Kỹ thuật nuôi ong
I - Dụng cụ nuôi ong
1. Thùng nuôi ong mật :
Thùng nuôi ong mật có thể gọi nôm na là nhà ở của đàn ong. Ở nước ta hiện phổ biến 2 loại thùng nuôi ong. Thùng nuôi ong bằng một khúc gỗ sầu rỗng ruột, nuôi theo cách tự nhiên, còn gọi là “đỏ ong”. Loại thùng nuôi ong này phổ biến ở nông thôn, miền núi hoặc những gia đình nuôi tự nhiên 1-2 tổ ong. Loại phổ biến nhất là thùng nuôi ong cải tiến hình vuông, một tầng, có 5-6 cầu.
2. Nuôi ong trong thùng cải tiến :
Nuôi ong trong thùng cải tiến có nhiều lợi ích, có thể tóm tắt như sau :
Thùng cải tiến hoàn toàn chủ động được các biện pháp tạo môi trường thích nghi cho đàn ong. Như ổn định nhiệt độ, dễ làm vệ sinh tổ, sắp xếp tầng ong theo đặc tính giống ong, dễ dùng. Kiểm tra đàn ong thuận tiện. Lắp ráp chân tầng giúp ong tiết kiệm sáp, mau hoàn thành tầng ong. Thu hoạch mật ong thuận tiện mà không phá bỏ tầng ong. Di chuyển đàn ong theo nguồn hoa thuận tiện. Tiết kiệm cho ong nhiều công sức chăm lo đến tổ để ong dành thời gian và quân số đi lấy mật và phấn hoa, do đó năng suất thu hoạch mật ong của đàn ong được tăng cao gấp nhiều lần.
Kinh nghiệm của nhiều người nuôi ong cho thấy việc sử dụng thùng cải tiến rất dễ dàng và thuận tiện. Những đàn ong rừng mới bắt về đưa ngay vào thùng cải tiến ong cũng tiếp nhận rất nhanh, không gây một đảo lộn tập tính nào của đàn ong.
3. Cấu tạo một thùng ong cải tiến :
Thùng ong cải tiến có nhiều kiểu khác nhau, có kiểu dài, có kiểu nhiều tầng, có kiểu chữ nhật. Sau đây, bản tin KHCN xin giới thiệu cấu tạo kiểu thùng ong cải tiến đang áp dụng phổ biến nhất ở nước ta (lấy kiểu 10 cầu làm ví dụ).
- Thân thùng : gồm 4 tấm gỗ ghép thành hình chữ nhật, ván dày 22-22,5mm, mặt trước và mặt sau 380mm x 245mm, mặt thành 2 bên thùng 465mm x 245mm (tính phía trong lòng thùng). Thân thùng đóng thành hộp có ngàm hoặc đóng đinh thật chắc và kín.
- Đáy thùng : đáy thùng là một tấm ván có viền chung quanh để thân thùng đặt lọt vào trong tấm đáy. Phía trước tấm đáy rộng ra 10cm trước cửa ra vào của ong để làm cầu cho ong hạ cánh trước khi vào cửa. Viền đáy điều chỉnh được khoảng cách giữa thân thùng và đáy thùng theo mùa. Mùa hè khoảng cách rộng để tổ thoáng mát 22-23cm, mùa đông lạnh khoảng cách là 10cm để tổ ong ấm áp.
- Nắp phụ : là tấm ván đậy sát thân thùng, sát cầu ong không cho ong bò lên trên cầu và trên thùng ong.
- Nắp chính : nắm chính nằm lọt vào thân thùng ong để khi đậy giữ độ kín cho thùng nhằm tránh khi đậy nắp sát với nắp phụ để động đến cầu ong, để phía trên cầu không bị bí quá cần có 4 miếng gỗ kê 4 góc nắp, hoặc đóng gờ ngoài thùng với yêu cầu khoảng cách giữa nắp chính và nắp phụ 40-50mm.
- Cầu ong : Là khung gốc để gắn chân tầng nhân tạo với kích thước đặt lọt vào thân thùng ong dài 425mm, cao 226mm, có gờ hai bên thanh gỗ trên cùng 25-27mm tuỳ theo độ dày của gỗ thùng. Cửa cầu căng 3 dây thép để giữ chân tầng cho chặt.
