Kinh nghiệm Nhật Bản về phát triển nguôn nhần lực (HRD)
Vốn? Công nghệ? Hay phát triển nguồn nhân lực?
Trong thời đại hiện nay, chúng ta cần phải xem xét một loạt các vấn đề khi tiến hành cải tiến năng suất. Tất cả các yếu tố này đều có mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp tới năng suất, đó là công nghệ, các hệ thống và thực tiễn quản lý, chất lượng, quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, môi trường làm việc trong tổ chức, phát triển nguồn nhân lực… Đó là những yếu tố cơ bản và phổ biến đối với hoạt động cải tiến năng suất tại bất cứ quốc gia nào. ở Nhật Bản, bên cạnh khái niệm năng suất công việc hay năng suất doanh nghiệp, chúng tôi đã mở rộng khái niệm năng suất sang cả hệ thống xã hội hay năng suất xã hội. Do vậy, chúng tôi còn phải xem xét một số lĩnh vực bổ trợ như các vấn đề môi trường, hệ thống kinh tế vĩ mô, chính sách phúc lợi xã hội, các hệ thống và thực tiễn quản lý hành chính, hệ thống đào tạo…
Về mặt thực tiễn, năng suất có thể được định nghĩa như là động lực hay nguồn lực nội tại của các hoạt động ngành. Nó là những nỗ lực nhằm đưa các hoạt động ngành thích nghi với môi trường ngoại vi thường xuyên thay đổi. Nói một cách khác, năng suất chính là động lực không ngừng tự đổi mới của một tổ chức. Theo những kinh nghiệm và phân tích của chúng tôi thì nhân tố quan trọng nhất chính là yếu tố con người. Một số người coi “vốn” là quan trọng nhất trong sự phát triển của ngành, và một số khác lại coi “công nghệ” là yếu tố chính đối với hoạt động cải tiến năng suất. Thực ra, cả hai nhân tố nói trên đều quan trọng, nhưng nguồn vốn cũng có thể bị con người sử dụng sai, và các tiêu chuẩn cao về công nghệ có thể sẽ không bao giờ được duy trì nếu thiếu những nỗ lực của con người nhằm phát triển nguồn nhân lực thích hợp và nỗ lực không ngừng nhằm cải tiến các tiêu chuẩn này. Những nỗ lực không ngừng nhằm nâng cấp tiêu chuẩn công nghệ là cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay khi mà công nghệ phát triển rất nhanh.
Định nghĩa về năng suất thích hợp nhất mà tôi được biết cho đến nay là định nghĩa do Ban Năng suất, thuộc Hội đồng Năng suất Châu Âu đưa ra tại Hội nghị Rome năm 1959. Dưới đây, tôi xin được trích dẫn định nghĩa này:
“Tổng quát mà nói, năng suất là một trạng thái tư duy. Nó là một thái độ nhằm tìm kiếm để cải thiện những gì đang tồn tại. Có một sự chắc chắn rằng con người ngày hôm nay có thể làm việc tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Hơn nữa, nó đòi hỏi những cố gắng không ngừng để thích ứng với các hoạt động kinh tế trong những điều kiện luôn thay đổi, luôn ứng dụng những lý thuyết và phương pháp mới. Đó là một sự tin tưởng chắc chắn trong quá trình tiến lên của loài người.”
Mục đích tiến hành cải tiến năng suất?
Mục đích hay mục tiêu chính của phong trào năng suất là gì? Tất nhiên, năng suất cao hơn sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành, tăng khả năng cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và quốc tế, tăng lợi nhuận cho công ty và tăng nguồn thu ngoại hối cho quốc gia.
Nhưng trừ khi mục đích tối thượng của phong trào năng suất được xác định rõ, những nỗ lực cải tiến năng suất có thể sẽ bị chệch hướng. Tôi đã thấy những sự hỗ trợ, ủng hộ từ phía lãnh đạo công ty, lãnh đạo ngành và từ phía chính phủ đối với hoạt động quảng bá năng suất vì họ đã sớm ý thức được những lợi ích rõ ràng thông qua hoạt động cải tiến năng suất. Nhưng nếu việc cải tiến năng suất chỉ đem lại lợi ích cho chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp, thì tôi cho rằng đó không phải là loại năng suất mà chúng ta đang hướng tới và nó cũng sẽ không thể tạo ra được những giá trị mà chính phủ và giới lãnh đạo doanh nghiệp cố gắng đạt được. Những gì thường được bỏ qua không tính đến trong các trường hợp này là sự xem xét và tham gia của mọi người, của người lao động.
