Kỳ vọng lớn từ những bước đi nhỏ
Không đi tắt
Được thành lập từ năm 2011, đến nay Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ vệ tinh. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc VNSC, cho biết: "VNSC đang thực hiện Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, trong đó nhiệm vụ chính là triển khai ứng dụng công nghệ vệ tinh, hợp tác quốc tế và đào tạo nhân lực. Nằm trong dự án này, chúng tôi đã thành lập Trung tâm Phát triển nhân lực và Chuyển giao công nghệ vũ trụ tại Hà Nội, chuẩn bị xây dựng Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ TP Hồ Chí Minh và đang xây dựng Đài Thiên văn Nha Trang. Dự kiến, đến năm 2020, tất cả các cơ sở đi vào hoạt động".
Mô hình vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 với tỷ lệ 1:1 trưng bày tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: TTXVN (ngày 4-5-2013)
Thu thập và xử lý ảnh tại Trạm thu ảnh vệ tinh (Đài Viễn thám Trung ương). Ảnh: TTXVN (ngày 7-5-2014)
Ảnh vệ tinh VNREDSat-1 chụp khu vực Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: VAST
VNSC còn đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác là hoàn thành Chương trình vệ tinh “made in Vietnam”. Năm 2013, trung tâm đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon. Các chuyên gia của trung tâm đang hoàn thiện bước 2, đó là phát triển vệ tinh Nano Dragon (6-10kg), dự kiến sẽ phóng lên quỹ đạo vào đầu năm 2017. Để hoàn thiện bước 3 của chương trình này là chế tạo vệ tinh Micro Dragon (nặng 50kg), trung tâm đã ký kết hợp tác, cử cán bộ đi học tại Nhật Bản và sẽ trực tiếp nghiên cứu, chế tạo vệ tinh này. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành LOTUSat 2 (vệ tinh nhỏ 500kg)-vệ tinh thương mại “made in Vietnam” đầu tiên được chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn khẳng định: "Chúng tôi không đi tắt mà bắt đầu từng bước nhỏ để làm chủ công nghệ vũ trụ".
Để thực hiện nhiệm vụ này cần đến đội ngũ cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm và tâm huyết. Những ngày đầu mới thành lập, trung tâm chỉ có vẻn vẹn 3 người nhưng đến nay, đội ngũ cán bộ, chuyên gia đã phát triển được 103 người; 148 lượt cán bộ đã được cử sang Nhật Bản học tập để thực hiện dự án. Sau một thời gian chuẩn bị, Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và xây dựng trụ sở đào tạo nguồn nhân lực tại đây. Trung tâm còn phối hợp Trường Đại học Việt-Pháp, làm việc với Nhật Bản để xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ tại Việt Nam.
Kỳ vọng lớn từ những vệ tinh “made in Vietnam”
Ứng dụng nhiều nhất của vệ tinh được sử dụng chủ yếu ở Việt Nam là ứng dụng viễn thám. Đây là phương pháp thu thập thông tin mà không trực tiếp tiếp xúc với vật thể. Vệ tinh viễn thám thương mại trên thế giới đang phát triển mạnh và có đến hàng nghìn vệ tinh viễn thám đang hoạt động trên quỹ đạo, có thể đạt độ phân giải không gian ở mức 15m, thậm chí tới 2,5m và độ phủ không gian khoảng 180km để nghiên cứu vùng lãnh thổ rộng lớn.
Theo Tiến sĩ Vũ Anh Tuân, Phó giám đốc VNSC, ứng dụng viễn thám ở Việt Nam chủ yếu khai thác sử dụng ảnh vệ tinh nhưng hầu hết đều được mua của nước ngoài. Tháng 5-2013, Việt Nam đã phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên VNREDSat-1 và hiện đang hoạt động tốt trên quỹ đạo. Đây là vệ tinh đa phổ, độ phân giải không gian lên tới 2,5m, độ rộng cảnh ảnh 17km. Dự kiến đến năm 2017, nước ta sẽ phóng vệ tinh VNREDSat-1B, là loại vệ tinh siêu phổ, độ phân giải phổ tốt hơn nhưng độ phân giải không gian kém hơn.