- Tấm ván ngăn : là tấm gỗ có kích thước như cầu ong để ngăn các cầu ong với khoảng trống trong thùng ong.
4. Để chăm sóc đàn ong cần sử dụng những dụng cụ gì ?
- Bát đựng nước để kê chân thùng ong chống kiến.
- Khay cho ong ăn.
- Bình xịt thuốc (loại nhỏ cầm tay giống như bình phun nước hoa cắt tóc) để phun thuốc phòng cho ong, phun nước mát khi trời nắng nóng.
- Chổi quét ong.
- Lồng nhốt chúa.
- Kim di trùng.
Ngoài ra người nuôi ong phải có đủ dụng cụ, quần áo, găng tay bảo hộ lao động, người chưa quen hoặc nặng hơi cần có mũ lưới bảo vệ mặt khi đàn ong dữ để chăm sóc.
5. Cấu tạo của thùng quay mật ong.
Thùng quay mật ong được làm bằng tôn hoặc nhôm. Khung quay đặt 2 cầu, 3 cầu, hoặc 4 cầu ong một lúc tuỳ theo số lượng trong đàn ong. Trên mặt thùng có cặp răng cưa để chuyển động quay ngang theo tay quay thành chuyển động quay dọc của khung quay. Mặt trong của thùng quay phải được láng bóng, sạch sẽ để khi mật bắn vào sẽ chảy nhanh xuống đáy thùng và theo vòi chảy ra ngoài nơi có chai đựng mật hứng sẵn.
II - Bố trí cầu ong và thùng ong
1. Cách đặt cầu ong vào tổ ong :
Sắp xếp các cầu ong vào thùng ong sao cho phù hợp với đặc tính hoạt động của con ong. Khoảng cách giữa hai cầu ong phải đảm bảo vừa đủ cho 2 con ong đi lọt là được, một con làm việc ở mặt cầu đối diện vừa sát lưng nhau. Nếu khoảng cách đó lớn hơn bề dày ngực của hai con ong, thì con ong thợ sẽ khó khăn trong việc điều hoà nhiệt độ, và chúng thường xây thêm các lưỡi mèo dính lại 2 cầu ong với nhau. Do đó khi rút cầu ong ra sẽ bị rách tầng ong. Nếu khoảng cách 2 cầu ong lại nhỏ hơn 2 lần bề dày ngực ong thì ong đi lại sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất làm việc của ong.
2. Chọn nơi đặt thùng nuôi ong :
Việc chọn nơi đặt thùng nuôi ong là rất quan trọng, quyết định cho sự tồn tại và phát triển của đàn ong. Nơi chọn để đặt thùng nuôi ong cần đảm bảo các điều kiện sau đây :
Phải đặt thùng nuôi ong trong bóng mát, nơi thoáng đãng, đảm bảo cho nhiệt độ trong thùng ong luôn điều hoà, mát mẻ.
Nếu đặt thùng nuôi ong nơi nắng nóng, làm cho nhiệt độ trong tổ cao buộc ong phải đi lấy nước để làm mát. Vì thế sẽ hạn chế thời gian lấy mật, phấn hoa của ong, làm giảm số lượng mật. Trường hợp nóng quá, ong không đủ sức làm mát tổ thì ong bốc bay.
+ Đặt nơi kín gió.
+ Đặt nơi yên tĩnh, tránh lối đi lại của súc vật, người lạ gây xáo động làm ảnh hưởng đàn ong.
+ Cần tránh nơi có nhiều kẻ thù của ong như kiến, ong vò vẽ…
+ Đặt nơi có nguồn nước, cũng có thể dùng dụng cụ chứa nước để gần tổ ong, bắc cầu cho ong dễ dàng lấy nước.
+ Chọn nơi có vị trí hình tượng đặc trưng ổn định để ong dễ nhận ra tổ của mình khi đi làm về, tránh để ong nhầm tổ hoặc mất thời gian tìm tổ.
+ Khoảng cách khi đặt các thùng cũng nên thưa ra, từ 3m trở lên. Đặt 2 thùng gần nhau quá ong dễ nhầm tổ và hay đánh nhau không có lợi.