Hiệu quả nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực
Vậy hiệu quả nguồn nhân lực là gì? Phải chăng nó cũng tương tự như chất lượng nguồn nhân lực. Thực ra, chất lượng nguồn nhân lực là một vấn đề chính luôn được các chuyên gia về lý thuyết và thực tiễn năng suất thảo luận trên khắp thế giới. Tuy nhiên, khi các cuộc thảo luận được tiến hành tại các nước phương Tây, họ thường bàn đến kỹ năng công việc, và để cải tiến chất lượng nguồn nhân lực, họ đưa ra các đề xuất cải tiến hoạt động giáo dục tại trường học, tăng cường các chương trình đào tạo kỹ năng thông qua sự hợp tác từ cả phía chính phủ và khối tư nhân.
Chất lượng nguồn nhân lực
Tuy nhiên, những kỹ năng công việc chỉ thể hiện được một khía cạnh của vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Mặc dù có đầy đủ kỹ năng, một người lao động vẫn không thể làm việc có hiệu quả nếu anh ta không được khuyến khích làm việc. Thậm chí khi anh ta có kỹ năng và được khuyến khích làm việc, anh ta vẫn có thể không hữu dụng trừ phi anh ta có thể thích nghi bản thân với những thay đổi liên tục trong môi trường sản xuất. Sự thích nghi này là cực kỳ quan trọng trong thời đại hiện nay khi mà công nghệ, hành vi tiêu dùng và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi rất nhanh chóng, trong khi vòng đời của sản phẩm lại ngày càng ngắn. Cho dù người lao động có đạt được những kỹ năng gì trong công việc thì chắc chắn vòng đời sản phẩm vẫn cứ giảm, và chắn chắn là những kỹ năng này cũng sẽ trở nên lỗi thời trong một vài năm khi mà công nghệ mới thay thế công nghệ cũ. Những thay đổi về yêu cầu của khách hàng chỉ có thể được đáp ứng bởi việc liên tục đưa ra những cải tiến và nâng cấp chất lượng sản phẩm, hay thông qua việc giới thiệu những sản phẩm mới và những ý tưởng sáng tạo. Những thay đổi và cải tiến chất lượng liên tục thường phụ thuộc vào sự hiểu biết của những nhân viên ở khu vực sản xuất nhiều hơn là phụ thuộc vào các kỹ sư.
Ví dụ, trong những năm 1990, nhiều mô hình máy copy mới đã được giới thiệu thành công trên thị trường, mỗi mô hình mới đều kết hợp các yếu tố: nhỏ, những tính năng, những thay đổi và cải tiến mà trong đó phần lớn đều do những nhân viên sản xuất đưa ra. Thông thường, những đặc điểm mới thể hiện những thay đổi nhỏ và đơn giản so với mô hình hiện tại, ví dụ như vị trí đặt các nút điều khiển, màu sắc… Tuy nhiên, chính những sự thay đổi và cải tiến nhỏ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng đã tạo ra một thế hệ máy copy hoàn toàn mới trong vòng một đến hai năm sau.
Phát triển nguồn nhân lực (HRD)
Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một lực lượng lao động có hiệu quả, một lực lượng lao động không chỉ có kỹ năng, không chỉ được khuyến khích làm việc mà còn có khả năng thích nghi cao? Câu trả lời của chúng tôi là hãy đối xử với mỗi cá nhân người lao động như đối xử với một con người có trí óc, chứ không được coi họ như là một phần của máy móc, và hãy để cho người công nhân tự do trình bày những nhận định và những ý tưởng cải tiến tại nơi làm việc.
Để người lao động có thể thể hiện được khả năng của mình, công ty phải ủng hộ, hỗ trợ người lao động theo những cách khác nhau, mà trong số đó quản lý nguồn nhân lực là cách thức chủ chốt.
Yasuhiko INOUE
Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Trung tâm Năng suất Nhật bản