Kỹ sư của nhà nông
Bỏ quê lên rừng...
Rời giảng đường đại học, Tiến tay không “mò” lên Lương Sơn để làm ăn (quê ở Kim Sơn - Ninh Bình). Gia đình, bạn bè ai cũng kêu anh “dở hơi”, tự làm khổ mình. Ban đầu, anh đi làm thuê cho các công trình xây dựng ở Hoà Bình và các vùng lân cận, từ bốc vác, phụ hồ cho đến quét sơn... Nhờ có kiến thức, lại khéo tay, sau một thời gian lăn lộn hết xã đến bản, anh bắt đầu nhận thiết kế công trình cho nhiều nơi và gây dựng vốn liếng. Sau khi lập gia đình, anh Tiến tậu một mảng đất rộng gần 4ha để trồng cây ăn quả, chủ yếu là hồng xiêm, táo, nhãn, vải, xoài... Ngoài ra, anh tận dụng chỗ đất xấu để trồng cỏ nuôi bò, trồng ngô và sắn, nuôi gà thả vườn, nuôi ong mật. Mấy hecta đất vườn đồi toàn sỏi đá chỉ có hai vợ chồng anh lăn lưng ra làm việc. Chị Mai Thị Hoa - vợ anh Tiến cho biết: “Mấy năm đầu chúng tôi khá vất vả, tích cóp từng đồng từng hào, phải vay mượn bạn bè mới có được cơ ngơi nho nhỏ”. Để quy hoạch vườn hiệu quả, anh Tiến mua sách báo, tài liệu hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi và học kinh nghiệm từ những mô hình VAC điển hình ở địa phương. Chỉ sau mấy năm, 4ha vườn đồi đã được anh chia lô, quy hoạch đâu vào đấy. Mỗi năm, vườn cây ăn quả và chăn nuôi đã mang lại cho gia đình anh gần 20 triệu đồng.
Nhà chế tạo máy tẽ ngô
7 năm trước, khi thị trường xuất hiện nhiều máy tuốt lúa, anh mua thử một chiếc về tuốt thuê cho bà con trong vùng. Thấy làm ăn được, hết mùa, anh tháo tung chiếc máy để tìm hiểu nguyên lý hoạt động, rồi tìm cách tự thiết kế và sản xuất máy bán cho bà con. Sau gần một năm nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và thu mua nguyên liệu, chiếc máy tuốt lúa của anh Tiến ra đời, gọn và dễ vận chuyển ở vùng đồi núi. Chỉ trong một tháng, khắp các vùng của Lương Sơn ai cũng biết đến chiếc máy tuốt lúa của anh Tiến, người đến đặt hàng ngày càng nhiều. Không dừng lại ở đó, anh còn mày mò tìm cách chế tạo máy tẽ ngô dựa vào hoạt động của máy tuốt lúa. Anh Tiến tâm sự: “Tôi thấy bà con ở đây, nhất là vợ tôi, cứ đến mùa thu hoạch ngô là phải mất mấy ngày liền mới tẽ xong một sào, tay bị phồng rộp mà rất vất vả. Từ đó, tôi ấp ủ giấc mơ làm ra chiếc máy tẽ ngô”. Sau một thời gian tìm hiểu, thử nghiệm và vài lần thất bại, chiếc máy tẽ thành hình, đơn giản, nhỏ gọn, dễ vận hành và giảm được đáng kể sức lao động. Anh Tiến cho biết: “Lúc đầu tôi cũng chỉ định làm để giúp vợ thôi, đâu nghĩ gì đến chuyện sản xuất – kinh doanh. Không ngờ bà con ở đây lại rất thích do máy bền, dễ vận chuyển, giá thành thấp (300.000 đồng/chiếc), phù hợp với điều kiện sản xuất quy mô nhỏ. Bây giờ tôi không mang ra chợ bán nữa mà nhiều nông dân Hà Tây, Phú Thọ cũng tìm đến đặt mua...”. Khác với những chiếc máy bóc vỏ tách hạt chạy bằng dầu khác, chiếc máy tẽ của anh tiến chạy bằng điện nên không gây ô nhiễm, công suất của máy đạt khoảng 2 tấn/giờ, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, trong khi đó, nếu bóc tách thủ công thì chỉ được 5kg hạt/giờ. Một ưu điểm nữa của chiếc máy tẽ này là có thể vận dụng được nguyên liệu cũ, dễ lắp ráp. Hiện vợ chồng anh Tiến đang mở rộng xưởng sản xuất, sắp tới anh còn lắp ráp cả máy phun thuốc trừ sâu để phục vụ người dân trong huyện. Theo anh Tiến, làm giàu bằng nghề nông không khó, điều cốt yếu là phải biết học hỏi khai thác hết khả năng và lợi thế của mình, nắm bắt được nhu cầu và khai thác thị trường đúng thời điểm... thì thế nào cũng thành công.
Đến thăm nhà anh, đâu đâu cũng thấy máy móc, sắt thép, ngôi nhà trông như một xưởng sản xuất nhỏ. Hiện anh vẫn nhận thiết kế công trình xây dựng và đang lập kế hoạch liên kết thành lập một công ty lắp ráp ô tô tải ở Ninh Bình. Anh Tiến cho biết: “Mặc dù kinh doanh nhiều mảng, nhưng tôi vẫn thấy gắn bó với nghề nông hơn cả. Mỗi năm, xưởng của tôi cho ra “lò” vài trăm chiếc máy tẽ ngô, giải quyết việc làm cho gần chục lao động lúc nông nhà”. Đến nay, tổng thu nhập của gia đình anh Tiến đã lên đến 700-800 triệu đồng/năm. Thành công trong kinh doanh, anh Trần Văn Tiến còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ vốn cho những hộ nghèo trong vùng làm ăn. Bà con quanh vùng khâm phục ý chí làm giàu của anh, gọi anh là “kỹ sư của nhà nông”.
Nguồn: Kinh tế nông thôn, số27 (513), 3/7/2006