+ Hướng đặt thùng tốt nhất là cho cửa ra vào hướng về phía mặt trời mọc. Ánh sáng ban mai chiếu vào cửa sẽ kích thích ong đi làm sớm và siêng năng.
III - Quản lý và chăm sóc đàn ong :
1. Công việc quản lý và chăm sóc đàn ong nuôi :
Công việc quản lý đàn ong trước hết là thường xuyên theo dõi hoạt động của đàn ong để từ đó phát hiện ra những hiện tượng khả nghi có thay đổi trong đàn ong như ong chuẩn bị chia đàn, ong muốn bốc bay, ong bị sâu bệnh… Việc thứ hai là định kỳ kiểm tra đàn, làm vệ sinh thùng ong. Việc thứ ba là cho ong ăn bổ sung hoặc kết hợp xử lý thuốc phòng trừ bệnh cho ong.
2. Thời điểm tiến hành kiểm tra đàn và nội dung cần kiểm tra.
Muốn kiểm tra đàn ong phải chọn khi thời tiết tốt, nắng đẹp, tránh kiểm tra đàn ong khi trời âm u, mưa gió vì những lúc đó ong ít đi làm, ở nhà bảo vệ đàn nên rất dữ, hay đốt. Bình thường 1 tháng kiểm tra và làm vệ sinh cho ong 1 lần. Về mùa quay mật thì kết hợp lịch quay mật với lịch kiểm tra đàn ong.
Nội dung kiểm tra đàn ong gồm :
- Kiểm tra ong chúa.
- Kiểm tra tình hình thức ăn của ong.
- Kiểm tra ong thợ và ấu trùng.
- Kiểm tra có mũ chúa không?
- Kiểm tra sức khoẻ của ong.
- Kiểm tra tình hình sâu bệnh.
- Kiểm tra chất lượng cầu ong.
Việc kiểm tra trên cần được ghi vào sổ kiểm tra cho từng đàn ong để đối chiếu các biến động trong đàn ong, có cách xử lý sau khi kiểm tra.
3. Phương pháp kiểm tra ong chúa :
Ong chúa thường lẫn vào trong bầy ong thợ rất khó nhìn thấy. Đôi khi được một cầu ong lẫn đã thấy ngay ong chúa nhưng cũng có khi đã dỡ hết các cầu ong lên xem mà không thấy ong chúa đâu.
Kiểm tra cầu ong xem có trứng hay không? Nếu cầu ong có đẻ trứng ngay ngắn, trứng đẹp thì đàn ong đang còn chúa. Nếu thấy trứng ong nhỏ, đẻ linh tinh dính cả trên lỗ tổ tức là trứng của ong thợ đẻ thì đàn ong đã mất chúa.
Nếu phía dưới cầu ong thấy có mũ chúa cấp tạo thì đàn ong có thể đã mất chúa hoặc ong muốn tạo chúa để chia đàn.
4. Kiểm tra tình hình của đàn ong và kiểm tra ấu trùng :
Kiểm tra đàn ong không phải chỉ để biết quân đông hay không mà chính là biết tình hình và khả năng phát triển của đàn ong. Tuổi của ong thợ chỉ có 50-60 ngày, nếu trong tổ ong mà trứng ong non, nhộng kém thì báo hiệu đó là đàn ong sắp tàn, nếu chậm khắc phục thì đàn ong sẽ mất. Đó là điều quan trọng. Tuy nhiên, bình thường kiểm tra là để điều chỉnh quân ong, tạo đàn ong mạnh.
Cách kiểm tra là mở đàn, lấy cầu để xem tình hình trứng ong, ấu trùng, nhộng phát triển có tốt không? Quân ong có bao phủ kín cầu không?
Nếu kiểm tra thấy quân ong yếu, không phủ kín cầu thì có thể thay cầu nhộng mới vào để tăng quân hoặc tăng thêm cầu nhộng. Trường hợp kiểm tra thấy quân yếu quá thì tiến hành nhập đàn. Kiểm tra đàn ong còn phải biết số quân ong trong đàn trẻ hay già. Tỷ lệ ong thợ trẻ nhiều, màu sắc vàng tươi là đàn ong đang mạnh, còn tỷ lệ đàn ong già nhiều là đàn ong đang yếu phải bổ sung cầu nhộng ngay.
