Khó tiêu không do loét
Thế nào là khó tiêu không do loét?
Khó tiêu bao gồm tất cả các trạng thái khó chịu hoặc đau dai dẳng, lặp đi lặp lại ở vùng thượng vị (phần bụng trên rốn), Có hai loại khó tiêu: Do một tổn thương ở thực thể (viêm loét, ung thư) ở ống tiêu hóa trên (dạ dày, tá tràng, thực quản); khó tiêu do rối loạn chức năng co bóp (để đẩy thức ăn) của ống tiêu hoá trên gọi là khó tiêu chức năng. Để nhấn mạnh tính chất không kèm theo một tổn thương thực thể nào ở ống tiêu hoá trên, người ta thường gọi khó tiêu chức năng là khó tiêu không loét.
Các biểu hiện của khó tiêu không loét rất đa dạng.
- Khó tiêu biểu hiện giống như loét ( khó tiêu thể loét). Ở thể này có kết hợp hai hay nhiều dấu hiệu: cơn đau được dịu đi khi dùng thức ăn hay các thuốc chống axit; đau có chu kỳ, đau sau khi ăn, đau làm bệnh nhân thức giấc trong đêm.
- Khó tiêu có dạng rối loạn nhu động của ống tiêu hoá (khó tiêu thể vận động). Ở thể này, ngoài đau vùng thượng vị còn có các dấu hiệu: buồn nôn hoặc buồn nôn kèm theo nôn, chán ăn hoặc ăn chóng no, trướng hơi sau ăn hoặc trướng hơi sau ăn kèm với đầy bụng, thường xuyên ợ hơi.
- Khó tiêu trào ngược dạ dày - thực quản: Ở thể này, đau vùng thượng vị kèm với ợ hay trào ngược dịch từ dạ dày tới thực quản.
- Khó tiêu thể không điển hình: Ngoài đau, khó chịu ở vùng thượng vị còn có dấu hiệu bất thường khác mà ba thể khó tiêu trên không có.
Cần nhấn mạnh rằng, nhiều bệnh nhân có các biểu hiện phức tạp: chẳng hạn nhiều thể khó tiêu cùng xuất hiện trên một bệnh nhân, hoặc sau một thời gian thể khó tiêu này mất đi và thay vào đó bằng một thể khác, hoặc cùng có rối loạn chức năng ống tiêu hoá trên và tiểu tràng (ruột non).
Tại sao lại bị khó tiêu không loét?
1. Bất thường về vận động đẩy thức ăn (nhu động) và về cảm giác của ống tiêu hoá trên.
- Khoảng 50% bệnh nhân khó tiêu – không loét có dấu hiệu bất thường về nhu động của ống tiêu hoá trên (nhất là của dạ dày): thức ăn gồm chất lỏng hay đặc đi qua dạ dày chậm hơn bình thường. Các chất này thường tập trung sớm và lưu lại lâu hơn ở phần cuối dạ dày. Ở nhiều bệnh nhân, mặc dù thuốc đã giúp cho nhu động dạ dày gần trở lại trạng thái bình thường, nhưng các biểu hiện lâm sàng vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu.
- Từ 30 đến 40% bệnh nhân khó tiêu thể vận động có ngưỡng đau giảm (tức là nhạy cảm với đau nhiều hơn so với bình thường) ở vùng đáy của dạ dày. Vì thế, khi vùng này co giãn, bệnh nhân thấy đau. Có trường hợp bệnh nhân còn giảm ngưỡng đau ở thực quản hay ở tiểu tràng, do vậy họ đau ở vùng này.
2. Vai trò của vi khuẩn Helicobacterpylori (HP)
HP là vi khuẩn có hình cánh quạt khi ở trong cơ thể người, thường gây ra viêm hay loét dạ dày. Có khoảng 20 đến 30% bệnh nhân khó tiêu – không loét bị nhiễm vi khuẩn HP; dùng kháng sinh để diệt sạch vi khuẩn này để điều trị khó tiêu là hợp lý. Tuy nhiên, chỉ có thể xác nhận được hiệu quả của cách điều trị này nếu như khó tiêu mất hẳn trong thời gian dài.
