Khoa học và công nghệ giúp nông dân làm giàu
Việc nghiên cứu và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk đã được chú ý từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố chủ quan như: công trình khoa học không gắn với đặc điểm của Dắk Lắk nên không có điều kiện áp dụng được vào thực tế thâm canh, gieo trồng; một số sản phẩm khoa học kỹ thuật có ưu điểm nhất định song giá cả lại quá cao, không hợp với túi tiền của bà con nông dân v.v... Thời gian chục năm trở lại đây, cùng với Chương trình 135, Chương trình “xóa đói giảm nghèo” và các chủ trương khác của Đảng và Nhà nước về việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp... thì công tác này đã được triển khai một cách mạnh mẽ, thực sự mang lại hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi và gieo trồng. Thể hiện rõ nhất là các loaị giống mới như ngô lai Biosis, lúa lai các loại, sầu riêng hạt lép, bò lai Sil, vịt siêu thịt, heo siêu nạc v.v... đã được bà con nông dân ở nhiều nơi đưa vào nuôi, trồng và thu lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, các mô hình trang trại khép kín như chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, mô hình VAC... cũng đã góp phần giúp cho các tiến bộ khoa học kỹ thuật được trải nghiệm và phát huy trong thực tế cuộc sống sản xuất... Có thể kể ra đây một số điển hình trang trại ở Dắk Lắk và Đắk Nông đã và đang làm ăn có hiệu quả:
Đó là trang trại của anh Ngô Hiếu ở Buôn Tia, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Trước đây, vào thời điểm năm 1994 - 1995, chỉ riêng tiền bán sản phẩm cà phê mỗi năm gia đình anh thu về trên 450 triệu đồng. Nay dù cà phê xuống gía nhưng cũng không ảnh hưởng mấy đến nguồn thu, bởi trước đấy nhờ tiếp thu khoa học kỹ thuật về cách trồng xen canh, tận dụng đất trong vườn cây nên anh Hiếu đã trồng thêm các loại cây khác như tiêu, mãng cầu, sầu riêng v.v... nay đã cho thu hoạch với số lượng lớn. Còn trang trại của anh Trần Quang Huy ở tổ 7, khối 1, thị trấn Ea Tling ngoài cà phê còn có hàng chục loại cây ăn trái khác như chôm chôm, nhãn, xoài, hồng xiêm, táo lai, chanh, ổi, đu đủ... Ngoài ra, tận dụng nguồn nước tự nhiên ở các khe suối chảy về, anh Huy đã tạo một hồ nước có diện tích 0,7 ha mặt nước để thả cá và lấy nước tưới cho vườn cây. Gần ao cá, anh Huy nuôi heo, gà, chăn thả vịt; phía trên là khu rừng thưa anh nuôi thả trâu, bò và dê. Có thể nói: trang trại của anh Trần Quang Huy là khu vườn tổng hợp các loại cây, con, có giá trị kinh tế và quy mô ngang với một hợp tác xã nhỏ.
Còn trang trại của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh ở thôn 2, xã Ea M’ró , huyện Cư M’ga, tỉnh Đắk Lắk thì quả là đặc biệt. Năm 1999, khi nhiều nông dân còn say sưa với cây cà phê, thì bà Ngọc Anh đã mạnh dạn đầu tư trồng tới 10 ha ca cao - một loại cây đã bị “ bỏ quên" trên địa bàn Dắk Lắk khi ấy. Đây quả là việc làm táo bạo và dũng cảm, bởi ngoài việc có rất ít người ở Dắk Lắk trồng ca cao, thì còn vấn đề cần giải quyết là tìm “ đầu ra"" cho sản phẩm như thế nào. Và cho đến nay, suy nghĩ và việc làm dũng cảm của bà Ngọc Anh đã được đền đáp: trong khi hạt cà phê liên tục mất giá thì thị trường trong nước nói riêng và thế giới nói chung đang rất cần đến sản phẩm ca cao...