5. Kiểm tra tình hình thức ăn trong tổ :
Một đàn ong mạnh bao giờ cũng có nhiều thức ăn dự trữ trong cầu ong. Đó là phấn hoa và mật ong. Phấn hoa và mật ong cũng là hai sản phẩm thu hoạch của người nuôi. Vì vậy, kiểm tra tình hình thức ăn dự trữ của ong trong tổ nhằm mục đích duy trì đàn ong và định ngày quay mật ong.
Nếu mật ong trong các lỗ tổ ít hoặc thiếu và có hiện tượng ong đói thì phải cho ong ăn. Nếu mật ong dự trữ đã được đầy các lỗ tổ (trên 1/3 – 1/2 cầu ong) thì xác định ngày quay mật khi các lỗ tổ ong đã được vít nắp.
6. Thức ăn của ong :
Thức ăn của ong chỉ có 2 loại là mật và phấn hoa. Trong tự nhiên ong lấy mật ở các loài hoa như cam, cà phê, các loại cây hoa hoặc các giọt mật cây trên lá, cuống lá, và một số lá trên thân cây. (Như cây cao su ong lấy phấn trên hoa và lấy mật trên lá còn hoa cây lim thì ong không lấy mật cũng không lấy phấn).
Thức ăn nhân tạo của ong là đường chế thành xyro đường 70%.
Phấn hoa nhân tạo cũng được nghiên cứu để cho ong ăn trong những ngày mưa bão kéo dài ong không đi kiếm thức ăn được. Theo tác giả Tạ Thành Cấu thì thức ăn phấn nhân tạo cho ong ăn có thành phần như sau :
- Bột đậu nành rang xay nhuyễn : 70%
- Phấn hoa khô xay nhuyễn : 10%
- Men bia : 10%
- Bột sắt : 10%
Nếu không dùng bột sắt thì có thể tăng bột phấn hoa khô lên 20%.
Bột phấn nhân tạo được ngâm trong nước đường đánh nhuyễn thành hồ nhão để cho ong ăn.
7. Cách cho ong ăn :
a. Cho ong ăn đường : Hoà đường cát vào nước theo tỷ lệ 1kg đường trong 1 lít nước. Khi trời nóng bức pha 1kg đường trong 2 lít. Nước đường này rót vào đĩa hoặc máng ăn rồi để trong ván đáy thùng (phía dưới cầu ong). Trên đĩa và máng để vài ba cọng cây để làm cầu cho ong đậu vào buổi đêm.
Khi cho ăn phải gọn gàng, không để nước đường dây ra chung quanh dễ gây hiện tượng ong cướp mật rồi đánh nhau tạo điều kiện để kiến bò vào tổ ong. Sau một đêm cho ong ăn, sáng ra phải cất đĩa đường để ong tiếp tục đi làm. Đêm sau lại cho ăn đĩa khác. Người ta cho ăn 3 đêm liền. Khi có đàn ong bị bệnh muốn cho ong uống thuốc người ta cũng hoà thuốc vào xyro đường rồi cho ăn bằng cách này.
b. Cho ong ăn phấn hoa : phấn hoa sau khi được chế biến thành bột đem hoà với xyro đường thành một hỗn hợp nhuyễn sền sệt. Khi cho ong ăn lấy hỗn hợp này trét lên xà cầu chỗ tiếp giáp tầng ong, hoặc bỏ vào các lỗ tổ cầu phấn để ong ăn. Thời gian cho ong ăn phấn vào buổi chiều để đêm ong tiếp tục ăn.
Chú ý : Khi cho ong ăn thêm đường có thể bổ sung thêm một ít Bcomplex. Vitamin tổng hợp nhóm B càng tốt.
8. Kỹ thuật chia đàn nhân giống ong :
Chia đàn để nhân giống ong là biện pháp kỹ thuật quan trọng để phát triển đàn ong. Nhưng muốn chia đàn thì phải cần có các điều kiện sau :
- Phải có một đàn ong mạnh.
- Lợi dụng yêu cầu của đàn ong muốn chia đàn tự nhiên để tự động chia đàn.
- Phương pháp chia đàn để thực hiện theo các bước chuẩn bị sau :
+ Khi chia đàn cần kiểm tra quân ong, trứng, ấu trùng, nhộng, thức ăn.
