Không phát triển 1 triệu ha lúa lai !
Không phát triển 1 triệu ha lúa lai nữa
Dường như để minh chứng cho việc soạn thảo Chương trình 1 triệu ha lúa lai với kinh phí 1,2 nghìn tỷ đồng trình Chính phủ của mình là đúng, TS Lê Hưng Quốc - Cục trưởng Cục Nông nghiệp - cho rằng, năng suất lúa lai cao hơn lúa thuần 1,5 tấn/ha, nhiều vùng đột phá, sản xuất hạt giống phát triển. Diện tích lúa lai đã đạt 600 nghìn ha sau khi Nhà nước đầu tư trên 82 tỷ đồng cho nghiên cứu và khuyến nông. Nhiều tỉnh đã tài trợ thêm sản xuất giống và lúa lai. Thanh Hoá đầu tư 30 tỷ đồng trong 5 năm để sản xuất hạt lai F1...thu nhập từ lúa lai tăng hơn so với lúa thuần 900 tỷ đồng/năm và nếu phát triển 1 ha lúa lai dân sẽ không phá 4 ha rừng...
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã cho rằng, không nên phát triển 1 triệu ha lúa lai, vì những điểm yếu của nó chưa khắc phục được, dù năng suất lúa lai rất cao.
Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống lúa (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Năng suất lúa lai trung bình chỉ cao hơn lúa thuần 9 - 10%. Có vụ tại đồng bằng sông Hồng, năng suất lúa lai thấp hơn lúa thuần, diện tích lúa lai đang giảm. Nhiều người đã chỉ rõ, không có chuyện cứ trồng 1 ha lúa lai ở miền núi sẽ giữ được 4 ha rừng như trong Chương trình mà Cục Nông nghiệp soạn thảo để lãnh đạo Bộ trình Chính phủ.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông khuyến lâm (Bộ NN&PTNT) Quách Ngọc Ân cho rằng, phải điều chỉnh mục tiêu, không nên thái quá trong phát triển. Từ nay đến 2010 chỉ nên phát triển 70 - 80 vạn ha là đủ, nhất là trong điều kiện nước ta chưa chủ động được giống lúa... Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định: Không phát triển 1 triệu ha lúa lai. Chương trình phát triển lúa lai 1,2 nghìn tỷ đồng, không được Chính phủ phê duyệt, chưa có tiền chi tiêu, do đó, không nên nhắc đến nữa.
Còn nhiều vấn đề cần làm rõ?
Có một điều kỳ lạ trong hội thảo là tất cả các báo cáo được Bộ NN&PTNT “đặt hàng” đều không có thông tin mang tính phản biện, lật ngược vấn đề, mổ xẻ những thất bại để rút ra bài học. Kiểu cung cấp thông tin để tư vấn chính sách này được GS.TS Nguyễn Ngọc Kính - Tổng thư ký Hội Giống Cây trồng Việt Nam gọi là “làm nhiễu” thông tin của lãnh đạo.
Ông Kính đã nhắc lại rằng, Bộ NN&PTNT đã hơn một lần nghe phản biện của các chuyên gia về Chương trình phát triển 1 triệu ha lúa lai và đã đồng ý không trình Chính phủ chương trình 1 triệu ha lúa lai với kinh phí 1,2 nghìn tỷ đồng, vì không có cơ sở khoa học, lãng phí nữa. Thế nhưng, không hiểu sao Bộ vẫn trình.
Ông Kính đề nghị: Bộ NN&PTNT trước khi cho thực hiện các chương trình cần để các hội đồng chuyên ngành phản biện để tránh thất thoát hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng tiền của nhân dân mà không ai chịu trách nhiệm. Với việc phát triển lúa lai, không phủ định thành tựu về năng suất, nhưng phải đánh giá lại: trồng lúa lai, nông dân, các nhà buôn giống được gì? Thực chất của chính sách trợ giá là gì?
Cùng ý kiến với GS Kính, GS Nguyễn Hữu Nghĩa - Nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp - cũng đề nghị bỏ chính sách trợ giá sản xuất lúa lai. Ông cho rằng, đây là chính sách méo mó, tạo chính sách này thực chất là để: từ nhà quản lý đến buôn giống đều “kiếm tý”.
Nhiều người cho rằng, cứ đến thời điểm nhập giống lúa lai thì các Công ty giống lại ùn ùn về biên giới để buôn giống. Tất cả những người hiểu biết về chính sách đều thấy sự bất bình thường trong chính sách trợ giá để phát triển lúa lai.
Ngay tại hội thảo, nhiều nhà khoa học tạo và sản xuất giống lúa thuần đều ngậm ngùi trước thực tế 10 năm qua, giống lúa thuần của họ sản xuất ra bị chính sách trợ giá lúa lai vùi dập, dù năng suất không kém, chất lượng, hiệu quả kinh tế thì cao hơn. Vấn đề tiêu cực này có động cơ từ bên ngoài dù rất khó vạch ra được rõ nhưng vẫn được đề nghị xem xét kỹ.
Theo PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lúa lai - hiện Trung tâm đã tạo ra 3 giống lúa lai chất lượng cao, chất lượng lúa lai bây giờ khác nhiều so với 10 năm trước. Song thực tế thì chất lượng lúa lai vẫn thuộc loại rất thấp so với lúa thuần.
GS.TS Hoàng Tuyết Minh - người từng nghiên cứu giống lúa lai rất lâu - cho hay: Sản xuất lúa lai F1 chi phí cao gấp 5 lần lúa thuần; Sản xuất lúa lai đang bị sai lệch trong tư duy về chất lượng, chất lượng phải được hiểu là chất lượng thương phẩm, xay xát, thử nếm chứ không phải chỉ đo bằng... hạt dài.
Bà Minh cũng đề nghị: Không nên lấy chỉ tiêu năng suất cao, mở rộng diện tích làm đầu. Nơi nào trồng lúa lai, lúa thuần nên để nông dân lựa chọn. Bà cho rằng, phát triển lúa lai ở ta chưa có chiến lược, manh mún, tản mạn. Bà đồng ý với ông Quách Ngọc Ân là cần có chiến lược nhất quán, ổn định. Trong đó phải giải quyết được giống lúa, khai thác lợi thế vùng. Phát triển nhưng phải có bài bản, hiệu quả kinh tế và bền vững.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu lúa lai nhiều hơn; Tập trung các nhà khoa học vào một mối để nghiên cứu, không để phân tán, manh mún như hiện nay; Thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp phân phối giống lúa lai bài bản hơn. Ông Bổng cũng cho biết Nhà nước sẽ không trợ giá phát triển lúa lai nữa.
Một nghiên cứu sinh đưa ra kết quả điều tra kỳ lạ là: tại 7 tỉnh phía Bắc, 70% lúa lai sản xuất ra dân để ăn, 20% để bán, 10% cho chăn nuôi! Các công ty giống chỉ thích buôn giống lúa lai. Một đại biểu trích dẫn từ báo Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, một công ty giống buôn 1 kg giống lúa lai được lãi 1.500 đồng. Với mức này, nếu tính từ năm phải nhập giống lúa lai đến nay, các công ty giống đã “ăn” khoảng 70 tỷ đồng. Năm 1998, người được thế giới trao giải thưởng cao nhất về nghiên cứu lúa là GS.Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, trong khi cha đẻ của lúa lai Viên Long Bình (Trung Quốc) chỉ được xếp ở vị trí thứ 3. Vậy mà kỳ lạ là Bộ NN&PTNT có lúc đã bằng mọi giá tài trợ để phát triển lúa lai. |