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Anh Tuân, ở nước ta ứng dụng viễn thám được sử dụng nhiều trong ngành nông-lâm nghiệp, đo vẽ bản đồ. Hiện nay, ngành lâm nghiệp cứ 5 năm thực hiện tổng điều tra rừng một lần và cần lượng ảnh phủ kín toàn bộ Việt Nam. Ngành đo vẽ bản đồ cũng phải sử dụng nhiều ảnh viễn thám trong việc đo vẽ bản đồ. Ngành nông nghiệp có thể ứng dụng ảnh viễn thám để theo dõi sự phát triển của cây trồng, dự báo sản lượng; điều tra hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất cũng sử dụng nhiều ảnh viễn thám…
Hiện nay, VNSC đang sử dụng ảnh viễn thám trong ứng dụng quản lý tài nguyên, nông-lâm nghiệp và thời gian tới sẽ phát triển quản lý lãnh thổ, biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Vũ Anh Tuân cho rằng, nhờ vào những ảnh viễn thám có thể quan sát được biến động từ biến đổi khí hậu và đưa ra những ứng phó, cảnh báo sớm để từ đó giúp giảm nhẹ thiên tai. Mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP (xấp xỉ khoảng 1,5 tỷ USD). Nếu nhờ công nghệ viễn thám để cảnh báo sớm thì con số thiệt hại kỳ vọng giảm được 10%, làm lợi khoảng 150 triệu USD cho đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay các ứng dụng viễn thám vẫn ở quy mô nhỏ, chủ yếu trong cấp tỉnh, vùng chứ chưa có quy mô cả nước. Tiến sĩ Vũ Anh Tuân nhận định: Để hướng tới quy mô khu vực cần lượng ảnh nhiều hơn, khả năng xử lý mạnh hơn, chất lượng tốt hơn và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Thiên tai hay các vấn đề của Trái đất mang tính toàn cầu nên không thể chỉ khép kín nghiên cứu trong nước mà phải mở rộng ra khu vực. Nếu Việt Nam không mở rộng ngay từ bây giờ thì sẽ luôn luôn đi sau vì các nước trong khu vực cũng đang rất chú trọng phát triển công nghệ vệ tinh.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuân chia sẻ: Mục tiêu nghiên cứu ứng dụng viễn thám trong thời gian tới của VNSC nhằm hướng đến lợi ích cộng đồng, xây dựng ứng dụng có tính theo dõi và liên tục. Ví dụ, điển hình là lập bản đồ rừng cho các địa phương và theo dõi hằng năm. Hiện nay, phải chờ đến 5 năm sau khi tổng điều tra hiện trạng rừng mới có kết quả thì số liệu đã lạc hậu, không có con số chính xác trong từng thời điểm. Bước đầu, VNSC sẽ xây dựng trên quy mô toàn quốc, sau đó mở rộng khu vực và có thể hợp tác trao đổi với nước ngoài.
Được biết, hiện trung tâm đang lập bản đồ rừng cho tỉnh Sơn La và Hòa Bình với tỷ lệ chi tiết 1:10.000; sử dụng phương pháp phân loại bán tự động cho phép thành lập bản đồ nhanh với nguồn nhân lực vừa phải. Trung tâm cũng đang nghiên cứu theo dõi trượt lở đất cho tỉnh Hòa Bình, thành lập bản đồ các khu vực có nguy cơ trượt lở. Với việc đưa ảnh viễn thám vào theo dõi lớp phủ thực vật cộng với thông tin thời tiết thì sẽ đưa ra cảnh báo các khu vực có nguy cơ trượt lở đất cao.
Đánh giá về những thành công của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ vệ tinh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết, các nước hàng đầu về công nghệ vũ trụ đánh giá Việt Nam đứng ở tốp đầu trong khu vực Đông Nam Á khi hoàn thành Chương trình vũ trụ đến năm 2020. Ứng dụng công nghệ viễn thám so với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng ở tốp đầu. Hiện nay, chỉ có duy nhất nước ta tự chế tạo vệ tinh. Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Xin-ga-po có quan điểm chỉ cần mua vệ tinh, hay như Phi-líp-pin không cần vệ tinh riêng mà chỉ cần mua ảnh của nước ngoài... Mỗi nước có quan điểm phát triển riêng, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là chủ động về công nghệ, khi làm chủ được công nghệ thì mới đạt được những nhiệm vụ của đất nước.
Vệ tinh là sản phẩm của một chuỗi những dây chuyền phức tạp. Những vệ tinh đã và đang trong giai đoạn hoàn thiện đều là những bước chuẩn bị, tích lũy về mặt kiến thức, kinh nghiệm, tìm ra được bí quyết từ những kỹ năng để có thể đủ năng lực chế tạo ra nhiều vệ tinh “made in Vietnam”. Ban lãnh đạo VNSC kỳ vọng trong tương lai không xa, khi LOTUSat 2-vệ tinh thương mại đầu tiên lắp ráp tại Việt Nam hoàn thành sẽ mở ra những hướng phát triển mới, không chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà còn sử dụng cho mục đích thương mại (bán ảnh), hợp tác khu vực và chuẩn bị vệ tinh cho những ngành đặc biệt, những nhiệm vụ đặc biệt. Khi đã làm chủ công nghệ, trung tâm sẽ không chỉ dừng lại ở công nghệ vệ tinh mà còn có thể tham gia những bước tiếp theo trong công nghệ vũ trụ. Những năm gần đây, khoảng cách về công nghệ vệ tinh của Việt Nam với thế giới càng ngày càng lớn. Để thu hẹp khoảng cách này, rất cần sự nỗ lực của các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý.