Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 26/07/2005 14:20 (GMT+7)

Lịch sử Việt Nam đã được minh định ra sao?

Thưa GS, mấy năm gần đây, nhiều vấn đề của lịch sử được dư luận đề cập đến và khi bàn thảo, tìm hiểu thì ra kết quả dường như khác với những gì mà lâu nay chúng ta vẫn hiểu, vẫnbiết. (Ví dụ như về Thái sư Lê Văn Thịnh (thời Lý), hay Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh, rồi hình tượng người anh hùng Tô Vĩnh Diện, và gần đây nhất có đề cập đến sự thật về nhà văn Vũ Bằng-tác giả"Thương nhớ mười hai",v.v…). Vậy, thưa GS, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội KHLS VN do GS làm Chủ tịch đã tiến hành nhiệm vụ minh định lịch sử ra sao?


GS Phan Huy Lê: - Riêng về câu chuyện Tô Vĩnh Diện và cả chuyện hình tượng ngọn đuốc sống Lê Văn Tám là thật hay hư cấu, thời điểm này tôi chưa thể chính thức nói gì trước công luận. Việc này hiện đã giao cho Viện Lịch sử quân sự (cũng là một thành viên của Hội) tìm hiểu. Khoảng sau tháng 9 năm nay, vấn đề này sẽ được công bố với đầy đủ tư liệu.


Yêu cầu cao nhất của lịch sử là tính chân thực và khách quan. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng tiếp cận được toàn bộ sự thật. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội KHLS VN và giới sử học nói chung đã cố gắng rất nhiều trong việc xây dựng một nhận thức lịch sử toàn diện và khách quan
.


Trên yêu cầu đó, rất nhiều giai đoạn lịch sử đã được nhìn nhận lại, nhiều quan điểm không có căn cứ trước đây nay được đính chính. Ví dụ, đóng góp của triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19, phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, về xu hướng cải cách của Phan Châu Trinh, về khởi nghĩa Yên Bái và về các nhân vật lịch sử như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh
...


Nhà Hồ chẳng hạn, vì để mất nước nên trước đây, chúng ta phủ nhận luôn toàn bộ cải cách của họ. Nay, phải thấy rằng, bên cạnh mặt hạn chế thì những cống hiến của họ cũng cần được nhìn nhận và trân trọng.


Trần Thủ Độ trước đây bị coi là người tàn bạo và có tham vọng lớn, nhưng thật ra ông là người rất có công để chấm dứt chiến cục hỗn loạn cuối thời Lý. Hành động của Trần Thủ Độ quyết liệt thật sự, thậm chí đôi khi có thể nói là tàn bạo, nhưng tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân. Ông cũng là người có công rất lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất.


Và một loạt các nhân vật gần đây hơn, chẳng hạn của thời chống Pháp, ngay cả nhân vật mà trước đây sử ta phủ nhận hoàn toàn, như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, thì gần đây cũng có nhận thức khác. Nói chung trong lịch sử có thể có những nhân vật mà mặt tích cực bao trùm tất cả, hoặc mặt tiêu cực chi phối tất cả, ta đánh giá rất dễ. Nhưng cần khách quan và công bằng với những nhân vật có cả hai mặt tích cực và hạn chế.


Khi những sự thật đó được đưa ra, chúng ta phải ứng xử ra sao đối với những tác phẩm hay những sự việc có liên quan đến các nhân vật đó, hoặc xây dựng nhân vật đó theo quan điểm cũ? Ví dụ với các vở kịch xây dựng Lê Văn Thịnh hoá hổ, âm mưu ám hại vua; Trần Thủ Độ tàn bạo...?

Mấy năm nay nổi lên vấn đề xem xét lại một số nhân vật lịch sử "có vấn đề" trong thời kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong đó có Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký. Có hai cách nhìn nhận khác nhau, một dòng cho là bán nước, một dòng cho họ là những người yêu nước. Muốn đánh giá một nhân vật yêu nước, theo tôi phải dựa trên ba tiêu chuẩn. Một là, phải xác định xem họ có góp phần gìn giữ và mở mang bờ cõi hay không. Hai, họ có bảo vệ bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc hay không. Ba, họ có bảo vệ hình thái chính trị đương thời không? Nếu nói Phan Thanh Giản bán nước, thì căn cứ đâu? Ví dụ, Napoleon khi đó đã trả cho ông bao nhiêu!? Rõ ràng, ngày nay chúng ta hoàn toàn đủ điều kiện và bản lĩnh để đánh giá lại vấn đề, nhưng chúng ta chưa làm.

