Không để các cam kết về biến đổi khí hậu chỉ nằm trên bàn hội nghị
Đã đủ thức tỉnh nhân loại chưa?
Lâu nay, trước những gì diễn ra xung quanh, kể cả thảm kịch hay gần mức thảm kịch thì như một thói quen cố hữu, người ta lại ngồi lại và mổ xẻ: nó có phải là hậu quả của BĐKH hay chỉ là một vận động bình thường của thiên nhiên. Bao nhiêu năm vẫn một câu hỏi ấy và hệ quả là sự nổi giận của thiên nhiên. Cận cảnh thế giới thời gian qua đủ để thức tỉnh nhân loại về những thảm kịch mà BĐKH có thể gây ra.
Hãy xem sức tàn phá khủng khiếp của một cơn bão! Thành phố Tacloban bị xoá sổ trong tích tắc, nó được ví như thảm hoạ của sóng thần. Và hệ lụy - con số thương vong cứ nhân lên mỗi ngày, hơn 4.000 sinh mạng bị bão cướp đi, theo đó là loạn lạc, ly tán, là đói nghèo, là bệnh tật… Nhưng không phải chỉ đến năm 2013, cảnh tượng hoang tàn khi bão qua ta mới thấy. Còn nhớ, năm 2012, cũng ngay khi Hội nghị lần thứ 18 Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 18) diễn ra, siêu bão Bopha đi qua đất nước Philippines đã khiến hơn 1.000 người chết. Một đất nước chỉ năm trước năm sau mà con số người chết vì bão đã tăng lên 4 lần và nếu gộp lại, chỉ trong vòng một năm Philippines đã mất tới 5.000 người. Thật là đau lòng và khủng khiếp! Nếu thống kê cả thế giới, số người mất vì thiên tai sẽ là bao nhiêu?
BĐKH không đơn giản là thay đổi thời tiết. Nó là hệ quả cách sống của chúng ta, của tư duy khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên. Nhiệt độ toàn cầu đang không ngừng tăng, đúng như những cảnh báo ngày càng quyết liệt của giới khoa học. Hậu quả thảm khốc của siêu bão Haiyan không chỉ phủ bóng đen lên hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH mà nó sẽ còn là bóng đen hiện hữu của đời sống nhân loại nếu chúng ta không thay đổi thái độ đối xử với môi trường một cách tích cực. Sẽ còn bao nhiêu siêu bão Haiyan nữa trong tương lai không xa?
Việt Nam chúng ta phải nghĩ gì, làm gì?
Theo Bảng chỉ số do Maplecroft công bố, nước ta xếp hạng 26 về mức tổn thương do BĐKH. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, là 1 trong 5 ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai. Và thực tế, mức độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Theo số liệu thống kê, các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hàng nghìn người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Chúng ta nói gì khi TP Hồ Chí Minh luôn ngập trong triều cường, rồi cả một dải đất miền Trung liên tục hứng chịu bão gối bão, lũ gối lũ đã đưa con số người chết và mất tích lớn hơn tổng số người thiệt mạng trong trận siêu bão Haiyan vừa qua tại Việt Nam. Có thể con số thiệt hại chưa dừng ở đó. Sự ám ảnh từ những đôi chân nặng trĩu của người dân trở về nhà sau nước rút. Đau lòng hơn hàng nghìn héc ta hoa màu, hàng trăm trường học bị nhấn chìm trong biển nước, hình ảnh những ngôi trường xơ xác trong nỗ lực ngày dựng lại trường, dựng lại lớp và có những em học sinh đã không bao giờ được trở lại mái trường nơi miền quê nghèo quanh năm hứng bão hứng lũ này! Câu hỏi đặt ra, những thiệt hại ấy bắt nguồn từ đâu? Từ thiên nhiên thì đúng rồi! Nhưng có còn là từ tư duy triệt phá môi trường sống nhiều hơn bảo vệ?
Không phải là cuộc mặc cả giữa thiên nhiên và con người
Thiên nhiên và con người là hai tác nhân chính tạo thành các thảm họa thiên tai trên thế giới. Nó là hệ quả của một chuỗi tương quan đa tác nhân, bùng nổ dân số, phát triển nóngcông nghiệp tàn phá môi trường, phá vỡ cơ cấu sử dụng đất, tiêu thụ năng lượng tăng toàn cầu… Có phải trước sức tàn phá ghê gớm của BĐKH, cho thấy chúng ta đang thua trong cuộc chiến không cân sức giữa con người và những thịnh nộ của thiên nhiên. Vậy chúng ta phải làm gì để hạn chế tối đa sự tức giận của thiên nhiên? Câu trả lời đã có. Song hành động như thế nào lại là một câu hỏi lớn, nó phụ thuộc vào sự chung tay của toàn thế giới chứ không phải riêng một quốc gia hay cá nhân nào. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện tại chưa cho phép những ông chủ giàu có có thể cùng một lúc giải quyết bài toán lợi nhuận và đảm bảo môi trường.
Trở lại với Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH. Sinh mệnh con người hay lợi ích kinh tế mới là quyền lợi sát sườn của các nước tham gia? Bà Christina Figueres, Thư ký điều hành Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu nhấn mạnh: sẽ không có kẻ thắng người thua trong cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu mà chúng ta hoặc sẽ cùng chiến thắng hoặc cùng thất bại. Rồi bài phát biểu cảm động của trưởng đoàn đàm phán Philippines - quốc gia bị tổn thất nặng nề do bão Haiyan: nếu không phải chúng ta thì là ai? - có gợi cho 190 nước tham gia câu hỏi về một ngày tận thế từng được cảnh báo không?
Sự cấp thiết phải đi đến giải pháp nhằm đối phó với tình trạng BĐKH toàn cầu. Hãy hành động quyết liệt thay cho lời nói. Thay đổi thói quen, thay đổi tư duy, cách nhìn, thay đổíi hành vi để cứu thế giới. Phát triển một nền kinh tế tri thức thay cho nền kinh tế nóng thiếu sự kiểm soát đang vượt ngưỡng mọi mặt. Thích ứng với BĐKH là cách chúng ta giảm sự thiệt hại, khai thác từ chính những điều kiện bất lợi mà BĐKH mang lại để phát triển bền vững vừa là mục tiêu vừa là giải pháp của các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH và của Việt Nam.
Nhưng cũng đừng để BĐKH vô tình trở thành màn che cho những thái độ nhập nhằng, thái độ cho rằng thiệt hại do bão lũ hết thảy đều từ thiên tai. Trận lũ kinh hoàng mà miền Trung hứng chịu mới đây là một ví dụ. Trước những dòng nước điên cuồng từ thượng nguồn đổ về dâng nhanh ngoài sức tưởng tượng thì người dân vốn đã sống quen với lũ cũng đành bó tay. Chặt phá rừng đầu nguồn, thủy điện, xả lũ… hay ý thức con người trong hành động? Đừng để đồng bào chúng ta phải bỏ mạng vô nghĩa, đừng để những cam kết chỉ dừng lại ở bàn hội nghị và gói trong các dự án… Làm được những điều này, tin rằng một tương lai tươi sáng hơn sẽ được mở ra.
Ngày 3.6.2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đề ra 5 giải pháp: tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT; đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT. |