Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 23/12/2006 17:41 (GMT+7)

“Làm cho người Tày sướng như người Tây”

“Cần Keo pần cần Tày” (Người Kinh biến thành người Tày)

Năm 1963 chàng trai Nam Định Nguyễn Văn Nhân tốt nghiệp khóa đào tạo thú y đầu tiên của Trường Đại học Nông Lâm Hà Nội. Theo tiếng gọi “Ba sẵn sàng” anh xung phong lên Cao Bằng nhận công tác. Đó cũng là một trong những kỹ sư đầu tiên từ miền xuôi lên tỉnh miền núi này. Ngay những ngày đầu tiên anh đã được cử cấp tốc lên xã miền cao Lý Quốc, huyện Hạ Lang để dập tắt dịch lợn.

Chưa có kinh nghiệm nhưng từ khảo sát thực tế anh cho rằng đây chính là dịch tả. Anh báo cáo ngay về trung ương. Bộ cử ngay hai cán bộ lên lấy mẫu phân tích và chẩn đoán là lợn bị bệnh phó thương hàn. Và việc trị bệnh được tiến hành theo chỉ dẫn này. Tuy nhiên dịch đã không dập được mà còn lan rộng làm chết gần hai mươi ngàn con lợn. Nguyễn Văn Nhân quyết bảo vệ ý kiến của mình và anh về Hà Nội (khi đó đi lại rất khó khăn) xin cho được văcxin dịch tả đựng trong hai phích nước đá mang lên Cao Bằng. Từ Cao Bằng anh đạp xe đạp trên 60 km đường rừng lên Hạ Lang. Hai giờ sáng anh mới đến UBND huyện. Hơn 100 cán bộ thôn xã đã chờ ở đó để anh hướng dẫn tiêm văcxin cho lợn và sau đó lập tức tỏa đi các bản làng, nhờ đó đợt dịch nguy hại được dập tắt. Đó là bài học thực tế và thành công đầu tiên của anh, đồng thời làm cho anh gắn bó với bà con các dân tộc từ đó.

Từ khi là chàng trai 23 tuổi đến nay đã ở tuổi 66 tóc bạc phơ, anh vẫn “cắm dùi” trên mảnh đất Cao Bằng. Anh lấy vợ là đồng nghiệp người Tày. Bố vợ cho anh mấy thửa ruộng để hai vợ chồng canh tác ở huyện Hòa An, ngoài ra anh chưa hề được nhà nước cấp cho một căn hộ hay một mét đất nào ở thị xã. Nhưng anh không chút phàn nàn mà vẫn lao vào công tác và nuôi dạy ba cô con gái mang họ Sầm của mẹ. Cả ba cô nay đều tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm đàng hoàng.

Bà con các làng bản vẫn thường coi anh là “giáo sư cần Tày boong hây” (giáo sư người Tày chúng mình) tự lúc nào không biết.

Biến lời tuyên bố thành hiện thực

Trong một hội nghị bàn về phát triển kinh tế các tỉnh miền núi, trong khi hầu hết đại biểu các tỉnh đều nêu lên vô vàn khó khăn và xin “trên” trợ giúp thì Nguyễn Văn Nhân dám đứng lên phát biểu: “Hoàn toàn có thể làm cho người Tày sống sướng như người Tây”. Nhiều người cho là anh nói bốc, nhưng khi nghe những lý giải và biết đến việc làm của anh thì ai cũng phải tỏ lòng khâm phục.

Theo Nguyễn Văn Nhân, Cao Bằng có nhiều tài nguyên quý, trong đó có khí hậu mát mẻ như xứ ôn đới, cảnh vật thiên nhiên trù phú. Tuy là vùng cao nhưng dân trí Cao Bằng không thua kém miền xuôi, lại vốn có truyền thống cách mạng. Dựa vào yếu tố thiên nhiên , anh đã đưa cây lúa mì, cây đại mạch, khoai tây về trồng đạt năng suất cao, có thể cung cấp “bánh mì” như... người Tây.

