Khẳng định và lan tỏa giá trị của sách khoa học
Nhằm lan tỏa và xây dựng văn hóa, phương pháp đọc sách khoa học, từ đó góp phần khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển nền khoa học nước nhà và thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức - nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Tri thức tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách khoa học”
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo được tổ chức vào ngày 10/10 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng ban TT&PBKT Liên hiệp Hội Việt Nam, Giám đốc NXB Tri thức.
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, diễn giả: GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN; PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Tổng Thư ký LHHVN; GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam; Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; TS Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí Tuyên truyền; Nhà nghiên cứu Phạm Việt Hưng, Tác giả cuốn sách Định lý Gödel và nhiều cuốn sách phổ biến khoa học; các đại biểu là cán bộ cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, các nhà khoa học đến từ các Hội ngành toàn quốc, các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, cùng với các tác giả, cộng tác viên và bạn đọc của Nhà xuất bản Trí thức, đại diện một số cơ quan báo chí.
Đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu chào mừng, định hướng hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, trong mọi chủ trương đường lối của Đảng, nhà nước luôn khẳng định khoa học công nghệ là một trong những động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của đất nước, động lực giúp quốc gia của chúng ta vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và hướng đến mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2045 sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Với ý nghĩa đó, tri thức khoa học công nghệ thực sự trở thành “then chốt của then chốt”. Theo Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh, tri thức khoa học công nghệ không thể tách rời việc chúng ta phải thu nhận nó từ tất cả các nguồn, từ nhiều phương diện trong đó sách chính là nguồn dữ liệu quan trọng.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu định hướng hội thảo
“Hy vọng thông qua buổi hội thảo sẽ góp phần khẳng định và lan tỏa giá trị của dòng sách khoa học, hướng đến xây dựng những mô hình hay, niềm đam mêm đọc sách khoa học trong công chúng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa đọc của chúng ta hiện nay. Trong bối cảnh đó, hội thảo sẽ góp phần giúp Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp nhận được nhiều gợi mở, định hướng cho hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản Tri thức Tri thức nói riêng và của Liên hiệp Hội Việt Nam nói chung trong thời gian tới để phù hợp với xu thế phát triển mới của khoa học hiện nay”, Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Bích Hồng đã giới thiệu tổng quan về Nhà xuất bản Tri thức – đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam. Bà Phạm Thị Bích Hồng cho biết: Nhà xuất bản Tri thức là 1 trong 57 Nhà xuất bản của cả nước, đến nay vừa tròn 19 năm ra đời và phát triển. Nhà xuất bản Tri thức có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thành tựu khoa học và công nghệ được áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống, giáo dục, góp phần nâng cao dân trí và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng ban TT&PBKT Liên hiệp Hội Việt Nam, Giám đốc NXB Tri thức
Với tôn chỉ, mục đích được quy định, trong gần 20 năm qua, NXB Tri thức đã bền bỉ theo đuổi mục tiêu: xuất bản sách khoa học từ thường thức đến tinh hoa, phục vụ đối tượng bạn đọc trong giới nghiên cứu khoa học, các trường đại học và bạn đọc yêu sách trong và ngoài nước. Theo bà Phạm Thị Bích Hồng, trong thời gian tới, Nhà xuất bản Tri thức hướng đến xây dựng các Tủ sách Khoa học phổ thông, Khoa học chuyên ngành phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc và nhu cầu của xã hội; đồng thời huy động sự phối hợp, tham gia của các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên. Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp trên 2,2 triệu trí thức cả nước, là nguồn tiềm năng rất lớn trong việc cho ra đời các tác phẩm khoa học có giá trị.
“Nhà xuất bản Tri thức luôn trung thành với sứ mệnh xuất bản sách khoa học, luôn sẵn sàng cống hiến, mang đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị, góp phần xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển và xã hội học tập trong tương lai”, bà Phạm Bích Hồng cho hay.
Tại hội thảo các đại biểu đều hướng đến một nhận định chung: Sách khoa học không hề khô khan, khó đọc như đa phần chúng ta vẫn thường nghĩ. Những người yêu khoa học, yêu thích tìm hiểu, khám phá cuộc sống và thế giới rộng lớn đã thực sự tìm thấy “người bạn đồng hành đáng tin cậy, đầy thú vị” cho cuộc sống và sự nghiệp của mình - đó chính là sách khoa học. Tuy nhiên, có được khả năng đọc hiểu sách đặc biệt là sách khoa học không hề dễ.
