Lò sấy lúa “chạy lũ”
Chạy lũ đến đâu?
Theo ông Trần Văn Tuấn ở xã An Phong (huyện Thanh Bình), lò sấy lúa của anh Bện “ăn đứt” các loại máy sấy đang bán trên thị trường bởi sự thuận tiện đối với đặc điểm của vùng đất thường bị ngập lũ hàng năm. Ngoài ra, không cần nhiều nhân công vận hành như các lò trước đây. “Nông dân mà “sắm” được cái lò này là sướng lắm, cứ đổ lúa vào lò sấy, yên chí ngồi đợi tới khô rồi mở cửa xả cho lúa vào bao, không cần đảo trộn trong quá trình sấy nên khoẻ re” - ông Tuấn nói. Ông Nguyễn Văn Út ở ấp Hoà Dân, xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) đã mua một lò sấy loại 4 tấn/mẻ lại đặt mua thêm lò mới, công suất 2 tấn/mẻ để vừa sấy lúa cho gia đình vừa sấy cho bà con. Ông tính toán: “So với phơi thủ công thì dùng lò sấy của anh Bện lời hơn rất nhiều lần vì không bị hao hụt, ít tốn công, bảo quản nông sản tốt, mẫu mã đẹp nên bán được giá. Ông Út cho biết thêm, sau khi cánh đồng lúa ở huyện Cao Lãnh thu hoạch xong là ông chở lò sấy đi làm thuê ở vùng khác để tăng thu nhập.
Nhờ những tiện dụng của “lò sấy chạy lũ” nên Trung tâm Giống Đồng Tháp cũng “rinh” về một cái. Thạc sỹ Nguyễn Minh Phước - Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Với trung tâm chuyên sản xuất giống số lượng lớn, gặp những ngày mưa dầm chỉ có nước “bó tay”, nếu không có lò sấy này thì chỉ còn biết khóc. Hơn nữa, sử dụng loại lò sấy này chúng tôi không cần phải xây bể chứa lúa, không cần nhiều diện tích mặt bằng. Toàn bộ lò được thiết kế rất cơ động”.
Tinh năng ưu việt
KS. Phan Tấn Bện - tác giả sáng chế ra chiếc máy sấy lúa đảo chiều giải thích, ông đã áp dụng cải tiến kỹ thuật vào lò sấy này, đó là bộ phận quạt hướng trục hai tầng, cánh dùng động cơ diesel 12 CV hoặc động cơ điện có công suất 7,5Kw. Nguyên tắc hoạt động của quạt là hút gió và hơi nóng từ lò đốt thổi vào túi simili có nhiều ống gió được phân bố đều khắp bên dưới vỉ sấy. Hơi gió nóng được thổi từ dưới lên trên hoặc từ bên trên xuống tuỳ theo cách lắp túi gió khi sấy. Gió sẽ luồn qua lớp nông sản có độ dầy gần 6 tấc, mang hơi ấm thoát ra ngoài. Theo tính toán thì một máy sấy sẽ giảm được 1% độ ẩm.
Giá thành sản phẩm cũng rất phải chăng, một lò sấy loại 4 tấn là 8,5 triệu đồng, loại 2 tấn 8 triệu đồng, chỉ bằng phân nửa so với các loại khác. Để sử dụng trong gia đình, bà con có thể mua loại 2 tấn, còn làm dịch vụ thì mua loại 4 tấn. Một số nông dân làm dịch vụ sấy cho biết, với lò 4 tấn, tiền công sấy là 50.000 đồng/giờ, bình quân 8 giờ sẽ có một mẻ lúa ra lò thì chi phí sấy 1kg lúa chỉ vẻn vẹn 100 đồng.
Hiện tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của nông dân ĐBSCL là 11%. Ở Đồng Tháp, bình quân sản lượng lúa là 2 triệu tấn/năm thì nông dân phải mất tới 220.000 tấn do tổn thất sau thu hoạch (tương đương 440 tỷ đồng). Vì vậy, sự ra đời của lồ sấy lúa “chạy lũ” sẽ là một trong những “cứu cánh” để hạn chế đáng kể thất thoát sau thu hoạch.
Hiện tại lò sấy “chạy lũ” của KS. Bện đã vươn ra An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang... Trong khi nhiều loại lò sấy lúa cố định phải trùm mền vì không cơ động, choán mặt bằng, thường bị ngập nước trong mùa lũ và dễ hư hỏng thì có thể xem lò sấy lúa “chạy lũ” made in Đồng Tháp của KS. Bện là sản phẩm rất tiện ích và hiệu quả.
Nguồn: Kinh tế nông thôn, số35 (521), 28/8/2006, tr 12