3. Vai trò của dịch dạ dày và ruột
Nhiều thí nghiệm đã chứng tỏ rằng, cảm giác nóng rát ở thượng vị thường xuất hiện khi ở thực quản hay dạ dày có dịch axit (toan). Người ta cũng chứng minh được niêm mạc thực quản hay dạ dày của một số bệnh nhân nhạy cảm đặc biệt với dịch toan hay các thành phần khác trong dịch dạ dày như mật. Hiện tượng nóng rát ở thượng vị sẽ đỡ hẳn khi bệnh nhân dùng thuốc ứng chế tiết dịch dạ dày.
4.Rối loạn chức năng tiết mật.Khó tiêu có thể do rối loạn chức năng tiết mật, đặc biệt là rối loạn co bóp của túi mật. chụp nhấp nháy phóng xạ đã phát hiện được ở một số bệnh nhân khó tiêu có túi mật co bóp bất thường (nhanh hoặc chậm hơn và yếu hơn bình thường).
5. Các nguyên nhân gây khó tiêu khác:Nhiều thí nghiệm đã chứng tỏ vận tốc chuyển thức ăn qua dạ dày phụ thuộc vào thành phần của bữa ăn: chậm khi có nhiều chất mỡ, nhanh nếu có nhiều chất xơ. Hiện còn chưa thấy rõ ảnh hưởng của rượu, cà phê, thuốc lá đối với tốc độ vận chuyển của thức ăn qua ống tiêu hoá trên. Một số dược phẩm, nhất là thuốc chống viêm không steroid có thể gây khó tiêu. Các căng thẳng thần kinh, lo âu…cũng dễ gây rối loạn nhu động của dạ dày, ruột.
Có cần chụp X.quang hoặc nội soi dạ dày – tá tràng?
Chỉ có thể chẩn đoán chắc chắn là khó tiêu không loét nếu chụp X.quang hay nội soi (bằng ống mềm) không thấy viêm, loét hay ung thư ở thực quản, dạ dày, tá tràng. Tuy nhiên không nhất thiết phải làm các xét nghiệm này cho bất kỳ trường hợp nào. Cụ thể chỉ cần làm ngay cho các trường hợp:
- Các bệnh nhân nghi ngờ bị tổn thương thực thể ở ống tiêu hoá trên: gầy nhanh, nghi có khối u hay hạch ở bụng, đau làm thức giấc trong đêm, trên 50 tuổi (tỷ lệ bị ung thư cao).
- Các bệnh nhân ít nghĩ là bị tổn thương thực thể ở ống tiêu hóa trên, nhưng đáp ứng kém với thuốc điều trị, bệnh dai dẳng, tái phát nhiều lần.
Còn đối với các bệnh nhân trẻ tuổi, ít nghĩ đến khó tiêu do tổn thương thực thể, thì có thể điều trị theo kinh nghiệm của bác sĩ, chỉ phải xét nghiệm bổ sung khi điều trị mà các triệu chứng không dứt hẳn hoặc tái phát nhanh.
Điều trị:
- Chế độ ăn:Không dùng các chất dễ kích thích ống tiêu hóa như rượu, cà phê, nước giải khát có ga, không hút thuốc lá; giảm tỷ lệ mỡ trong khẩu phần ăn; ăn chậm, nhai kỹ, ăn đúng bữa; giữ gìn bộ răng lành mạnh, sạch sẽ.
- Thuốc điều trị:Điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, mỗi thể bệnh có một cách điều trị khác nhau.
Chỉ nên diệt sạch vi khuẩn HP cho những bệnh nhân khó tiêu ở thể loét hoặc những bệnh nhân mà gia đình đã có người bị ung thư dạ dày. Cần dè dặt như vậy vì diệt HP cũng có nhiều bất lợi. Nếu dùng kháng sinh không đúng, thuốc sẽ có tác dụng phụ là làm tăng sức đề kháng của vi khuẩn, ngoài ra ở trường hợp trào ngược dạ dày - thực quản, diệt HP có thể làm bệnh nặng thêm.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 80 (1798)