Theo nghiên cứu của tôi, trong hoàn cảnh đất nước cuối thế kỷ 19, tất cả các nhân vật lịch sử trong đó có Phan Thanh Giản đều có tâm tư riêng, xáo trộn riêng. Riêng đối với Phan Thanh Giản, quan điểm của tôi là ông là một nhân vật yêu nước thời cổ đại và là một nhà ngoại giao hai mặt. Một anh hùng thời cổ đại biết ngưỡng mộ kẻ thù mình nếu kẻ thù đó có giá trị của nó. Phan Thanh Giản yêu nước theo kiểu của ông trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ.

(Phát biểu của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên BCH Hội Sử học TP.HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng, TP.HCM)


GS Phan Huy Lê
: - Lê Văn Thịnh là người khai khoa trong lịch sử VN, ông đỗ đầu khoa thi đầu tiên của nước ta vào năm 1075. Sau đó có một sự kiện mà sử chép không rõ ràng, đưa đến việc ông bị kết tội là người có âm mưu hãm hại vua Lý. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Về việc này, Hội sử học đã tổ chức các hội thảo để xác minh lại. Nhưng rất tiếc, ngay cả hiện nay, trên sách báo và trong nhiều phát ngôn, người ta vẫn lên án Lê Văn Thịnh và đó là điều không thoả đáng.


Cho nên sắp tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh tiếp tục tổ chức hội thảo để "minh oan" cho ông. Trong lịch sử có nhiều người bị oan. Có những người bị oan tày trời như Nguyễn Trãi nhưng may mắn được xác minh sớm, nhưng chẳng hạn vợ ông, bà Nguyễn Thị Lộ, thì gần đây mới được nhìn nhận lại. Cho nên cần rất khách quan mới có thể trả lại cho lịch sử các nhân vật, các sự kiện với bộ mặt thật.


Tôi khẳng định, những vở kịch xây dựng hình tượng Thái sư Lê Văn Thịnh hoá hổ, giết vua; hay Đinh Điền (thời Đinh Tiên Hoàng) phản bội... là sai lầm. Sau rất nhiều hội thảo do Hội KHLS VN tổ chức, Bộ VHTT đã có văn bản chính thức về việc này và yêu cầu các kịch bản phải đính chính. Chúng ta không thể "đổ oan" cho tổ tiên như vậy được!


Trong Đại hội trước, Hội KHLS VN đã đề xuất biên soạn mới các bộ lịch sử Việt Nam, cố gắng phản ánh những nhận thức mới nhất,và cập nhật những nghiên cứu mới nhất theo lối tư duy hiện đại về lịch sử. Thưa GS, công việc đó hiện đã triển khai đến đâu?


GS Phan Huy Lê
: - 4 bộ lịch sử VN cỡ trung bình đã đang đồng thời được biên soạn, bộ Lịch sử Đảng Cộng sản VN 4 tập (hiện đã xong), Lịch sử Quân sự VN 15 tập, Lịch sử Công an nhân dân 6 tập. 4 bộ sử thể hiện sự đổi mới nhận thức về lịch sử VN, tránh coi Lịch sử VN một cách phiến diện như là lịch sử đơn tuyến của dòng văn hoá Đông Sơn với nước Văn Lang- Âu Lạc rồi đến Đại Cồ Việt- Đại Việt, là lịch sử của tộc người đa số... Xuất phát từ lãnh thổ VN hiện nay đi ngược về quá khứ, lịch sử VN bao quát tất cả những gì mà các cộng đồng cư dân, các tộc người, các quốc gia đã từng tồn tại trên phạm vi lãnh thổ VN hiện nay tạo nên. Theo đó, lịch sử miền Trung và Nam Trung Bộ, Nam Bộ không chỉ bắt đầu từ khi người Việt di cư vào khai phá vùng đất này, mà phải bao gồm lịch sử dòng văn hoá Sa Huỳnh với nước Champa và dòng văn hoá Óc Eo với nước Phù Nam...


Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong thư gửi Đaị hội lần này cũng mong rằng "sau khi hoàn thành xong 4 bộ sử VN cỡ trung bình hiện nay, Hội sẽ xây dựng kế hoạch biên soạn một bộ Quốc sử", đồ sộ hơn.

Xin cảm ơn GS
Nguồn: vnn.vn 16/6/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.
Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phó Chủ tịch VUSTA được trao tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3
Chiều ngày 22/12/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể cơ quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.