Hươu, nai nuôi dễ không?
1/ Giống và công tác giống:Hươu, Nai cũng có nhiều giống, cho nên ta phải lựa chọn giống tốt, dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao.
- Hươu: Hình dáng bên ngoài, lông da Hươu có màu vàng giống như bò, một số giống có đốm trắng gọi là Hươu sao.
- Nai: Hình dáng bên ngoài, lông da Nai có màu đen, xám tro, xám nâu giống như trâu.
Chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, tính linh hoạt, lưng thẳng bụng to vừa phải, hông rộng, lông mịn; Bốn chân thẳng đứng, cứng cáp; Bộ phận sinh dục nở nang, bầu vú phát triển.
Chọn lọc qua đời trước (dòng, giống bố mẹ, ông bà…), qua bản thân (ngoại hình, khả năng sản xuất, khả năng thích nghi…) và qua đời sau.
Con đực để phối giống và cho lộc (nhung), con cái sinh sản Hươu, Nai con. Tỷ lệ đực/cái, thường là 1/1 hoặc có thể hơn.
Chọn lọc, ghép đôi giao phối thích hợp, tránh đồng huyết. Phải có sổ sách theo dõi giống và công tác giống, ngày phối giống, ngày đẻ…
2/ Chuồng trại:
Chuồng trại đơn giản, mái lợp tôn, xung quanh rào lưới B40, nền chuồng bằng bê tông, có độ dốc 2-3%...đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa, quét dọn vệ sinh dễ dàng, có máng ăn, uống và sân chơi. Diện tích chuồng nuôi 4-6 m 2/con.
3/ Thức ăn:
Hươu, Nai là loài ăn tạp, thức ăn cho hươu phong phú, đa dạng và dễ kiếm, bao gồm tất cả các loại thức ăn thô xanh, cây lá, cỏ mọc hoang, lá sung, lá mít, lá giới, lá bưởi, lá xoan, những lá cây, mầm cây ngọt bùi đắng, chát, rau, củ, quả và một số thức ăn tinh tổng hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố…rất dễ kiếm tại địa phương. Những lá cây và quả đắng, chát dùng làm thức ăn cho hươu, nai rất tốt. Hươu, Nai ăn thức ăn xanh, rau, củ, quả nên ít uống nước, tuy nhiên cũng cần có đủ nước sạch và mát cho hươu, nai uống tự do.
Hươu, Nai nuôi nhốt, thức ăn do con người cung cấp có thể thiếu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố…cho nên ngoài việc bổ sung thức ăn tinh giàu đạm, sinh tố, cần thiết phải bổ sung thêm đá liếm cho Hươu, Nai.
4/ Chăm sóc nuôi dưỡng:
Hươu, Nai là loài ăn tạp, là động vật hoang dã mới được thuần hoá, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh nên rất dễ nuôi và hiệu quả kinh tế rất cao.
Chăm sóc nuôi dưỡng Hươu, Nai thời kỳ mọc nhung (ra nhung) là khâu quan trọng nhất trong quá trình chăn nuôi.
Hươu ra nhung (sừng non của hươu nhú ra) từ tháng 1 -3. Để có nhung tốt, thời kỳ này, ngoài thức ăn thô xanh 4-5 kg/con.ngày, cần bổ sung cho hươu 0,5-1,0 kg thức ăn tinh tổng hợp hoặc tấm, cám gạo, bắp…để sống hoặc nấu chín và 3-5 kg trái cây như chuối chín, vả, sung, roi…
Nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt, mỗi cặp Hươu, Nai có thể cho 0,9-1,0 kg nhung/năm, cá biệt có con cho 1,5-1,6kg nhung/năm và 1 Hươu, Nai con/năm.
5/ Kỹ thuật lấy lộc (nhung):
Sau 18 tháng tuổi Hươu, Nai đực sẽ mọc “chóc” (vảy sừng), đến 24 tháng tuổi sẽ cho nhung. Khai thác nhung Hươu, Nai hay còn gọi là lấy lộc (nhung)thường thì 1 lần, 1 cặp/năm, có khi 2 lần, 2 cặp/năm.
