Lê Thánh Tông – Ông vua câu đối
Từ lúc còn làm hoàng tử, nhân ngày xuân nắng đẹp, Lê Tư Thành đã cùng một số tùy tùng dạo chơi trên bờ sông vùng Tống Sơn (Thanh Hóa), nơi quê cha đất tổ. Vị hoàng tử trẻ tuổi nhìn xuống bến sông thấy một thôn nữ đang ngồi vo gạo, dáng người rất thon thả gương mặt xinh đẹp. Hoàng tử bỗng ngất ngây, bèn thả một vế đối có ý thăm dò người đẹp:
Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng mến cả...
Hoàng tử bỏ lửng câu, nhưng ai mà chẳng biết ngụ ý. Cô gái kia chẳng phải hạng tầm thường, nên xong việc, cô bưng rá gạo đứng lên, nghiêng nón che mặt và cất tiếng thanh thanh đáp lại :
Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo...
Câu đối của cô cũng bỏ lửng, đối ý đối chữ rất chỉnh mà còn có ý thầm nhắn người hãy lo cho đời xong hãy lo đến việc riêng của mình.Hoàng tử vô cùng cảm phục tài đối đáp của cô gái. Chàng gắng sức học tập kinh sử, rèn luyện võ nghệ. Sau khi nối ngôi báu trở thành vua Lê Thánh Tông, ông đón cô gái về cung lập làm vương phi. }ó chính là cô Ngô Thị Ngọc Dao, con một vị quốc công phải về quê ở ẩn.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, nhà vua cùng vài viên quan thường cải trang làm dân thường đi vi hành để xem dân tình ăn tết ra sao. Tết ấy, vừa đi đến một nhà hàng bán trầu nước. Thường thì đón Tết, nhà nào cũng có câu đối đỏ treo trong nhà. Những nhà hàng trầu nước này không thấy. Hỏi, bà chủ quán trả lời :
- Chẳng dấu gì các ông. Tôi đàn bà góa bụa, lại buôn bán chỉ đủ ăn, nên tết nhất cũng chẳng bày vẽ gì cho tốn kém.
Nhà vua nói :
- Tôi sẽ viết giúp bà câu đối mà ăn tết nhé.
Nói rồi nhà vua lấy giấy bút, viết :
Nếp giầu quen thói kình cò con cháu nương nhờ vì ấm
Việc nước ra tay chuyển bát, bắc nam đâu đấy lại hàng.
Thấy nhà bà hàng nước nghèo khổ mà có câu đối mang khẩu khí thiên tử, bọn quan lại địa phương bèn tâu lên nhà vua để mong có dịp được thăng quan tiến chức. Vua Lê Thánh Tông xem tấu chỉ mỉm cười.
Lại một cái Tết khác, khắp phố phường kinh đô, nơi đâu cũng rực rỡ hoa và la liệt câu đối đỏ ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, nhà vua ăn mặc giả thường dân ra phố dạo chơi rất lấy làm vui thích. Tới nhà nọ chẳng thấy treo đèn kết hoa, cũng không đối liễn gì cả. Vua bèn hỏi tại sao trước cảnh xuân vui tươi như vậy mà nhà lại có vẻ lạnh nhạt với nàng xuân?
Chủ nhà buồn rầu trả lời :
- Chả dấu gì bác, nhà em làm cái nghề hèn hạ quá, chẳng dám phô phang với ai cho thêm tủi.
Vua ngạc nhiên hỏi :
- Sao lại có nghề gì là hèn hạ ?
- Dạ. Nhà em chỉ chuyên đi hót phân người để bán kiếm sống lần hồi thôi ạ .
Nhà vua cười, vui vẻ nói:
- Nếu vậy thì nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất. Tôi xin tặng bác đôi câu đối mà dán lên cũng sẽ hay bậc nhất, việc gì phải buồn rầu mà kêu là hèn hạ.
Rồi vua gọi lấy giấy bút, viết đôi câu đối như sau :
Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự
Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
Nghĩa là :
Khoác một áo bào, đảm trách khó khăn thiên hạ ;
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.
Chủ nhà cảm động, hớn hở đón đôi câu đối dán lên hai bên cánh cửa.Khách du xuân qua lại, nhìn thấy câu đối ở nhà ông làm nghề hót phân thì hết sức kinh ngạc, vì quả là nó hay bậc nhất thật !
Lại một Tết khác, nhà vua cùng đoàn tùy tùng giả thường dân đến nơi phố xá đông đúc, thấy một nhà cũng không dán câu đối. Vua lân la hỏi chuyện, mới hay đó là một nhà góa phụ làm nghề thợ nhuộm quần áo, vải vóc Bà bảo nhà góa bụa nghèo hèn nên cũng chẳng thiết tha gì tết nhất mà treo câu đối. Nghe vậy, nhà vua liền lấy giấy bút viết tặng bà đôi câu đối bằng chữ Hán :
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ
Triều trung chu tả tổng ngô gia
Nghĩa là :
Thiên hạ xanh vàng từ đây cả
Nội triều đỏ tím tự nhà này
Câu đối này treo lên ai cũng tấm tắc khen hay. Trạng nguyên Lương Thế vinh đi qua, thấy câu đối có khẩu khí khác thường tiền vào tâu vua.
Lê Thánh Tông mỉm cười, nhận là mình viết hộ bà hàng thợ nhuộm.
Nguồn: Khoa học và Tổ quốc, 03/2007