Khoa học và ảo tưởng
Đối với nhà khoa học tiền bạc không phải là vấn đề lớn. Ít ai làm khoa học để làm giàu; phần lớn các nhà nghiên cứu dấn thân vào khoa học là để phục vụ con người và xã hội. Lý tưởng và động cơ của nhà khoa học là đi tìm những thử thách tri thức, đi tìm sự thật, và chia sẻ tri thức mới với đồng nghiệp trên thế giới. Nhà khoa học làm việc hết mình để trở thành người tiên phong trong một lĩnh vực nghiên cứu nào đó, để tạo nên cái dấu ấn trên trường khoa học, hay theo như cách nói của cụ Nguyễn Công Trứ, để “có danh gì với núi sông”. Và một cách hữu hiệu để lưu danh với đời và phấn đấu trở thành người dẫn đầu trong một lĩnh vực chuyên môn.
Trong hoạt động khoa học, việc công bố kết quả nghiên cứu qua hình thức một bài báo khoa học không chỉ là một nghĩa vụ mà còn là một cách thức khẳng định tên tuổi của một nhà khoa học trên trường quốc tế. Quá trình công bố nghiên cứu cũng là một hình thức tự kiểm tra và tự quản lý của nghiên cứu khoa học: những kết quả nghiên cứu khoa học bắt buộc phải có khả năng kiểm chứng. Nói cách khác, nếu các nhà nghiên cứu khác lặp lại công trình nghiên cứu (dựa vào phương pháp và quy trình đã được mô tả) thì họ có thể thu thập những kết quả đã được công bố. Nếu kết quả nghiên cứu không giống hay phù hợp với những gì đã công bố, thì có kết quả đã công bố chưa thể xem là “khoa học”.
Vấn đề nảy sinh là trong thực tế một số nhà khoa học mới trước những quyến rũ về danh vọng có xu hướng hấp tấp tuyên bố kết quả nghiên cứu trước khi họ có thì giờ suy nghĩ kỹ. Nếu kết quả nghiên cứu không phù hợp hay thiếu tính nhất quán với giả thuyết của nhà khoa học, thì việc “xào nấu” kết quả nghiên cứu là một cám dỗ rất lớn. Tiến sĩ Hwang Woo Suk - nhà khoa học Hàn Quốc, đã làm cái việc “động trời” đó: xào nấu kết quả nghiên cứu cho phù hợp với ý nghĩ của ông. Và ông đã phải trả cái giá quá đắt cho hành động điên rồ đó.
Người ta không hiểu nổi tại sao trong khoa học lại có những trò gian lận lớn như thế, tại sao và do động cơ nào mà Tiến sĩ Hwang - một người rất có tài và trước đó được cả nước Hàn Quốc xem là anh hùng khoa học, một niềm tự hào của nền khoa học Hàn Quốc - lừa dối thế giới khoa học?
Francis Bacon, một nhà khoa học người Anh rất nổi tiếng trong thế kỷ 17, đề nghị phân biệt hai loại khoa học: Khoa học nghiêm túc dựa vào thực tiễn và bằng chứng càng ngày càng thuyết phục theo thời gian; khoa học mơ tưởng (wishful science) chỉ nở rộ khi tác giả của nó đang còn nổi tiếng, những sẽ chìm vào quên lãng khi bằng chứng mới chứng minh nó sai. Nghiên cứu của tiến sĩ Hwang thuộc vào loại khoa học mơ tưởng.