Theo GS. VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, dù bất kỳ dưới hình thức nào, sách khoa học thực sự lý thú. Thường khi đánh giá một cuốn sách người ta dựa trên tiêu chí nội dung và hình thức thể hiện cuốn sách. Riêng sách về khoa học thì cần thể hiện được tính chính xác, tính kế thừa, tính mới, tính thời sự, tính sáng tạo, tính thực tiễn và tính lan tỏa. Hình thức phải đẹp, hấp dẫn, đọc dễ hiểu, những khái niệm phức tạp phải diễn giải đơn giản để bạn đọc dễ hiểu.
GS.VS Trần Đình Long
GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam cho rằng, đọc sách, đặc biệt là sách khoa học có lợi cho tư duy, phát triển trí thông minh, bồi dưỡng năng lực cảm xúc, trau dồi sức khỏe của chính con người. Trong điều kiện hiện nay, mỗi gia đình nên có một tủ sách. Tủ sách riêng của các thành viên gia đình, mang đặc điểm riêng nghề nghiệp của mỗi thành viên.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú
GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cũng có những chia sẻ về việc đọc sách, đặc biệt là sách khoa học thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI). Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, chúng ta cần cẩn thận, đừng vội chấp nhận, thực hiện kiểm tra chéo ở nhiều phương diện để phát hiện sai sót cần điều chỉnh khi sử dụng các công nghệ của trí tuệ nhân tạo. Sách còn là công cụ để chúng ta đối chiếu, chỉnh sửa các thiếu sót của trí tuệ nhân tạo.
PGS.TS Phạm Bích San khẳng định, có được khả năng đọc hiểu không dễ. Cấp độ cao nhất của việc đọc là đọc sách khoa học để có thể nhờ đó tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học đem lại sự giàu có cho quốc gia. Nhưng để được như thế cần 03 yếu tố: được đào tạo đầy đủ về phương pháp luận nghiên cứu, có sự nghiên cứu khoa học phổ biến theo đúng các tiêu chuẩn khoa học và có sự đề cao hoạt động nghiên cứu khoa học thực chất của toàn xã hội. Đọc sách khoa học là để có thể khám phá và tìm ra cái mới chính là cảnh giới cao nhất của việc đọc.
PGS.TS Phạm Bích San
Còn theo Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cần có một giải pháp chính là phối kết hợp chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà biên soạn, Nhà sản xuất, Nhà phát hành, Nhà sử dụng và Nhà nước để nâng cao hiệu quả đọc sách khoa học – công nghệ trong thời gian tới.
Tiến sĩ Trần Văn Miều
Dựa trên nghiên cứu, khảo sát cá nhân, TS Nguyễn Thùy Dương - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí Tuyên truyền mang đến hội thảo những thông tin thực tiễn về thói quen đọc sách khoa học của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên nhóm ngành xuất bản – phát hành, đồng thời đề xuất các giải pháp như: tạo môi trường khuyến khích đọc sách; tích hợp nội dung sách khoa học vào chương trình học; khuyến khích sử dụng sách điện tử và tài liệu mở; đổi mới nội dung, hình thức xuất bản…
TS Nguyễn Thùy Dương
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra phần Giới thiệu cuốn sách “Định lý Gödel” của tác giả Phạm Việt Hưng, do NXB Tri thức ấn hành tháng 8/2024. Nhà nghiên cứu Phạm Việt Hưng là tác giả của nhiều sách phổ biến khoa học, ông là nhà nghiên cứu, giảng dạy toán cao cấp, cơ học lý thuyết, toán kinh tế, Ký giả khoa học viết cho SIGNS of The Times (Úc), Saigon Times (Úc), Vietsciences (Pháp), Tia Sáng, Khoa học & Tổ quốc, Khoa học & Đời sống.
Tác giả cuốn sách “Định lý Gödel” - Phạm Việt Hưng
Nội dung và ý nghĩa hội thảo nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự . Các bạn sinh viên, các bạn đọc trẻ tham dự hội thảo đã có cơ hội được lắng nghe các diễn giả là những nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực chia sẻ, truyền cảm hứng, từ đó góp phần lan tỏa tình yêu, niềm đam mê khoa học và sách khoa học đối tới đội ngũ trí thức trẻ của đất nước.
Các bạn sinh viên, các bạn đọc trẻ tham dự hội thảo