Không loại trừ khả năng có sóng thần ở Vũng Tàu
Ông Quý cho biết: Việc tái hoạt động của các đứt gãy kiến tạo (những hoạt động địa chấn tạo ra vết nứt lớn trong lòng đất, và những vết nứt này tạo ra các sự va chạm có thể dẫn đến động đất) là hiện tượng tự nhiên của lòng đất.
Quanh khu vực TPHCM - Vũng Tàu, ngoài các đứt gãy sông Sài Gòn, Hàm Tân - Vũng Tàu, các đứt kiến tạo sông Tiền, Vàm Cỏ Đông, Thuận Hải - Minh Hải... có thể tái hoạt động.
Tuy nhiên, theo thống kê, các đứt gãy trên có khả năng tái hoạt động ở trong lớp đá cổ trước Kainozoi, khó có thể tạo ra sóng thần hoặc phá hủy các công trình khai thác dầu khí đang hiện diện ở vùng biển thềm lục địa phía Nam.
Việc tái hoạt động của các đứt gãy lớn khu vực ngoài thềm lục địa ở Thái Bình Dương - nơi lớp phủ trầm tích mỏng hoặc hoàn toàn vắng mặt mới có khả năng tạo ra sóng thần ở khu vực biển Đông.
Ở thời điểm hiện tại, không có nhà khoa học nào dám khẳng định có hay không có thời điểm xảy ra sóng thần ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Quá khó khăn cho các nhà khoa học.
Tôi cho rằng, khu vực ven biển Phan Thiết - Cà Mau và TP.HCM cần phải quan tâm đến điều kiện kháng chấn ở các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng.
Hiện tại, không có nước nào khi xây dựng mà không quan tâm đến ảnh hưởng của động đất. Riêng khu vực TP.HCM, Vũng Tàu cần phải có hoạch định cụ thể trong xây dựng.
Đây là việc làm cần thiết nhằm phòng chống ảnh hưởng của động đất, đặc biệt là Vũng Tàu, nơi không loại trừ khả năng hình thành sóng thần theo hướng tây bắc - đông nam.
Theo tôi, những đồi cát tự nhiên và các rừng dương chạy dọc khu vực Bãi Sau của Vũng Tàu có giá trị rất lớn trong việc hạn chế sự tàn phá khủng khiếp nếu sóng thần xuất hiện tại Vũng Tàu và các vùng ven biển lân cận.
Việc cần làm ngay bây giờ là đặt các trạm ghi dư chấn ở các khu vực ven biển, tổ chức nghiên cứu và dư báo về động đất và sóng thần. Cái gì đó có nguy cơ thì ta nghiên cứu nó, chứ không phải lảng tránh nó.
Nguồn: tienphongonline.com.vn 10/11/2005