Khai thác mỏ đồng thời triều Nguyễn
Ý thức tầm quan trọng của kim loại đồng nên triều Nguyễn rất chú trọng đến việc khai thác các mỏ đồng. Bên cạnh việc duy trì khai thác những mỏ đồng từ các triều đại trước để lại, nhà Nguyễn còn tiến hành khai thác có 9 mỏ. Các mỏ đồng tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, nhất là ở tỉnh Hưng Hóa và Tuyên Quang cũ. Tại Thanh Hóa và Quảng Nam mỗi tỉnh có 1 mỏ đồng song chỉ khai thác trong một thời gian ngắn.
Cách thức khai thác mỏ của triều Nguyễn chủ yếu là do các cá nhân lĩnh trưng khai thác rồi nộp thuế. Mỏ nào không có người lĩnh trưng, nhà nước mới tổ chức mộ phu khai thác. Chính sách bỏ thầu đối với việc khai mỏ được vua Gia Long cho thực hiện ngay từ năm đầu triều (1802) và sau đó được thực thi trong suốt thời gian trị vì của các vua Nguyễn. Hằng năm, cứ cuối mùa đông thì cho đấu giá, sau đó bộ Hộ và bộ Binh đồng xét duyệt, ai bỏ giá cao nhất được lĩnh trưng và được nhà nước cấp giấy cho phép khai thác, hàng năm chia kỳ để nộp thuế (1). Trên thực tế, các mỏ đồng thời Nguyễn không có nhiều người đấu thầu khai thác như đối với mỏ vàng. Mỏ đồng thường do người dân địa phương hoặc người Trung Quốc xin lĩnh trưng khai thác. Như mỏ đồng Tụ Long (Tuyên Quang) được vua Gia Long giao cho một thổ tù người thiểu số tại địa phương là Ma Sĩ Trạch khai thác, được nhà nước cho ứng trước tiền công, cứ 28 quan thì sau đó thu lại 100 cân đồng đỏ. Về sau, vua Minh Mạng cho người khác lĩnh trưng, được ứng trước 15.000 quan tiền công, chiết trả sau bằng đồng đỏ khai thác được. Mỏ đồng Trình Lạn (Hưng Hóa) lại được vua Gia Long giao cho một người Trung Quốc khai thác rồi nộp thuế. Vua Minh Mạng thì cho thương nhân Lương Xương người Trung Quốc khai thác đồng ở châu Lang Chánh, Thanh Hóa trong một thời gian rất ngắn, chỉ vài ba tháng thì đình chỉ vì không muốn động đến đất thiêng của tổ tiên dòng họ Nguyễn. Mỏ đồng ở Thạch Kiều (Quảng Nam) do nhà nước đứng ra tổ chức, bắt 500 dân phu sở tại khai thác trong khoảng một tháng thì đóng cửa vì công việc không có hiệu quả. Ngoài ra, tại các vùng có mỏ khoáng sản nhà nước còn lập ra các hộ vàng, hộ sắt, hộ đồng… Dân thuộc các hộ này được miễn đi lính và sai dịch nhưng hàng năm phải nộp thuế hiện vật khai thác được cùng các thứ thuế thân. Thường các hộ này vừa làm nông vừa khai thác mỏ theo kiểu thủ công như một nghề phụ để mong khỏi lao dịch, đi lính nên năng suất khai thác được rất thấp.
Chính sách khai thác mỏ của triều Nguyễn được chú trọng thực thi từ thời Gia Long sau đó ngày càng được hoàn thiện, có sự theo dõi và quản lý chặt chẽ dần. Từ năm 1807 vua Gia Long đã sai quan Thượng bảo thiếu khanh Phạm Nhữ Phong và Hàn lâm thị thư Nguyễn Công Định đit heo Tham tri bộ Hộ Nguyễn Đình Đức quản lý việc quan ải và khai mỏ ở Bắc Thành. Đến năm 1811, Gia Long cho đặt bộ máy quản lý các mỏ, cử quan trông coi việc khai thác mỏ ở Bắc Thành (2). Sang đời vua Minh Mạng, các biện pháp quản lý khai mỏ được tổ chức và kiểm soát chặt chẽ hơn. Bên cạnh bộ máy quan lại các tỉnh thường xuyên kiểm tra các mỏ khoáng sản, xin miễn giảm thuế hoặc thay đổi người lĩnh trưng khai thác, vua Minh Mạng còn sai các quan đại triều đi kiểm tra thực tế. Hàng năm nhà nước đều cử phái viên đến từng mỏ kiểm tra, mỏ nào tăng sản lượng khai thác thì tăng thuế; mỏ nào khai thác khó khăn thì cho giảm thuế; mỏ nào bị bỏ hoang thì cho lấp lại hoặc khuyến khích dân các bộ khai thác. Chặt chẽ hơn, năm 1839 vua Minh Mạng sai các quan Ngự sử Nguyễn Văn Chấn, Vũ Viện chia nhau xem xét các mỏ nơi nào khí mạch hơi vượng hơn trước thì tăng thuế lên, chưa nhiều lắm thì vẫn theo ngạch cũ, các mỏ lấp kín nơi nào lại khí mạch thịnh vượng lại khai lấy. Năm đó mỏ đồng Tụ Long nằm trong 8 mỏ bị tăng ngạch thuế, từ 40 lạng bạc tăng lên gấp đôi thành 80 lạng bạc. Trong chế độ lĩnh trưng, ngoài số thuế phải nộp hàng năm, triều Nguyễn còn quy định các mỏ đồng có nghĩa vụ phải bán sản phẩm khai thác được cho nhà nước theo những định mức rất cụ thể, như mỏ Tụ Long hàng năm phải bán cho nhà nước số ngạch nhất định là 100.000 cân đồng (3). Thường thì nguyên liệu đồng được nhà nước thu mua theo số lượng và giá cả quy định không thống nhất mà phụ thuộc vào chất lượng, sản lượng khai thác được ở các khu mỏ vào những mốc thời gian nhất định.
