Thứ ba, 08/08/2006 18:44 (GMT+7)
Hội nghị công tác văn phòng: Nhiều kiến nghị, thiếu giải pháp
Với mục tiêu tổng kết thực trạng hoạt động văn phòng, Cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức điều tra với quy mô nhỏ đối với 37 trong tổng số 45 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố. Theo đó, hiện nay, 69% Liên hiệp hội địa phương chỉ có bộ phận Văn phòng. Số Liên hiệp hội địa phương có Văn phòng và các ban chuyên môn khác chiếm 30%. Riêng Liên hiệp hội Cà Mau chưa có bộ phận Văn phòng. Có 16 loại hình Ban chuyên môn với tên gọi khác nhau. 63% Liên hiệp hội địa phương có diện tích trụ sở làm việc từ 50m 2trở lên, tương tự có từ 01 đến 02 máy tính cá nhân là 60%, có ôtô: 41%. Về nhân lực, chỉ có 52% Liên hiệp hội có từ 01 đến 03 biên chế.
Văn phòng các Liên hiệp hội địa phương, với phương tiện vật chất, tài chính nghèo nàn và đội ngũ cán bộ ít ỏi đã và đang phải làm nhiều việc, như một cơ quan thường trực. Đó là: Thường trực, hành chính - quản trị và tài vụ; Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học…; Xây dựng và thực hiện các dự án, đề án; Tham gia tư vấn, phản biện các đề tài khoa học, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Làm đầu mối tổ chức các hội thi, giải thưởng, xuất bản, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ hội; Đào tạo, phổ biến kiến thức và các hoạt động vì người nghèo khác; Tổng hợp các báo cáo, dự thảo các chương trình, kết hoạch công tác trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên hiệp hội; Làm đầu mối giúp lãnh đạo quan hệ hợp tác với các sở, ban, ngành ở địa phương; đầu mối quan hệ củng cố, phát triển các tổ chức hội và điều hoà, phối hợp hoạt động của các hội thành viên.
Phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong điều kiện và phương tiện thiếu thốn, nên cũng dễ hiểu là có 16/37 Liên hiệp hội kiến nghị hỗ trợ về vật chất. 22 Liên hiệp hội mong muốn được nâng cao năng lực hoạt động thông qua các khoá tập huấn, các đề tài, dự án do Liên hiệp hội Việt Nam chủ trì. Nhóm kiến nghị thứ ba liên quan đến quy chế, cơ chế, chính sách. 16 Liên hiệp hội địa phương đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam khẩn trương thể chế hoá các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Liên hiệp hội; Tăng cường thăm viếng và làm việc với lãnh đạo các tỉnh để nâng cao nhận thức và trợ giúp Liên hiệp hội địa phương; Đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế có sự tham gia của các Liên hiệp hội địa phương. Có 12 Liên hiệp hội, đề nghị có quy chế hoạt động chung cho tất cả các Văn phòng Liên hiệp hội; định kỳ tổ chức giao ban công tác văn phòng; tổ chức tham quan học tập các điển hình tiên tiến. Ngoài ra, trong quá trình thảo luận, nhiều kiến nghị khác cũng được các đại biểu nêu lên như công tác thi đua-khen thưởng cần được hướng dẫn cụ thể, có thông tin phản hồi.
Một số Liên hiệp hội hoạt động năng động, hiệu quả cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay với các đơn vị bạn. Đó là Liên hiệp hội Hải Dương với một văn phòng thường trực mạnh, ngay từ khi thành lập đã biết bám vào các văn bản, chỉ thị của Đảng và Nhà nước để tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền của địa phương xây dựng hệ thống văn bản cho hoạt động của Liên hiệp hội tỉnh. Trong khi nhiều địa phương băn khoăn về vị trí, vai trò của Liên hiệp hội thì ở Hải Dương, Liên hiệp hội tỉnh là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động như một đơn vị sự nghiệp dưới sự quản lý của UBND tỉnh. Cũng như Liên hiệp hội Việt Nam, Liên hiệp hội Hải Dương đã và đang ký kết các văn bản hợp tác với các sở, ngành ở địa phương. Một khi đường lối, chính sách được cụ thể hoá thì các công việc khác cũng được thông suốt. Từ chỗ chỉ có 3 biên chế năm 2003, đến nay Liên hiệp hội Hải Dương có 13 biên chế. Hải Dương còn là tỉnh mà Liên hiệp hội có trụ sở khang trang vào bậc nhất hiện nay, 1600m 2đủ cho hoạt động của cơ quan thường trực, các hội thành viên, trung tâm đào tạo tin học-ngoại ngữ, Trung tâm Hải Dương – Mông – tơ – rơi. Có được những kết quả này là do cơ quan thường trực tỉnh đã năng động, sáng tạo, bám sát các chủ trương, chính sách để hoạt động. Bên cạnh đó còn phải kể đến khả năng vận động hành lang của Liên hiệp hội tỉnh. “Để có được trụ sở rộng rãi như hiện nay, chúng tôi đã tận dụng mọi diễn đàn, kiến nghị lãnh đạo tỉnh cấp cho” - ông Lương Đức Trụ, Chủ tịch Liên hiệp hội Hải Dương, cho biết. Một Liên hiệp hội khác cũng rất năng động là Liên hiệp hội TP Hồ Chí Minh. Đây là Liên hiệp hội đầu tiên trong cả nước được TP cấp cho kinh phí 3 tỉ đồng trong 3 năm (2002-2005) để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Nhờ có khoản kinh phí này mà thời gian qua, Liên hiệp hội TP đã tập hợp các nhà khoa học triển khai tư vấn, phản biện hơn 10 dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh. Hiện Liên hiệp hội TP đang xây dựng một trụ sở khang trang trên mảnh đất do thành phố cấp. Đa số các ý kiến tại hội nghị đều nhất trí với báo cáo (tổng hợp kết quả điều tra) song cũng cho rằng báo cáo cần rút nguyên nhân tồn tại, thành công, định hướng chỉ đạo của Văn phòng Liên hiệp hội Việt Nam cho công tác văn phòng trong toàn hệ thống. Chính vì thiếu sự phân tích các nguyên nhân nên báo cáo chưa đề xuất các giải pháp để công tác văn phòng có hiệu quả. Bản thân nhiều đại biểu còn khá thụ động, chủ yếu chỉ kiến nghị chứ chưa nêu được các giải pháp cụ thể, có tính đột phá. Những kiến nghị thì lúc nào cũng có (đơn giản vì trong quá trình hoạt động sẽ nảy sinh những khó khăn mới) nhưng điều cần nhất hiện nay là sự năng động, sáng tạo, tự lực vươn lên của các hội, đặc biệt trong bối cảnh sắp tới Nhà nước sẽ ngừng cấp kinh phí cho các đơn vị khoa học và công nghệ. Hai ngày hội nghị mới chỉ gợi mở một số vấn đề. Hy vọng nhiều kế sách sẽ được các liên hiệp hội đóng góp ở các hội nghị giao ban khu vực. Bà Hồ Thanh Vân, Tổng Thư ký Liên hiệp hội TP Hồ Chí Minh tham luận tại hội nghị |
|