+ Khả năng đẻ trứng của chúa và đã có mũ chúa chưa, đã được mấy ngày rồi, sắp nở chưa?
Trường hợp chưa có mũ chúa thì phải chuẩn bị mũ chúa để gắn vào cầu, hoặc chuẩn bị con ong chúa mới.
+ Chuẩn bị thùng ong để san đàn.
+ Chuẩn bị thức ăn bổ sung cho ong.
Sau khi kiểm tra và chuẩn bị đủ điều kiện rồi mới tiến hành chia đàn. Trước tiên cho 2 thùng ong để gần nhau, cửa sổ cũng hướng về một phía. Đàn ong có 6 cầu thì rút 3 cầu có mũ chúa hoặc là gắn mũ chúa sắp nở đưa sang thùng mới.
Trường hợp đưa chúa mới vào thì phải áp dụng kỹ thuật giới thiệu chúa mới. Như vậy là đã có 2 đàn ong, một đàn ong với ong chúa cũ còn một đàn ong với ong chúa mới hoặc mũ chúa.
Thời gian chia đàn ong nên làm vào buổi chiều khoảng 14 – 17 giờ.
IV – Thu hoạch mật ong, sáp ong và sữa ong chúa :
1. Thời điểm thu hoạch mật ong :
Muốn có mật ong đạt tiêu chuẩn thì nên thu hoạch khi ong thợ đã lấy sáp vít nắp các ổ chứa mật. Chỉ lúc đó quá trình chế biến mật của con ong mới hoàn thành, chất lượng mật mới đảm bảo và có thể bảo quản nhiều năm không sợ hư hỏng.
Tuy nhiên, trong sản xuất để chờ cho ong vít nắp 100% rồi mới thu hoạch mật thì kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của con ong. Kinh nghiệm trong nghề nuôi ong cho thấy khi cầu ong mật được vít nắp trên 70% số lỗ tổng đựng mật là thu hoạch sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng mật ong. Cũng do vậy nên người ta không thu hoạch mật ong còn non, nghĩa là mật ong vừa được ong thợ đổ đầy lỗ tổ chưa vít nắp. Thu hoạch mật non tỷ lệ nước trong mật còn cao, khả năng bảo quản kém, thường có hiện tượng kết tinh. Mật ong non thường tỷ lệ nước 35 – 50% nên dễ bị nhiễm khuẩn, mau hỏng không bảo quản được lâu.
2. Cách thu hoạch mật ong :
Hiện nay, cách thu hoạch mật ong phổ biến là dùng thùng quay mật, sử dụng lực ly tâm để mật ong từ lỗ tổ ong bắn ra ngoài. Sau khi kiểm tra đàn ong, đàn nào đạt tiêu chuẩn thu hoạch mới tiến hành quay mật. Để tiến hành quay mật, cần thực hiện các thao tác sau :
- Nơi đặt thùng quay mật nên xa tổ ong ở mức cách li tốt. Tốt nhất là thùng quay mật được đặt trong 1 chiếc màn rộng ngắn không cho ong bay vào thùng quay lấy mật.
- Cầu ong quay mật sau khi lấy ra khỏi thùng dùng dao gọt nắp vít lỗ, chú ý gọt mỏng vừa đủ cắt nắp, không gọt sâu làm vẹt lỗ tổ ong.
- Tuỳ theo thùng quay mà mỗi lần có thể lắp 2 cầu, 3 cầu, 4 cầu ong. Lắp lần đầu quay hết mật mặt bên cầu, lại trở sang bên khác để quay mật mặt cầu đối diện. Người quay mật phải chú ý quan sát để quay với tốc độ đạt hiệu quả cao.
- Sau khi quay xong mật, cầu ong được trả lại cho đàn ong theo đúng vị trí cũ của các cầu ong. Chú ý là trước khi quay cầu ong số mấy thì khi trả lại cũng phải đặt cầu ong đúng thứ tự đó.
- Mật ong sau khi quay cần được lọc để loại bỏ các loại phế thải lẫn vào như xác ong, mánh sáp, bọt bẩn… rồi đổ vào dụng cụ đựng mật đậy kín bảo quản.