![]() |
Dưới triều Nguyễn, ngành khai thác mỏ nói chung, khai thác mỏ đồng nói riêng hoạt động khá mạnh ở những năm đầu triều, chủ yếu tập trung ở vùng núi phía Bắc với 5 khu mỏ đồng ở Hưng Hóa, 2 khu mỏ đồng ở Tuyên Quang. Các khu mỏ đồng này có diện tích và trữ lượng nguyên liệu không giống nhau nên năng suất và sản lượng khai thác được cũng rất khác nhau. Đáng tiếc là các mỏ đồng này hoạt động không đều, có mỏ khai thác liên tục, có mỏ chỉ khai thác trong thời gian ngắn.
Hưng Hóa là địa phương có nhiều mỏ đồng được nhà nước tổ chức khai thác nhất nước, gồm các mỏ: Trình Lan, Lai XƯơng, Phong Du, Mán Đỏ, Suối Lệ. Mỏ đồng Trình Lan có lịch sử hoạt động rất sớm, được tiến hành khai thác từ năm 1760 thời Lê. Đến triều Nguyễn mỏ cũng được tổ chức khai thác sớm, cho chất lượng nguyên liệu tốt song rất thăng trầm trong quá trình hoạt động. Đầu triều Nguyễn, mỏ được lĩnh trưng khai thác, mõi năm nộp thuế 500 cân đồng đỏ. Năm 1816, vua Gia Long cho một người Trung Quốc tổ chức khai thác, mỗi năm nộp 1.000 cân đồng đỏ. Thuế cao, khai thác đồng ngày càng khó nên đến năm 1821, phu mỏ bỏ đi hết, vua Minh Mạng phải cho miễn thuế để khuyến khích trưởng mỏ tiếp tục hoạt động. Năm 1841, vua Thiệu Trị lệnh cho tỉnh Hưng Hóa chiêu mộ phu mỏ, cho người mới lĩnh trưng khai thác mỏ Trình Lan. Năm sau, mỏ khai thác ổn định, nhà nước quy định mỗi năm nộp 400 cân đồng đỏ. Đến năm 1844, triều đình cho tăng thuế, mỗi năm trưởng mỏ phải nộp 600 cân đồng đỏ. Việc tăng thuế đã tạo thành gánh nặng, trưởng mỏ bỏ trốn vì không đủ đóng thuế cho nhà nước. Khu mỏ lâm vào tình trạng khó khăn, không ai lĩnh trưng khai thác. Năm 1847, nhà nước cho lấp mỏ.
Phong Du cũng là một mỏ đồng lớn ở tỉnh Hưng Hóa được triều Nguyễn tổ chức khai thác trong thời gian khá dài, tiếc rằng tình hình khai thác ở mỏ này cũng không ổn định hơn mỏ Trình Lan. Vua Minh Mạng cho khai mỏ năm 1830, mức thuế hàng năm là 400 cân đồng. Năm 1838, sau gần 10 năm hoạt động, do không có người lĩnh trưng khai thác, mỏ bị bỏ hoang, nhà nước phải cho lấp lại. Năm sau (1839), triều đình lệnh cho tỉnh Hưng Hóa chiêu mộ người có vốn lĩnh trưng khai thác. Khi mới lên ngôi, vua Thiệu Trị nghe nói mỏ này khó khai thác nên cho lấp lại. Đến năm 1845, để tăng nguồn nguyên liệu đồng, nhà nước cho địa phương sở tại chiêu mộ người có vốn lĩnh trưng khai thác lại mỏ đồng. Năm 1847, mỏ khai thác ổn định, nhà nước thu thuế 400 cân đồng mỗi năm. Do địa thế bất lợi, mức thuế cao nên mỏ chỉ hoạt động thêm được vài năm. Năm 1850 nhà nước cho đóng lấp mỏ vì bị khí độc nặng.
