Kỳ tài hiếm có trong lịch sử kiến trúc phương Đông
Nguyễn An với cống hiến bất hủ
Nói về người Việt Nam xây dựng trên đất Trung Quốc được chính những người Trung Quốc ghi nhận. Trong cuốn sách Hán Văn hóa luận cương - kiêm thuật Trung Triều, Trung Nhật, Trung Việt văn hóa hóa giao lưu (Luận cương văn hóa Hán - gồm cả vấn đề giao lưu văn hóa Trung Triều, Trung Nhật, Trung Việt) do 4 tác giả biên soạn, nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh ấn hành năm 1993, trong đó chương thứ 5 do tác giả Trần Ngọc Long viết được Hồ Hoàng Biên dịch ra tiếng Việt đoạn nói về người Việt Nam xây dựng trên đất Trung Quốc viết: "Những năm Vĩnh Lạc nhà Minh, Trương Phụ vét bắt nhân tài Giao Chỉ trước sau ba lần, cộng hơn 16.000 người, trong đó có con của Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) là Lê Trừng tức Hồ Nguyễn Trừng đem về Nam Kinh...
Có hơn 130 thợ cả Giao Chỉ được mang theo cả gia quyến đến Nam Kinh. Nhà vua sai quan tổ chức cho họ học tập kinh sử Trung Quốc. Những người giỏi như Phạm Hoằng, Vương Cẩn, Nguyễn An sau khi đến Nam Kinh được sắp đặt ổn thỏa. Về sau Phạm Hoằng và Vương Cẩn từng nhậm chức trong triều đình, còn Nguyễn An đã có cống hiến bất hủ trong công cuộc xây dựng thành Bắc Kinh thời Minh Sơ".
Nói về kiến trúc sư Nguyễn An, tác giả Trần Ngọc Long viết: Năm thứ 4 Vĩnh Lạc (1406) Minh Thành Tổ bắt đầu xây dựng thành Bắc Kinh, Nguyễn An được giao phụ trách tổng thiết kế. Sách Thất tu loại cảo do Lang An đời Minh soạn thảo, quyển 13 mục Quốc sự loại Bản triều nội quan tổng năng chép rằng: "Nguyễn An người Giao Chỉ, bản tính thanh cao, cứng cỏi, giỏi mưu tính, nhất là về việc xây dựng. Thành phố Bắc Kinh 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, 6 bộ đến việc lấp chấn các đoạn sông đều do một mình Nguyễn An trù tính cả".
Nhân vật chủ chốt phụ trách công trình
Các sách Minh thực lục, cũng đều có những đoạn ghi chép tương tự. Thời Minh sơ, việc kiến thiết Đại Bắc Kinh ở giai đoạn thảo sáng hay giai đoạn hoàn thành, trước sau Nguyễn An vẫn là nhân vật chủ chốt phụ trách công trình. Tác giả chú thích thêm: "Trương Tú Dân tiên sinh, từng lấy bút danh là Việt nhân viết bài: "Nhà kiến trúc thiên tài Việt Nam Nguyễn An từng tham gia xây dựng Đại Bắc Kinh thời Minh".
Công trình trọng điểm thời bấy giờ là xây dựng Tử Cấm Thành (tức cung vua) và Hoàng thành. Tử Cấm thành do Nguyễn An thiết kế Nam - Bắc dài 960m, trong đó có 3 điện phía trước là Hoàng Cực điện, Trung Cực điện, Kiến Cực điện và 3 điện phía sau là Càn Thanh cung, Giao Thái điện, Khôn Minh cung chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi. Nguyễn An tiên sinh đã sơ bộ hoàn thành hạng mục công trình phức tạp này. Quần thể kiến trúc Bắc Kinh được bố cục cân xứng, hùng vĩ trang nghiêm là thành phố nổi tiếng thế giới, được người đời sau hâm mộ.
Năm Chính Thống thứ 5 (1440), vua Minh Anh Tông hạ lệnh xây dựng lại 3 điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân trong hệ thống cung điện Bắc Kinh, Nguyễn An vẫn là người thiết kế. Trên cơ sở đã có, ông còn thiết kế thêm càng sắc sảo, tinh tế hơn trước nhiều. Đánh giá chung về Nguyễn An, tác giả viết: "Nguyễn An thực sự là một kỳ tài hiếm có trong lịch sử kiến trúc phương Đông. Sử sách khen ông: "Giơ tay chỉ vạch là hình hiện lộ, thế dựng lập", "Mắt tinh tường, ý doanh tạo đều khớp với quy chế", "Khéo suy xét, tính toán như thần, người đời thần phục".
Trong Sài Cấm thành còn bảo tồn được nhiều văn vật lịch sử và tác phẩm nghệ thuật gồm trên 920.000 hiện vật. Trong đó có nhiều thứ thuộc loại bảo bối hiếm có trên thế giới. Năm 1925, Sài Cấm thành được đổi tên là Viện Bảo tàng cố cung. Cố Cung ngày nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.