Kỳ nam và Trầm hương - dược liệu quý hiếm
Từ cây gió bầu
Kỳ nam và Trầm hương là sản phẩm tự nhiên được hình thành từ nhựa của cây Gió (gió bầu, gió trầm) tiết ra nhằm làm liền các vết thương trong quá trình phát triển của cây. Kỳ nam là loại trầm quý nhất.
Theo kinh nghiệm của những người “đi điệu” (tìm trầm), không phải cây Gió trầm nào cũng có trầm hương và kỳ nam. Chỉ có những cây Gió cao 30-40m trở lên, lá ngả vàng và nhỏ dần, thân cây có tật, nhiều u bướu nhưnhững tổ kiến, vết thương trên thân cây hoặc gốc có gò mối đóng thì mới có kỳ nam. Trầm-kỳ có thể có ở khắp thân cây, nhưng thường được hình thành chủ yếu ở gốc thân và lõi cây. Ở gốc cây, trầm-kỳ được hình thành trong ruột cây từ vị trí cách mặt đất 0.5-1m. Các khối trầm-kỳ được hình thành từ các vị trí chấn thương do gãy cành ngọn, do tỉa cành tự nhiên, động vật, côn trùng gây chấn thương. Sau thời gian, tại các vị trí này, cây sẽ tích tụ nhựa để làm lành vết thương và tạo ra trầm - kỳ.
Ông Đặng Ngọc Huyên-Giám đốc Cty Hương Trầm, Hội Trầm hương Việt Nam cho biết: “Kỳ nam là một thể các tế bào gỗ đã bị thoái hóa, biến dạng rất khó nhận thấy thớ gỗ, thành phần chủ yếu là chất nhựa thơm (tinh dầu cây gió trầm) với hình dáng, kích thước không đều, lồi lõm. Kỳ nam nặng, mềm dẻo, có mùi thơm, đủ các vị cay, chua, đắng, ngọt và thơm. Một khối kỳ nam chừng nắm tay có thể nặng vài ba ký. Kỳ nam được chia làm 4 loại: Kỳ bạch, rất quý hiếm, có màu xám nhạt, tinh dầu tích tụ đều khắp các thớ gỗ tạo thành khối màu xám nhưdầu; Kỳ thanh: Màu đen nhánh, có ánh xanh lục, mùi thơm rất dễ nhận; Kỳ huỳnh: Có màu vàng sẫm; Kỳ hốc: Có màu đen bóng nhưhắc ín, mềm và dẻo hơn các loại trên. Kỳ nam chứa nhiều tinh dầu nên khi cháy cho ngọn màu xanh, khói lên thẳng và cao, bay lờ lững trong không khí rất lâu. Còn Trầm hương thì nhẹ và cứng hơn kỳ, có vị cay, hơi đắng, sắc nhạt, mùi thơm nhẹ. Do chất lượng, hình dáng, kích thước, màu sắc, trọng lượng và hương vị mà trầm hương được chia từ loại 1 đến loại 6 theo chất lượng giảm dần và được gọi với nhiều tên khác nhau như: Trầm mắt tử, trầm mắtđào, trầm bỏng, trầm da bao... Khi đốt cháy Trầm hương bốc khói lên hình vòng rồi tan biến nhanh trong không khí. Nhưng điều dễ nhận ra nhất là Trầm và Kỳ đều chìm khi bỏ xuống nước, chính điều này nên có tên là trầm hương”.
Những bài thuốc “thần dược”
BS Trịnh Thị Mơ- Chủ tịch Hội Đông y TP Đà Nẵng cho biết: “Với thành phần hoá học chủ yếu là Benzylaxeton (C6H5CH2-COCH3) 26%, Metoxzylaxeton 53% và Tecpen ancol 11%, trầm-kỳ là một vị thuốc quý hiếm và đắt trong Đông y. Với tính cay, hơi ôn tác dụng vào 3 kinh tỳ, vị và thận của cơthể. Trầm - kỳ còn có tác dụng giáng khí nạp thận, bình can tráng nguyên dương, được các lương y sử dụng trong chữa trị các bệnh đau ngực bụng, nôn mửa, bổ dạ dày, hen xuyễn, bí tiểu tiện, tiêu đờm,...Ngoài ra còn có tác dụng giảm đau và trấn tĩnh thần kinh. Trầm - kỳ được dùng dưới dạng bột hay ngâm rượu. Ít khi sắc, thường mài với nước mà uống. Hiện nay, do quá đắt và hiếm nên trong thực tế trầm được sử dụng nhiều hơn kỳ, song cũng rất ít. Tuy nhiên, do trầm-kỳ có mùi nặng, nồng độ cao, ở mức độ nào đó có thể gây độc nên phụ nữ có thai không nên uống hoặc mang trong mình, có thể làm sảy thai, những người suy nhược và biếng ăn, suy gan... không nên dùng trầm - kỳ. Bên cạnh đó, Trầm - kỳ có tính kỵ hỏa, không nên uống chung với những loại thuốc có tính chất thuộc hành hỏa tính theo âm dương ngũ hành”.
Ngoài ra, với mùi thơm đặc biệt, quyến rũ đồng thời khả năng lưu mùi lâu, tinh dầu Trầm hương được sử dụng làm chất định hương trong ngành hoá mỹ phẩm và trong chế tác đồ trang sức. Không những vậy, trong lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng, Trầm-kỳ được sử dụng nhưmột liệu pháp đặc hiệu nhằm trừ khử khí độc, điềm xấu, mang lại sự may mắn cho con người cũng nhưtăng thêm sự trang nghiêm, long trọng cho các hoạt động lễ hội...
Nguồn: KH&ĐS Số 76 Thứ Sáu 22/9/2006