Kỹ thuật nuôi chạch đồng
Do khai thác bừa bãi bằng các phương tiện hủy diệt, do môi trường thích hợp trong tự nhiên ngày càng thu hẹp lại nên chạch đồng trở nên khan hiếm, giá bán cao. Chính vì thế, ngành nuôi trồng thủy sản đã nghiên cứu việc sinh sản nhân tạo, nuôi chạch đồng.
Ở Hà Nội, vài năm nay đã xuất hiện một số mô hình nuôi chạch trên vùng ruộng trũng hoặc ao tại những vùng chiêm trũng các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... Nông dân đắp bờ đất cao, có quây nylon xung quanh để tránh thất thoát chạch đồng khi trời mưa.
Trong ruộng nuôi nông dân không để trống mà tạo những bờ đất bằng cách đắp nổi, trên đó trồng dày đặc cây điền thanh lấy bóng mát.Ruộng nuôi chạch có thể nuôi xen ghép cua đồng.
Ban đầu con giống đều được thu gom từ trong tự nhiên nên tỷ lệ hao hụt cao, kích cỡ không được đồng đều. Giờ đây với việc chủ động SX giống, nuôi chạch đồng hứa hẹn sẽ là một nghề tốt bởi sản phẩm làm ra không có đủ để tiêu thụ.Hiện chạch thương phẩm đã được bán nhiều trên thị trường với giá khoảng 100.000 đồng/kg (cỡ khoảng 50 con/kg).
Để biết thêm về mô hình nuôi chạch đồng, chúng tôi xin hướng dẫn tóm tắt quy trình nuôi chạch thương phẩm để bà con nghiên cứu áp dụng.
1. Chuẩn bị ao, bể nuôi
Bà con có thể nuôi chạch ở ao đất, bể xi măng, bể lót bạt, tùy theo điều kiện đầu tư để quyết định diện tích nuôi.
Nên thiết kế ao, bể có diện tích vừa phải, từ 5 - 10 m2 để thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, thu hoạch. Ao, bể chủ động nước, cống lấy nước vào, tháo ra đối diện nhau là tốt nhất, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
2. Chuẩn bị giống
Để tránh hao hụt nhiều, bà con nên mua giống cỡ lớn (khoảng 300 con/kg), chọn con giống đều cỡ, màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, không xây xát, không bệnh tật.
3. Quản lý và chăm sóc
Trước khi thả nuôi, phải tắm phòng bệnh cho chạch giống bằng nước muối 3% từ 10 - 15 phút, hoặc tắm bằng Povidine liều lượng 5 ml/m3 nước. Mật độ thả 50 - 100 con/m2, sau 3 tháng có thể bán chạch thương phẩm.
Chạch dễ nuôi hơn lươn, thức ăn của chạch đơn giản hơn (chạch ăn mùn bã hữu cơ), khi chạch còn nhỏ cho ăn thức ăn có độ đạm trên 30%, sau đó giảm dần, 30 ngày nuôi sau cho chạch ăn thức ăn có độ đạm 20 - 25%, cho ăn 2 lần/ngày (sáng, chiều tối). Tỷ lệ thức ăn trung bình 1,4.
4. Phòng bệnh và trị bệnh
- Phòng bệnh: Chạch ít bị bệnh hơn lươn, tuy nhiên nếu để nước ô nhiễm nhiều ngày thì chạch cũng dễ bị bệnh.
Chạch có thể bị nấm, đốm đỏ lở loét, bệnh đường ruột... Để phòng bệnh nên trộn thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho chạch, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3 - 5 ngày liên tục. Ngoài ra còn phải cho ăn 4 đúng (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng vị trí). Chú ý thay nước định kỳ không để nước ô nhiễm.
- Trị bệnh: Khi phát hiện chạch bị nấm có thể tắm cho chạch bằng các loại hóa chất sau: Nước muối 3% hoặc KMnO4 liều lượng 20 gr/1m3 nước, thời gian 10 - 15 phút.
Trộn kháng sinh vào thức ăn cho chạch ăn: Doxycyline 0,2 - 0,3 gr/1kg thức ăn; Oxytetracyline 2 - 4 gr/kg thức ăn, cho ăn 5 - 7 ngày liên tục.
5. Thu hoạch
Sau thời gian nuôi 9 - 12 tháng, chạch có thể đạt kích cỡ 100 - 150 con/kg, và có thể thu tỉa dần.
Do tập tính sống chui rúc sâu dưới bùn nên việc thu hoạch sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn các đối tượng nuôi khác.
Đối với chạch đồng: Trước khi thu hoạch cần tháo cạn ruộng nuôi cũng như mương và để từ 3 - 4 ngày cho mặt ruộng và mương cứng lại. Sau đó xẻ một rãnh dọc ruộng hoặc xẻ theo hình xương cá.
Tiếp theo là thêm nước mới vào để cho chạch vào rạch theo nước mới từ đó ta chỉ việc tiến hành thu. Trong quá trình thu có thể dùng lưới có mắt lưới tùy theo cỡ chạch cần thu để lọc bỏ những con bé hoặc những con đang mang trứng để dùng làm chạch bố mẹ hoặc chạch giống cho vụ sau.
Ngoài cách này, cũng có thể thu chạch bằng phương pháp đặt bẫy mà không cần tháo cạn hết nước… Trước khi xuất bán 1 ngày không cho chạch ăn, không dùng kháng sinh trước khi xuất bán 15 ngày.
Đánh bắt cẩn thận không để chạnh xây xát, cho chạch vào thùng xốp, không cho nước hoặc cho ít nước để chạnh không bị khô da.