Kỷ tử - vị thuốc tốt cho người cao tuổi
Quả được thu hái vào mùa hè - thu, lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh giữa trưa, trời nóng làm quả kém phẩm chất. Chỉ lấy những quả màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ, loại bỏ quả thâm đen.
Đem tãi mỏng, phơi trong bóng râm cho se vỏ ngoài, rồi phơi tiếp chỗ nắng đến thật khô. Nếu sấy, cần để ở nhiệt độ 30-40oC. Có nơi người ta đồ chín quả mới phơi khô.
Dược liệu kỷ tử có hình trái xoan, giữa phình to, hai đầu thót lại, màu đỏ thẫm, mặt ngoài nhăn nheo, thịt mềm, vị ngọt thơm, hơi chua, tính bình, vào kinh can thận, có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, bổ tinh, ích khí, chữa thận hư, đau lưng, mỏi gối, di mộng tinh, mắt mờ, chóng mặt. Đặc biệt, người cao tuổi dùng kỷ tử rất thích hợp với thể trạng đang suy yếu.
Có thể bào chế kỷ tử thành những dạng thuốc sau:
- Rượu ngâm:Kỷ tử 300g, giã nhỏ, ngâm với một lít rượu 35-40o trong 2-3 tuần càng lâu càng tốt. Ngày uống 1-2 cốc nhỏ trước bữa ăn. Có thể ngâm thêm táo tàu, thục địa, long nhãn...
- Thuốc sắc:Kỷ tử 12g, thục địa 12g, tục đoạn 9g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
- Viên hoàn:Kỷ tử, hoàng tinh và thục địa với lượng mỗi thứ bằng nhau, sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, nhào với mật ong làm thành viên. Mỗi ngày uống 12-20g.
Hoặc kỷ tử, cúc hoa, thục địa, sơn thù du, sơn dược, trạch tả, mẫu đơn bì, phục linh (lượng bằng nhau) cũng tán bột, rây mịn, luyện với mật, làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 9g.
Chú thích: Người nóng nhiều, yếu dạ, tiêu chảy, không được dùng kỷ tử.
Nguồn: tintuconline.vietnamnet.vn 11/11/2005