Anh đã đưa trâu Mura Ấn Độ về, tự mình nuôi thí điểm thành công và nhân rộng cho bà con. Trâu Mura đã cho sản lượng sữa để cung cấp cho trẻ em, chống suy dinh dưỡng. Để cho việc nuôi trâu đạt hiệu quả, anh khuyên bà con nên trồng cỏ voi cho năng suất cao. Trong khi hầu như việc nuôi trâu Mura ở miền Bắc bị thất bại, gia đình anh vẫn giữ được con giống thuần chủng để cung cấp trở lại cho ngành chăn nuôi. Với vùng núi đá vôi anh đã tìm ra những giống cây bản địa dễ trồng và có tác dụng phủ xanh đồi núi, chống xói mòn đất. Trong đó đặc biệt là cây Mác rạc vừa có thể làm củi, vừa có lá cho thỏ, cho dê, vừa có thể làm dầu mỹ phẩm...

Đến nay tuy là một phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã nghỉ hưu nhưng anh vẫn trăn trở tìm tòi, nghiên cứu để phổ biến kiến thức cho bà con, hy vọng rằng có thể biến “lời tuyên bố” trên đây của mình trở thành hiện thực.

Chế phẩm sinh học Quý Nhân

Ngày nay quan niệm phát triển bền vững song hành cùng với việc bảo vệ môi trường đã trở thành phổ biến trong giới khoa học cũng như trong nhân dân. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó thì vẫn còn không ít lấn cấn. Nguyễn Văn Nhân may mắn được đi tu nghiệp ở Hungari, dự hội thảo khoa học ở Thái Lan, Nhật Bản và nhiều lần tham quan học hỏi ở Trung Quốc. Đồng thời với vốn tiếng Anh, tiếng Trung tự học anh đã mày mò tìm hiểu sâu về học thuyết nông nghiệp sinh thái hiện đại. Dần dần trong anh hình thành một luận thuyết khoa học, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố vi sinh vật mà các tác giả khác thường coi nhẹ hoặc bỏ qua. Chính yếu tố gần như vô hình này đã làm cho hệ thống môi trường tự nhiên trong đó có con người, cây cối, côn trùng và động vật trở nên cân bằng bền vững.

Trong thời gian tập huấn anh đã mua được một lít chế phẩm sinh học của Nhật đem về nghiên cứu, phân lập các chủng vi sinh. Sau đó dựa vào những kiến thức thu nhận được anh đã chế tạo ra chế phẩm vi sinh với những chủng bản địa phù hợp với đất đai, khí hậu trong nước. Đặc biệt chế phẩm của anh được cô lại ở dạng khô, vừa dễ bảo quản,vừa dễ vận chuyển và có thể pha chế ra được nhiều. Anh đã tiến hành thực nghiệm tại nhiều làng bản cho thấy kết quả vượt ra ngoài mong đợi. Đó thực sự là một chế phẩm đa năng, vừa có thể bón cho cây trồng thay cho phân hóa học, vừa hạn chế sâu bệnh, vừa có thể khử mùi hôi thối, làm sạch chuồng trại. Trong gia đình, chế phẩm này có thể sử dụng cho bể phốt, dùng làm nước cọ rửa đồ dùng vệ sinh, sàn nhà... Thậm chí từ chế phẩm gốc có thể phối chế thêm với một số cây cỏ thực vật làm thuốc chữa sâu răng.

Sau khi thử nghiệm thành công, anh đã sản xuất chế phảm này để cung cấp cho nông dân với tên gọi Chế phẩm sinh học Quý Nhân. Tại Hội chợ Triển lãm Tuần lễ xanh quốc tế - Việt Nam năm 2003 chế phẩm Quý Nhân đã được tặng Huy chương Vàng.

Hiện nay các trường trung học phổ thông trong toàn tỉnh Cao Bằng đang có phong trào dùng chế phẩm vi sinh này để thực hành ứng dụng sinh học trong nhà trường để từ đó phổ cập rộng rãi cho bà con nông dân trong tỉnh. Nguyễn Văn Nhân hy vọng rồi đây chế phẩm này sẽ được nhiều nơi trong cả nước biết đến. Mặc dù “Made in Cao Bằng”, nhưng nó có chất lượng quốc tế đấy.

Nguồn: KH&ĐS Chuyên đề NTDTTS&MN Số 2   27/10/2006

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.