Nếu khai thác đúng QTKT thì mỗi năm 1 con Hươu, Nai đực có thể cho 1 cặp nhung năng 0,9-1,0 kg/năm, cá biệt có con cho 1,5 – 1,6kg/năm. Nếu khai thác non, khi mà thị trường quá khan hiếm nhung thì mỗi năm có thể cho 2 cặp nhung, mỗi cặp nặng 0,4-0,5 kg, cá biệt có con cho 2 cặp nhung, mỗi cặp nặng 0,7-0,8 kg. Thời gian khai thác nhung có thể 15-20 năm.
Ngoài việc thu hoạch nhung, phân hươu, nai cũng có giá trị dinh dưỡng cao, cao hơn tất cả các loại phân gia súc khác, nên dùng làm phân bón cho hoa kiễng rất tốt.
6/ Công tác thú y:
Hươu, Nai là động vật hoang dã mới được thuần hoá, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, Hươu, Nai cũng có thể mắc một số bệnh, chủ yếu là bệnh về đường tiêu hoá như sình bụng, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…Khi Hươu, Nai mắc một số bệnh về đường tiêu hoá có thể dùng các loại thuốc trị đau bụng, sình bụng, đầy hơi, khó tiêu…của trâu bò cho uống là khỏi hoặc có thể dùng 5-10 kg rau dừa dại cho Hươu, Nai ăn cũng có thể khỏi ngay.
Tuyệt đối không sử dụng thức ăn hôi mốc…Đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ tẩy uế cho chuồng trại bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng…
* Địa chỉ bán giống Hươu, Nai:
-Cơ sở nuôi Hươu của ông Tuyến, 6/17 Bùi Công Trừng, ấp 4 xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM. ĐT: 0903 721 501.
-Cơ sở nuôi Nai của ông Lê Song Bình, 8/10, ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP. HCM, ĐT: 0913678004.
-Cơ sở nuôi Nai của ông Tô Văn Đực ( Tô Hoài Đức), xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. HCM, ĐT: 08.7946564.
-Cơ sở nuôi Hươu, Nai của các ông Lê Đăng Long, Trần Văn Đình, Nguyễn Quang Đông…xã Tân Châu và các xã giáp ranh thị trấn Di Linh, thuộc hội nuôi Hươu, Nai huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
-Cơ sở nuôi Hươu, Nai ông Hà, ông Tư, ông Tứ…xã Phước Tân, xã An Phước, huyện Long Thành, thuộc hội nuôi Hươu, Nai huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
-Cơ sở nuôi Hươu, Nai của ông Nguyễn Trung Phát, Khối 4, Phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐăkLăk.
-Cơ sở nuôi Hươu, Nai Lương Hồng Phước, thôn Tân Xuân, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
-Hội nuôi Hươu, Nai huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
-Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Hà Tây-Viện chăn nuôi quốc gia, ĐT: (84-4) 8385622-8385803 – 0903401373. Fax: (84-4) 8385804.
E-mail: ttncgctp@hn.vnn.vn.
Giá cả tuỳ theo giống, chất lượng giống, khả năng cho lộc (nhung) tuổi, mùa vụ và tuỳ theo từng địa phương. Hiện tại, giá Hươu, Nai giống hậu bị chuẩn bị phối giống và khai thác lộc (nhung) ở khu vực TP.HCM khoảng 10-15 triệu đồng/cặp, ở khu vực Đồng Nai, Lâm Đồng khoảng 8-12 triệu đồng/cặp, ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/cặp. Giá Hươu, Nai giống đang sinh sản và khai thác lộc (nhung) ở khu vực TP HCM khoảng 15-25 triệu đồng/cặp, ở khu vực Đồng Nai, Lâm Đồng khoảng 15-20 triệu đồng/cặp, ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/cặp.
Nguồn: Kinh tế nông thôn cuối tuần, số 37 (109)