Làm thế nào để giảm mùi mồ hôi?
Có cách nào để hạn chế sự khó chịu này?
Thật ra, phần lớn mồi hôi của cơ thể khi mới tiết gần như không có mùi, nhưng sau khi tiết ra, mồ hôi sẽ là môi trường cho các vi khuẩn phát triển và phân huỷ các chất hữu cơ trong thành phần của mồ hôi thành những chất có mùi.
Mỗi người có độ tiết mồ hôi khác nhau, và cả mùi mồ hôi của mỗi người cũng khác nhau, tuỳ theo cơ địa, khả năng chuyển hoá cũng như thành phần thực phẩm của người đó ăn vào. Chẳng hạn, người hút thuốc, ăn nhiều thực phẩm có protein động vật (các loại thịt, nhất là thịt gia súc); các chất có chứa nhiều lưu huỳnh (như hành, tỏi, mù tạt, các loại cải có mùi hăng…) cũng có thể tiết ra mồ hôi nặng mùi hơn. Nhưng mỗi người lại thường quen với mùi mồ hôi của mình, nên nhiều khi vô tình không biết đã gây ra sự khó chịu cho những người chung quanh. Vì vậy, để giảm thiểu mùi mồ hôi, người ta có nhiều cách khác nhau:
1. Trước hết là năng tắm giặt. Điều này thì ai cũng hiểu, nhưng nhiều khi vì bận công việc, vì không để ý hoặc vì lười mà không thực hiện thường xuyên, vô tình gây khó chịu cho những người xung quanh.
3. Dùng các loại mỹ phẩm làm giảm tiết(antiperspirant) hoặc khử mùi(deodorant) để bôi, xịt lên những chỗ thường có nhiều mồ hôi (như ở nách chẳng hạn). Hầu hết các loại mỹ phẩm này có chứa một số hoá chất như muối nhôm, zirconium, muối kẽm, sáp, acid tanic, hương liệu v.v…, có tác dụng làm cho săn da và bịt các lỗ tiết mồ hôi hoặc sát khuẩn để hạn chế các phản ứng lên men của mồ hôi.
4. Nếu không có mỹ phẩm thích hợp, có thể dùng phèn chua- mà thành phần gồm sulfat kép nhôm và kali - hoặc phèn phi(tức là dùng phèn chua rang cho chảy ra rồi đông lại thành bột trắng) xoa trực tiếp lên chỗ thường tiết mồ hôi (như nách chẳng hạn) mỗi tuần 2 lần, cũng có kết quả tốt.
Ghi chú:Một số tài liệu nước ngoài cho rằng dùng nhiều các mỹ phẩm làm giảm tiết mồ hôi có chứa muối nhôm hoặc một số hoá chất khác, về lâu dài có thể tăng nguy cơ ung thư vú, hoặc ảnh hưởng có hại đến hệ thần kinh. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào xác nhận ý kiến trên. Dù sao, cũng không nên lạm dụng.
5. Dùng hỗn hợp acid salicylic 3g, calci carbonat 100g,tán nhỏ, trộn đều, rắc cho khô hốc nách. Việc rắc phấn mà không kèm theo chất sát khuẩn chỉ có tác dụng làm khô mồ hôi tạm thời, nhưng cần phải rửa sạch sau 3 – 4 giờ.
6. Dùng nước hoa để lấn át mùi mồ hôi. Đây là cách làm dễ nhất nhưng cũng tệ nhất, vì để át mùi mồ hôi, cần phải dùng nước hoa đậm mùi, và những người khác chưa chắc là đã thích mùi nước hoa mà bạn dùng. Hơn nữa, nếu để lâu, mồ hôi bị lên men sẽ quyện với nước hoa thành một thứ mùi nồng khó chịu hơn.
7. Với người có mùi mồ hôi chân, thì cũng có thể áp dụng các biện pháp nêu trên, nhưng đặc biệt là hạn chế mang giày bịt kín (nhất là loại bằng chất dẻo), thay bằng sandal hay giày da có lỗ thông thoáng. Dùng loại vớ và miếng lót giày thoáng hơi đặc biệt thường dùng cho các vận động viên thể thao, nhưng cũng nên thường xuyên thay giặt. Nên ngâm chân vào nước nóng có pha muối hoặc phèn chua hay các loại nước sắc thảo mộc có nhiều chất chát (tanin) như trà, lá ổi hoặc vỏ măng cụt, vỏ cây gòn…để sát khuẩn và làm co săn các tuyến mồ hôi ở lòng bàn chân.
Nguồn: Khoa học phổ thông, số 39(1162)