Còn rất nhiều mô hình trang trại cũng như điển hình làm ăn tiên tiến khác trong lĩnh vực nông nghiệp ở Dắk Lắk mà khuôn khổ bài viết này không thể nêu hết được. Có được sự phát triển ở quy mô đáng mừng như vậy, điều trước tiên phải kể đến là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu... để từ đó khuyến khích người nông dân mạnh dạn làm ăn, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tiếp theo là vai trò không thể thiếu của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong vai trò là người khuyến khích, hỗ trợ và động viên nông dân mạnh dạn xóa bỏ cách làm ăn cũ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, sinh lợi trên mảnh đất của mình. Bản thân bà Nguyễn thị Ngọc Anh (chủ trang trại ca cao đã nhắc đến ở trên ) tâm sự : nếu không nhờ có thông tin về thị trường tiêu thụ cũng như kỹ thuật trồng cây ca cao do cán bộ phụ trách nông nghiệp phổ biến, thì bà đã không dám trồng một diện tích ca cao lớn như vậy. Rõ ràng, vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, mà trực tiếp ở đây là những người làm công tác khuyến nông là hết sức quan trọng. Họ là những kỹ sư, những cán bộ của các phòng nông nghiệp, các trạm khuyến nông... ngày đêm lặn lội trên ruộng đồng; đến từng buôn, làng để phổ biến cách làm ăn, xây dựng các mô hình thí điểm các loại giống mới, mô hình trang trại, mô hình IMF v.v... rồi tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, hội thảo về chuồng, trại để từ đó rút ra những ưu điểm, giúp bà con nông dân trực tiếp được “ tai nghe, mắt thấy “ nhằm áp dụng vào mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Như vậy, vai trò của các nhà khoa học kỹ thuật trong sự kết hợp của “ Bốn nhà “ là vô cùng quan trọng; trong đó trực tiếp và sát sao nhất phải kể đến công sức của các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm. Tuy nhiên, có một thực tế bất cập là đội ngũ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm ở Dắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung hiện nay còn rất thiếu. Một quan chức của ngành nông nghiệp cho biết: đội ngũ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm ở Tây Nguyên thiếu đến nỗi, phải tận dụng đến cả những cán bộ vốn được đào tạo chẳng ăn nhập gì với ngành nghề nông nghiệp như thủy sản, hải sản từ đồng bằng lên, để hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa, cây bông... Trong khi đó, được biết: Trường Đại học Tây Nguyên hàng năm vẫn đào tạo và cho ra trường vài trăm sinh viên về các chuyên ngành nông nghiệp và lâm nghiệp... Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến nghịch lý trên. Tìm hiểu qua một số sinh viên chuyên ngành này đã ra trường, họ cho hay: sau khi hoàn thành khóa học, nhiều người trong số họ đã không tìm được nơi làm việc “ thích hợp", hoặc có tìm được, thì chế độ lương bổng và đãi ngộ không thỏa đáng nên họ đã ... tự động rút lui v.v... Rõ ràng, đây là một trong những bức xúc mà các nhà hoạch định chính sách cần phải lưu tâm.
Cũng xin được nhắc lại một chi tiết ở phần đầu bài viết đã nói tới: đó là có những công trình nghiên cứu khoa học sau khi đã thử nghiệm thành công nhưng không thể đưa ra áp dụng trong thực tế bởi nhiều lý do. Có thể kể ra đây về công trình nghiên cứu hạt nhựa giữ nước dùng để bón cho gốc cà phê. Sau khi đã thành sản phẩm, sản phẩm này được quảng bá một cách rầm rộ; thậm chí trong một khóa họp Hội đồng nhân dân tỉnh, một nhà khoa học của một viện đứng chân trên địa bàn Dắk Lắk đã lên thuyết trình và khẳng định tính ưu việt của nó. Vậy nhưng, đã nhiều năm trôi qua sản phẩm này vẫn chỉ là sản phẩm của ... phòng thí nghiệm. Theo một vị tiến sĩ cho biết, thì nguyên nhân chính là do nó ... quá đắt, không hợp với túi tiền của bà con nông dân.
Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, giúp cho ngành nông nghiệp đạt được những bước nhảy ngoạn mục, như các giống cây trồng có năng suất cao, các loại vật nuôi có ưu điểm vượt trội so với giống cũ, v.v. góp phần giúp bà con nông dân xoá được đói, giảm được nghèo, hướng tới làm giàu là những “tấm lòng vàng”, là sự kết hợp hài hòa giữa “ bốn nhà “ nhằm góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Vấn đề còn lại là việc chuyển giao kịp thời các nghiên cứu khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân, sao cho bà con tự nguyên áp dụng trên mảnh vườn thửa rộng của mình; đồng thời cần có chính sách hợp lý đối với đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm để họ thực sự gắn bó với người nông dân, giúp cho các nghiên cứu khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả cao trên đồng ruộng.
Nguồn: cpv.gov.vn5/7/2006