Liên kết quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn
Thu gom, xử lý dưới 50%
Theo ước tính, CTR sinh hoạt phát sinh tại các khu dân cư nông thôn khoảng hơn 31.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom CTR các vùng nông thôn còn thấp, đạt tỷ lệ trung bình khoảng 40 - 55% tùy theo vùng, địa phương. Các vùng ven đô thị, tỷ lệ này đạt khoảng 80%, nhưng ở một số vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt dưới 10%. Lượng CTR khu vực nông thôn chưa thu gom, xử lý còn khá lớn, nhiều nơi rác thải đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, trong đó có vấn đề về nguồn nước vì hiện nay phần lớn người dân nông thôn đang sử dụng nước ngầm, nước mặt không qua hệ thống xử lý tập trung.
Theo thống kê, hiện có khoảng 40% số thôn, xã hình thành các tổ, đội thu gom rác tự quản với kinh phí hoạt động do người dân đóng góp, như tại huyện Bình Xuyên và Yên Lạc (Vĩnh Phúc), huyện Thanh Trì (Hà Nội), huyện Yên Phong (Bắc Ninh),... Việc hoạt động của các hợp tác xã hoặc tổ vệ sinh môi trường chủ yếu phụ thuộc nguồn thu phí vệ sinh của các hộ dân trên địa bàn với mức thu mỗi người khoảng 4.000 - 5.000 đồng/tháng hoặc 10 - 20 nghìn đồng/hộ/tháng tùy từng địa phương. Mức thu này quá thấp, trong khi đó, ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hằng năm chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, công cụ hỗ trợ thu gom, vận chuyển (trang thiết bị an toàn lao động, chổi, xẻng, thùng chứa, xe đẩy tay, ô-tô,...) chưa được quan tâm, hầu hết do các tổ đội, người dân tự đóng góp, mua sắm và trang bị.
Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, mô hình tổ chức thu gom, vận chuyển CTR tại khu vực nông thôn tuy đã có chuyển biến song chưa đồng bộ và nhiều bất cập. Tại những nơi khó khăn về giao thông, dân cư không tập trung, người dân tự thu gom chôn lấp rác thải xuống hố hoặc vứt bừa bãi ra sông suối, hoặc đổ tại các trục đường,... mà không có sự quản lý của chính quyền địa phương. Kinh phí dành cho công tác này còn rất ít hoặc không có, thiếu các giải pháp kỹ thuật phù hợp, trong khi nhu cầu về quản lý rác thải ngày càng bức xúc. Mức thu phí thấp không bảo đảm thù lao cho người thu gom rác. Phần lớn các địa phương mới chỉ có văn bản quy định về mức thu và sử dụng phí thu gom rác thải cho các khu vực đô thị, ở nông thôn do các tổ thu gom tự thỏa thuận với người dân. Chưa vùng nào hình thành nên các quy định về định mức để có thể giao kế hoạch sản xuất và dịch vụ công ích như ở đô thị.
Mặt khác, chủ trương xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển CTR chưa được ưu đãi đúng mức, tính khả thi không cao. Vốn đầu tư cho lĩnh vực quản lý CTR rất lớn và chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, trung bình khoảng 4.300 tỷ đồng/năm, trong đó 80% vốn Nhà nước. Trong khi chi phí xử lý còn cao, dẫn đến nhiều địa phương không xoay đâu ra tiền để trả cho công tác xử lý và vận hành. Năng lực quản lý môi trường cấp huyện, xã còn hạn chế. Trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển CTR ở nhiều địa phương đã hư hỏng, xuống cấp và chưa được đầu tư cải tiến phù hợp, đặc biệt là khu vực dân cư nông thôn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Công tác thông tin tuyên truyền tạo thói quen, nhận thức của cộng đồng về giảm, phân loại CTR tại nguồn trước khi xử lý chưa cao,...
Xây dựng hành lang pháp lý phù hợp
Bộ Xây dựng đặt ra ưu tiên hàng đầu hiện nay là quy hoạch các bãi xử lý, chôn lấp CTR sinh hoạt. Mặc dù hầu hết các địa phương đã lập xong quy hoạch xử lý CTR và đã xác định vị trí trung chuyển, điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ. Nhưng trên thực tế đã nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, chẳng hạn địa điểm xử lý rác thải phù hợp xã này, lại là "đầu nguồn gió" của xã khác và ngược lại, do vậy rất dễ gây ô nhiễm môi trường, không khí, thậm chí cả nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cục trưởng Nguyễn Hồng Tiến cho biết, Bộ đang tích cực xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống các khu xử lý CTR sinh hoạt. Tính đến tháng 6 vừa qua, đã có 45/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn và 10 địa phương đã hoàn thành bước thẩm định và đang trình phê duyệt, chỉ còn lại tám địa phương đang lập quy hoạch hoặc lồng ghép trong quy hoạch vùng. Dự kiến, đến cuối năm nay, sẽ đạt khoảng 90% số địa phương hoàn thành quy hoạch quản lý CTR. Ðồng thời chủ động phối hợp, tạo sự đồng thuận giữa các địa phương trong việc xác định các khu vực, địa điểm, phù hợp với các khu xử lý CTR sinh hoạt lớn, vừa bảo đảm phát triển bền vững, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.
Ðể từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt, thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR quy mô nhỏ, áp dụng công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu như công nghệ NFi-120 của Thái-lan, công nghệ BD-ANPHA của Công ty TNHH Ðức Minh hoặc ủ phân hữu cơ như tại các tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh, Vĩnh Phúc, Thái Bình,... Ưu điểm của các mô hình xử lý rác thải quy mô nhỏ này là giá thành hợp lý (gần ba tỷ đồng), diện tích khoảng 1ha, cần từ 3 đến 5 công nhân vận hành với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng (đã hỗ trợ thêm phụ cấp độc hại). Những mô hình này bước đầu đi vào hoạt động ổn định, phù hợp trình độ quản lý, vận hành của nhân lực địa phương cũng như cân đối với nguồn thu, chi của công tác vệ sinh môi trường nông thôn.
Xu hướng phát triển hiện nay là tăng cường xây dựng các dây chuyền xử lý rác thải, hạn chế chôn lấp. Tuy nhiên, thực tế nhiều khu xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, nguồn rác, đầu ra chưa được bảo đảm, một số nơi đầu tư dây chuyền xử lý rác thải nhưng thiếu đồng bộ, dẫn đến lãng phí, hoạt động không hiệu quả, thậm chí phải tạm dừng khi chưa đưa vào sử dụng...
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, kinh phí xử lý CTR sinh hoạt vẫn do Nhà nước đảm nhiệm phần lớn, trong khi đó chưa có chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực xử lý CTR. Chính vì vậy, Bộ đang rà soát, tập trung nghiên cứu để đề xuất Chính phủ có những giải pháp thích hợp nhằm tăng thêm tỷ trọng các nguồn lực xã hội tham gia vào tất cả các khâu từ thu gom, vận chuyển đến quản lý, xử lý CTR tại khu vực đô thị và nông thôn. Ðồng thời, đề xuất các mô hình xử lý rác thải phù hợp tình hình từng khu vực, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp hơn.