Khai thác tiềm năng, lợi thế ngành kinh tế sinh thái hoa, cây cảnh
Ngày 10/9, tại Cần Thơ, Vusta phối hợp với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cần Thơ tổ chức Hội thảo Phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Phó Chủ tịch Vusta Phạm Quang Thao chủ trì hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Đồng chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch Liên hiệp Hội Cần Thơ.
Ông Phạm Quang Thao – PhóChủ tịch Vusta phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Vusta cho biết, Việt Nam là quốc gia rất có tiềm năng phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn và kinh tế sinh thái, trong đó thế mạnh rất lớn về phát triển hoa cảnh, cây cảnh. Nguồn gen hoa cảnh, cây cảnh phong phú, trong đó có nhiều nguồn gen quý, có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Thị trường nội địa tiềm năng với xu thế đô thị hóa nhanh, nhiều tỉnh, thành phố đã nhận thức, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của sinh vật cảnh để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương đã quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh, làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh quy trình công nghệ cao. Phó Chủ tịch Phạm Quang Thao mong muốn các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để lĩnh vực hoa, cây cảnh ngày càng phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo, trở thành ngành kinh tế sinh thái, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trình bày tại hội thảo
Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho hay, phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái với những sản phẩm đặc hữu có giá trị cao. Những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh phát triển toàn diện, bền vững với nhiều nhóm ngành, lĩnh vực, đa dạng chủng loại sản phẩm, nhiều sản phẩm có giá trị cao, phấn đấu có các sản phẩm có thương hiệu, thị trường, đủ điều kiện xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, ngành trồng hoa, cây cảnh cần có cơ chế và kế hoạch phát triển bài bản, phù hợp đối với mỗi địa phương; chủ động tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đô thị văn minh, môi trường xanh, sạch, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Bà Nguyễn Thị Kiều – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Cần thơ
Còn đối với ý kiến bà Nguyễn Thị Kiều – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Cần thơ cho biết, người dân ở Cần Thơ có bề dày kinh nghiệm trong việc canh tác nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu, trong đó nhiều vùng đã có kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, quy mô sản xuất ngành hoa và cây cảnh của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa khai thác hết tiềm năng về kinh tế, chưa nhiều vườn có diện tích lớn, chưa cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường.
Ngoài ra, theo bà Kiều vẫn còn một số hạn chế như chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ; Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh quy mô lớn. Để phát triển ngành hoa và cây cảnh thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, có giá trị kinh tế cao, thì cần có sự đánh giá thực chất, khách quan đối với ngành nghề trồng hoa và cây cảnh; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất quy mô công nghiệp, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thị trường.
Ông Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng ViệnNghiên cứu rau quả
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, để phát triển ngành hoa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn cần có những chính sách hỗ trợ thích đáng; Các Bộ ngành và các cơ quan hữu quan nên ưu tiên dành nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, quy hoạch, phát triển hoa, cây cảnh; Còn đối với các cơ quan khoa học và các chuyên gia nghiên cứu cần phối hợp chặt chẽ tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng cao và các quy trình công nghệ tiên tiến, phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam; Đối với công tác đào tạo các kỹ sư, cán bộ nghiên cứu về hoa cây cảnh nên theo hướng liên kết chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp, tăng cường gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành.
Đại biểu đưa ra nhiều ý kiến và chia sẻ tại hội thảo
Ông Mai Văn Trầm – PhóChủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Cần Thơ chia sẻ tại hội thảo
Tại hội thảo các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về những kết quả đạt được cũng như khó khăn trong lĩnh vực hoa, cây cảnh. Nhiều đại biểu cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực hoa, cây cảnh; Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sẽ giúp các nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ thuật, có tay nghề; Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài nhà nước tham gia sâu hơn trong nhiều lĩnh vực như kỹ thuật sản xuất, định hướng kinh doanh, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
Trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Vusta Phạm Quang Thao đánh giá cao những kết quả đạt được của hội thảo. Theo Phó Chủ tịch Phạm Quang Thao, mặc dù đạt được nhiều tích cực, nhưng hiện việc phát triển hoa, cây cảnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để phong trào sinh vật cảnh nói chung, lĩnh vực hoa, cây cảnh nói riêng trong thời gian tới ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực và hiệu quả hơn. Phó Chủ tịch Phạm Quang Thao cho biết, các ý kiến thảo luận, đóng góp, đề xuất của các đại biểu sẽ được Vusta tổng kết để trình lên các Bộ, ban, ngành liên quan trong thời gian tới.