Hưng Hóa còn có các mỏ đồng quy mô nhỏ hơn được tổ chức khai thác trong khoảng thời gian ngắn như Mán Đỏ, Suối Lẫm. Mỏ Mán Đỏ được triều đình cho người lĩnh trưng khai thác ngay từ những năm đầu triều (1802) với mức thuế mỗi năm 400 cân đồng. Mỏ Suối Lẫm được tổ chức khai thác năm 1814, mức thuế hàng năm là 200 cân đồng. Sau một thời gian, đến năm 1823 cả hai mỏ này đều bị bỏ hoang, không ai khai thác nên nhà nước cho miễn thuế lĩnh trưng và khuyến khích các hộ dân địa phương khai thác.
![]() |
Lai Xương là mỏ đồng có thời gian khai thác lâu dài và ổn định nhất tại Hưng Hóa. Mỏ này được bắt đầu khai thác vào năm 1827 thời vua Minh Mạng, mức thuế nộp hàng năm là 300 cân đồng. Đây là một trong những mỏ đồng hiếm hoi được khai thác lâu dài và liên tục trong suốt thời gian trị vì của các vua Nguyễn, mãi tới năm 1866 vua Tự Đức mới cho lấp mỏ vì nguồn nguyên liệu đã cạn.
Tỉnh Tuyên Quang có 2 mỏ đồng, cả hai đều có chất lượng nguyên liệu rất tốt là mỏ Tụ Long và Bằng Di. Tụ Long là mỏ đồng nổi tiếng nhất nước, được khai thác từ năm 1758 dưới triều đại phong kiến nhà Lê và tiếp tục hoạt động lâu dài dưới triều Nguyễn. Mỏ có nguồn sản lượng dồi dào, nguyên liệu đồng tốt nên nhà nước quy định mức thuế rất cao, mỗi năm nộp 13.000 cân đồng đỏ (tương đương 40 lạng bạc). Năm Gia Long thứ 9 (1810), sau khi thu đủ số đồng quy đổi theo số tiền công mà nhà nước đã ứng trước cho chủ mỏ, triều Nguyễn đã cho tạm dừng việc khai thác mỏ vì sợ cạn kiệt nguồn khoáng sản. Vài tháng sau, nghe theo lời bàn của các quan, vua Gia Long lại cho Mã Sĩ Trạch tiếp tục khai mỏ, giữ nguyên mức thuế mỗi năm 13.000 cân đồng để cho nguồn lợi không úng tắc, quốc dụng được dồi dào. Năm 1822, nhận thấy mỏ tập trung đông phu, khai thác được nhiều nguyên liệu hơn nên vua Minh Mạng cho người khác lĩnh trưng khai thác, mức thuế 40 lạng bạc, được ứng tiền công trước, chiết trả sau bằng 25.000 cân đồng đỏ khối. Trong suốt 20 năm trị vì đất nước, vua Minh Mạng đã cho đúc thành công nhiều đồ đồng nổi tiếng như Cửu Đỉnh, Bác cổ đồ, đại pháo… làm tiêu hao một lượng đồng rất lớn. Về sau, để đảm bảo nguồn nguyên liệu nhằm phục vụ nhu cầu đúc đồng trong các công xưởng nhà nước, vua Minh Mạng đã quyết định tăng thuế, mỗi năm mỏ Tụ Long phải nộp gấp dôi số nguyên liệu đồng so với trước hoặc nộp 80 lạng bạc. Do thuế nộp bằng bạc quá cao nên trưởng mỏ buộc phải nộp thuế bằng đồng cho nhà nước.
Ngoài mỏ đồng Tụ Long, Tuyên Quang còn có mỏ đồng Bằng Di được tiến hành khai thác năm 1821, mức thuế quy định mỗi năm 1.000 cân đồng đỏ. Đáng tiếc là mỏ này khai thác không được lâu dài, tới năm 1827, trưởng mỏ và những người có vốn đã bỏ đi hết nên nhà nước phải cho miễn thuế lĩnh trưng, khuyến khích các hộ dân địa phương khai thác.
