ nên cây thuốc ngày càng hiếm.
Hải, dân tầm thuốc chuyên nghiệp kể chuyện: “Trước, tui toàn kiếm loại hàng độc như sâm, ngải nhưng bây giờ thuốc cạn, đành sống bằng nghề kiếm các loại thuốc thông thường như hương nhu, vòi voi, sài đất, mã đề, kinh giới… nhưng mấy loại thuốc xoàng xĩnh đó giờ muốn hái được cũng phải vất vả lắm”!
Hiện nay, đội quân tầm thảo dược đang vào mùa hái lượm. Mỗi ngày có hàng trăm người sục sạo, hết lên vồ lại xuống ảng khắp các núi Bàø Đội, Ông Két, núi Tô, núi Dài, núi Cấm… trong dãy Thất Sơn ruồng thuốc. “Gần Tết, ngọn núi nào cũng nhộn nhịp cảnh kẻ khiêng người gánh, đâu đâu cũng dập dìu cảnh người ta quần tụ chặt cây thuốc phơi khô… Dữ dội lắm!”- “Thần y” Ba Lưới nói chuỵên, giọng buồn rười rượi.
Hồn núi chảy máu
Theo thống kê, chỉ riêng các cơ sở y dược tư nhân mỗi năm tiêu thụ gần 30.000 tấn thuốc tươi, chỉ riêng phòng chẩn trị Nam y miễn phí ở xã Hỏa Tiến (huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) mỗi tuần cũng tiêu thụ trên 1 tấn thuốc… Vấn đề ở chỗ nguồn thuốc kỷ lục này đều trông chờ hoàn toàn vào đội quân lùng thần dược ở núi Cấm.
“Lương y” Út Thành đã rất bức xúc trước tình trạng người người, nhà nhà ồ ạt đổ lên Thiên Cấm Sơn lùng hái thảo dược, hái môït cách vô tội vạ. “Vì hám lợi đã khai thác bừa bãi, liên tục khiến nhiều loại thuốc quý ở Thiên Cấm Sơn đứng bên bờ tuyệt chủng. Bây giờ, muốn tìm một vài loại thuốc quý chữa bệnh cho bà con thật quá khó khăn. Đi thật xa, thật sâu vào rừng chưa chắc tìm được vì chỗ nào người ta cũng đào bứng, chặt, đốt cả rồi”.
“Lương y” Ba Lưới sau khi liệt kê một số loài thảo dược quý hiện gần như vắng bóng ở Thất Sơn như các loại sâm, ngải, dây điển núi… đã cất giọng bất bình: “Phần đông những người lấy thuốc đều không phải là thầy thuốc không hiểu được cặn kẽ dược tính của từng loại, ý thức lại kém nên dây thuốc lớn họ chẳng từ, nhỏ cũng chẳng tha, chính vì vậy mà cây thuốc núi ngày càng vắng bóng”.
Giã biệt núi Cấm, ngoài những chuyện mắt thấy tai nghe, hành trang trở về của chúng tôi còn trĩu nặng những lời nhắn nhủ, tâm sự của các lương y. Còn nhớ lời lương y Ba Lưới: “Chỉ mong chính quyền địa phương và những người đi hái thuốc cùng nhau bảo vệ, tái sinh nguồn thảo dược để con cháu đời sau còn có cái mà dùng”. Lương y Út Thành thì căng hơn: “Nhiều năm qua, hơn 300 loại dược liệu ở Thất Sơn đã bị người ta khai thác triệt để và đã có nhiều loại được đưa vào Sách Đỏ như hà thủ ô, ba kích, đảng sâm, sâm lạnh, hoàng đàn, tam thất hoang, hoàng linh lá mọc cách… Chỉ mong chính quyền mạnh tay, đừng để số đông người ta tự do tấn công Thất Sơn và vét sạch, lấy càn mà làm cạn kiệt nguồn thuốc núi.
Việc khai thác phải đi đôi với dưỡng trồng, nhiều người như ông Bảy Cao, Ba Lưới… đã dưỡng trồng nhưng đáng buồn là nhiều năm gây dựng, chỉ sau một đêm, vườn thuốc đã bị chặt phá banh bởi trộm”.
Nguồn: KH&ĐS Số 102 Thứ Sáu 22/12/2006