Hướng tới tăng trưởng xanh
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Một trong những chủ đề hành động được đề cập là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các hoạt động chính bao gồm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, trong giao thông vận tải; đổi mới kỹ thuật canh tác và hoàn thiện quản lý để giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong nông lâm nghiệp, thủy sản và phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Mục tiêu hành động này, ngắn gọn chính là việc đầu tư đổi mới công nghệ và năng lực quản trị để có nền sản xuất hiện đại hơn, sạch hơn, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn.
Tại buổi hội thảo công bố Dự án xây dựng ma trận hạch toán xã hội Việt Nam năm 2011 hướng đến chiến lược tăng trưởng xanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, Phó viện trưởng Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cần tập trung cắt giảm tiêu hao năng lượng lớn thông qua sắp xếp, cơ cấu lại sản xuất của ngành, cải tiến và nâng cao trình độ công nghệ của một số ngành có cường độ tiêu hao năng lượng cao như giao thông vận tải, xi măng, sắt, thép, sợi dệt, giấy và bột giấy. Chẳng hạn, trong ngành thép, khả năng tiết kiệm năng lượng lớn nhất là ở giai đoạn luyện gang. Theo đó công nghệ hiện nay chủ yếu là quy mô công suất lò nhỏ, công nghệ từ những năm 1960, tiêu tốn 28,13GJ năng lượng cho 1.000 tấn sản phẩm, trong khi suất tiêu hao năng lượng của công nghệ hiện đại nhất chỉ có 12,2 GJ/1000 tấn.
Vấn đề cốt lõi là nhà nước cần phải bảo đảm được gọng kìm đủ mạnh, vừa tạo sức ép vừa tạo điều kiện hợp lý để các ngành tiêu hao nhiều nhiên liệu cơ cấu lại sản xuất, giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong thời gian tới. Sức ép có thể đến từ việc hình thành các quy định, tiêu chuẩn về định mức tiêu hao năng lượng của công nghệ, đặc biệt đối với các công nghệ được đầu tư mới; từ việc triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học kiểm toán năng lượng và triển khai những biện pháp cần thiết nhằm mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng đối với cả những hoạt động sản xuất đã đầu tư từ trước và những đầu tư mới.
Việc tạo điều kiện hợp lý cho các ngành giảm cường độ tiêu thụ năng lượng có thể thông qua các chính sách như tạo điều kiện hỗ trợ về tiếp cận thông tin công nghệ, về lựa chọn công nghệ, về thuế, về tín dụng. Điểm mấu chốt để có thể thực hiện thành công là phải đặt ra được mục tiêu cụ thể cho từng ngành, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, ban hành những chính sách kịp thời, kết hợp cả những biện pháp mang tính tạo sức ép và các biện pháp tạo điều kiện để có thể đạt được mục tiêu giảm cường độ năng lượng, nhất là đối với những đầu tư mới trong các ngành.
Nguồn: ITN
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu Dự án đã nêu của CIEM cũng đưa ra khuyến nghị, cần tập trung vào các biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao và tiêu hao ít năng lượng. Chủ động khuyến khích đổi mới và cải tiến công nghệ, đa dạng hoá xuất khẩu, góp phần vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện hơn với môi trường. Cụ thể, nên tập trung xây dựng các chính sách tác động thay đổi hành vi của người sản xuất như đổi mới chính sách trợ cấp giá năng lượng và các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp cải tiến và đổi mới công nghệ. Cũng cần cân nhắc về mức giá điện để các doanh nghiệp chủ động sử dụng máy móc tiết kiệm năng lượng thay vì mức giá điện sản xuất công nghiệp được cho là thấp trong thời gian qua.
Ở một góc độ khác, việc thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thoát khỏi "bẫy" công nghệ thấp, rẻ từ Trung Quốc. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển R&D tự thân trong mỗi doanh nghiệp, tạo tiền đề cho một nền sản xuất "xanh" hơn và sự lớn mạnh của các thương hiệu quốc gia.