Khrushchev nói về quan hệ Stalin - Hồ Chí Minh
Tôi nhớ Hồ Chí Minh đến Moscow để xin viện trợ vật chất, vũ khí và những giúp đỡ khác cho cuộc đấu tranh, chống thực dân Pháp. Stalin không tin rằng người Việt Nam có thể thắng, thế nên ông đã đối xử không tử tế với ông Hồ. Không hề có sự chân thành mà tôi hy vọng Stalin có thể bày tỏ trước một người cộng sản như ông Hồ. Dù sao thì Stalin cũng là người lãnh đạo cộng sản thế giới. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, Hồ Chí Minh đã tổ chức phong trào cộng sản ở đất nước mình và lãnh đạo dân tộc mình nổi dậy. Trong nhiều năm, ông đã lãnh đạo một cách thành công cuộc đấu tranh vì tự do của đất nước mình.Ta phải kính trọng con người này, thực sự quỳ gối trước ông trong sự biết ơn đối với đóng góp quên mình của ông cho sự nghiệp cộng sản, mục tiêu mà ông đã dành toàn bộ sức lực và khả năng của mình.
Vào ngày thứ hai hay thứ ba sau khi ông Hồ đến, chúng tôi gặp gỡ riêng với Stalin. Thái độ của Stalin đối với ông Hồ rất công kích và bực tức. Thế nhưng có lẽ tôi không nên nói điều này, vì rằng cả tôi và những người khác đã không làm gì để thay đổi điều đó, ngoại trừ nói về nó sau đấy.
Trong một buổi gặp, ông Hồ lấy cuốn tạp chí của chúng tôi, The USSR Under Construction(Liên Xô trong thời kỳ xây dựng), ra từ chiếc cặp tài liệu của mình và xin chữ ký của Stalin. Ở Pháp tất cả mọi người đều săn lùng chữ ký, và ông Hồ chứng tỏ là đã không miễn nhiễm được thói quen này. Ông thích cái ý nghĩ khi trở về Việt Nam và đưa cho mọi người xem cuốn tạp chí với chữ ký của Stalin. Stalin phản ứng một cách thô bỉ với tính nghi ngờ vốn có của ông. Ông ta nghĩ rằng mọi người ai cũng là điệp viên hay kẻ phản bội. Ông đã ký vào cuốn tạp chí nhưng sau đó lại ra lệnh cho đội kiểm tra một nhiệm vụ: ông bảo đội kiểm tra rằng ông đã vô ý ký tên lên trang bìa của cuốn tạp chí và cuốn tạp chí này cần phải bị tịch thu lại. Đội kiểm tra vốn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, và cuốn tạp chí đã được tìm thấy. Sau này, Stalin thường đùa: “Ông ta vẫn đang tìm cuốn tạp chí, nhưng ông ấy sẽ không thể tìm ra nó”. Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng ra Hồ Chí Minh sẽ cảm thấy như thế nào khi ông mở chiếc va li của mình và phát hiện ra rằng cuốn tạp chí có chữ ký đáng quý của Stalin đã mất. Ông chắc phải khổ tâm lắm. Thật không phải là một cách để đối xử với một người đàn ông chân thành, một người cộng sản chân chính như vậy. Trong một buổi nói chuyện với Hồ Chí Minh, chúng tôi đi đến quyết định công nhận nước Cộng hoà dân chủ Việt Nam. Sau này, Stalin thường nói ông lấy làm tiếc về việc này. “Chúng ta đã quá hấp tấp”, ông nói. “Nó còn quá sớm để được công nhận”. Stalin đã không tin vào khả năng chiến thắng của phong trào Hồ Chí Minh. Dù sao thì sự công nhận này cũng không thể rút lại được. Tôi còn nhớ một sự việc rất đáng thất vọng và khó chịu khác. Sau khi Hồ Chí Minh đến, Stalin bảo chúng tôi rằng Hồ Chí Minh rất muốn được công bố chuyến thăm của mình tại Moscow và muốn chính thức được đón tiếp như Chủ tịch của nước Việt Nam. Stalin đã nói với chúng tôi rằng ông đã từ chối lời đề nghị này và bảo với Hồ Chí Minh rằng: “Thời điểm thích hợp cho việc đó đã qua. Ông đã đến Moscow theo cách cải trang nên không thể có thông báo về chuyến thăm”. Do vậy, ông Hồ đã đề nghị Stalin cho ông một chiếc máy bay, chuẩn bị một buổi chào đón và ông Hồ sau đó sẽ hạ cánh và được chào đón với địa vị của người đứng đầu nhà nước. Stalin cưới phá lên: “Hãy tưởng tượng Hồ Chí Minh đã muốn gì. Tôi đã nói với ông ta: Không!”
Trong một trường hợp khác, Hồ Chí Minh yêu cầu chúng tôi gửi ký ninh (quinine) cho Việt Nam vì mọi người đang phải chịu đựng bệnh sốt rét trầm trọng. Ký ninh được coi là loại thuốc đặc hiệu nhất và chúng tôi đã bắt đầu sản xuất với số lượng lớn. Stalin chứng tỏ sự hào phóng của mình bằng cách nói: “Gửi cho ông ta nửa tấn”.Bạn có thể biến nửa tấn ký ninh là bao nhiêu không? Bán có biết nửa tấn thuốc có thể giúp được gì cho những con người, với thân thể của mình, lát con đường dẫn đến chiến thắng của mục tiêu cộng sản trước những kẻ xâm lược ngoại bang?.. Stalin đã không tin vào khả năng chiến thắng của Việt Nam.
(1) Khrushchev Remembers: The Glasnost Tapes, Jerrold L. Scheter và Vyacheslav V.Luchkov dịch sang tiếng Anh, NXB Little Brown and Company, Boston, Toronto, London, 1990, 219 trang.
Nguồn: Xưa và Nay, số 247, tháng 11 – 2005