Ở nước ta, các mỏ đồng tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, càng đi dần vào Nam càng ít mỏ đồng, chỉ tỉnh Thanh Hóa có mỏ đồng Lương Sơn và tỉnh Quảng Nam có mỏ đồng tại thôn Thạch Kiều, Đức Bố. Mỏ đồng Lương Sơn được tiến hành khai thác năm 1828. Nhà nước chiêu mộ 40 phu mỏ để khai thác, mỗi người một năm phải nộp thuế 10 cân đồng. Hai năm sau, vua Minh Mạng quyết định ngừng khai mỏ vì tôn trọng đất Thanh Hóa là quê hương bản bộ của nhà Nguyễn. Mỏ dồng ở Quảng Nam được tiến hành khai thác năm 1830 nhưng do số lượng không nhiều, chất lượng xấu nên triều đình cho đình chỉ ngay, không khai thác lâu dài.
Điểm qua tình hình khai thác, chúng ta có thể nhận thấy, các mỏ đồng thời Nguyễn chủ yếu do các cá nhân lĩnh trưng khai thác, số mỏ do nhà nước tự đứng ra chiêu mộ phu khai thác rất ít và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Toàn bộ 9 mỏ đồng do nhà nước quản lý hầu hết đều có thời gian khai thác không liên tục, thiếu tính bền vững với những định mức thuế, định mức sản lượng và giá thu mua chưa ổn định.
![]() |
Trong quá trình tiến hành khai thác, nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách hợp lý, thiết thực trong việc quản lý, khai thác mỏ nhằm tăng sản lượng đồng. Triều đình cho thực thi nhiều chính sách thích ứng với chủ mỏ và phụ mỏ như giảm, miễn thuế cho mỏ làm ăn thất bại, cho dân tự do khai thác ở một số mỏ bỏ hoang, miễn bắt lính, miễn sưu dịch cho phu mỏ… để thu được nguồn nguyên liệu đồng chất lượng cao và khuyến khích khai thác, nhà nước còn đặt ra giá thu mua cao hơn cho mỏ nào khai thác được đồng chất lượng tốt. Công việc khai mỏ nhờ đó có những bước phát triển đáng kể ở giai đoạn đầu triều Nguyễn, đem về cho các kho đồng của nhà nước nguồn nguyên liệu đồng dồi dào. Trong giai đoạn trị vì của vua Tự Đức, số lượng các mỏ đồng được khai thác giảm hẳn. Sau đời Tự Đức, việc khai thác và quản lý nguồn nguyên liệu đồng nhanh chóng rơi vào tay thực dân Pháp.
Sau khi chiếm được Bắc kỳ năm 1884, thực dân Pháp đặc biệt chú ý tới nguồn lợi thiên nhiên giàu có ở vùng rừng núi phía Bắc. Thông qua điều 18 của điều ước Patơnốt được ký kết giữa triều Nguyễn với chính quyền Pháp tháng 5 - 1884, thực dân Pháp đã đòi quyền được khai thác mỏ ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Triều đình nhà Nguyễn buộc phải chấp nhận chế độ, cách thức khai thác mỏ do thực dân Pháp đề ra. Và cũng từ đây, triều Nguyễn hoàn toàn mất quyền kiểm soát các mỏ đồng ở vùng núi phía Bắc vào tay người Pháp. Theo điều 2 của Công ước thì mọi khoản thu được về lệ phí, thuế má đối với các mỏ ở Trung kỳ, đối với những sản vật của mỏ đó, hàng năm phải nhập vào Ngân khố của Nam triều sau khi đã khấu trừ mọi phí tổn do nhà đương cục Pháp đã chi về các mỏ đó (4). Và theo điều 3 của Công ước thì mọi khoản thu về lệ phí và thuế đối với các mỏ ở Bắc kỳ, đối với những sản vật các mỏ đó đều thuộc quyền chi tiêu của nhà cầm quyền Bắc kỳ tức chính quyền thực dân Pháp (5). Sau khi Công ước về chế độ khai thác mỏ được triều Nguyễn và thực dân Pháp chuẩn y, ngày 2 - 3 - 1885 tổng thống Pháp ra sắc lệnh cho thi hành Công ước. Đây là văn bản đầu tiên của Pháp về việc khai thác mỏ, từ đó trở đi, triều Nguyễn hoàn toàn mất quyền kiểm soát các mỏ đồng, mọi chế độ thuế khóa, hình thức khai thác mỏ đều thuộc chính quyền Pháp nắm quyền điều hành, phân phối sử dụng, triều Nguyễn trở nên bị động trong việc cất trữ, sử dụng và thu mua nguồn nguy liệu đồng.
Chú thích:
1/ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục,Tập 3, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr 90.
2/ Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, tr 395.
3/ Nội các triều Nguyễn, KĐĐNHĐSL, tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr 444.
4/ Dương Trung Quốc, Việt Nam, những sự kiện lịch sử(1858 - 1918), Nxb Giáo dục, 2001, tr 147.
5/ Dương Trung Quốc, Sđd, tr 147.