Hoàng Sa của Việt Nam qua tư liệu lưu trữ của chính quyền VNCH (1954-1974) (tiếp)
Để thực hiện ý đồ trên, gần đến ngày “hải chiến Hoàng Sa”, Trung Quốc vẫn sử dụng phương thức “tàu cá” ngụy trang, âm thầm chở đến hàng trăm “ngư phủ” (thực chất là quân đội chính quy Trung Quốc) cùng với vũ khí, đạn dược áp sát quần đảo Hoàng Sa để chờ…ngày khai hỏa. Để có cớ “động binh”, Trung Quốc lu loa trên thế giới về “chủ quyền bất khả xâm phạm của mình” tại Hoàng Sa và ra sức “nhử cho mồi rơi vào cái bẫy” do mình giăng sẵn bấy lâu nay. Một văn bản đáng chú ý của Bộ Ngoại giao VNCH lúc bấy giờ cho biết: “Ngày 11-1-1974, Bộ Ngoại giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH. Ngay ngày hôm sau, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao VNCH đã bác bỏ sự đòi hỏi vô căn cứ đó. Mặc dù vậy, trong những ngày gần đây nhà cầm quyền Trung Cộng không những không rút lại sự đòi hỏi vô lý của mình lại còn ngang nhiên xâm phạm vào lãnh thổ của VNCH bằng cách cho người và tàu bè xâm nhập vào vùng lãnh hải chung quanh các đảo Cam Tuyền (Robert), Quang Hào (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands) của VNCH. Thậm chí bọn người này còn dám đặt chân lên các hòn đảo này, dựng chòi và kéo cờ của Trung Cộng, trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa”(12). Và như thế, chiến trang đang rất gần kề….
Phát hiện được dã tâm của Trung Quốc, ngày 16-1-1974, Hội đồng Nội các chính phủ VNCH đã tổ chức một phiên họp, đi đến kết luận “tình hình Hoàng Sa đã trở nên báo động”, đồng thời thông báo chỉ thị của Tổng thống VNCH, nêu rõ: “Bộ Ngoại giao làm tất cả mọi hành động còn làm được có tính cách quốc tế và pháp lý quốc tế, để xác nhận thêm lần chót chủ quyền của ta trên quần đảo Hoàng Sa, từ khía cạnh lịch sử đến công pháp quốc tế qua các hội nghị quốc tế… Thông báo ngay bằng mọi cách cho các quốc gia vi phạm; Phổ biến một cách long trọng và rộng rãi những hành động và tuyên cáo hoặc tuyên bố… của Chính phủ ngay trong ngày hôm nay 16-1-1974. Đối với tàu và ghe lạ hiện có tại các đảo (chúng tôi nhấn mạnh – Tg), Hải quân sử dụng tối đa luật lệ quốc tế đến sommations (lệnh đứng lại – BT) và dẫn độ với mục đích đuổi đi. Nếu họ sử dụng vũ lực thì trả lời bằng vũ lực. Cho lính Hải quân đổ bộ lên Robert và Duncan, nhổ cờ lạ, cắm cờ Việt Nam, đuổi người lạ đi (chúng tôi nhấn mạnh – Tg). Hải quân có nhiệm vụ ngăn ngừa mọi hành động cắm cờ và đổ bộ người lên các đảo còn lại, ví dụ như Drummond và Money. Hải quân, nếu cần, phải được tăng cường phương tiện để bảo vệ tối đa chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Crescent và bằng mọi hành động thích ứng khi cần” (12).
Thế rồi, trong 2 ngày 17 và 18-1-1974, Trung Quốc trắng trợn tăng cường lực lượng quân sự và cố tình khiêu khích, họ huy động các chiến hạm tiến sâu vào hải phận phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Ở cái thế chẳng đặng đừng, VNCH đã quyết định khai chiến. Và, dĩ nhiên Trung Quốc chỉ chờ có thế….
Trận hải chiến lớn nhất và dữ dội nhất giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và hải quân Trung Quốc nổ ra vào sáng ngày 19-1-1974. Một báo cáo mật lúc bấy giờ cho biết: “Ngày 19-1-1974, lúc 9 giờ, binh sĩ Trung Hoa nổ súng vào các binh sĩ Việt Nam trú đóng trên đảo Quang Hòa (cũng được gọi là đảo Duncan). Đồng thời, các chiến hạm Việt Nam ở trong vùng, gây nhiều thương vong và thiệt hại vật chất. Ngày 20-1, 19 phi cơ của Không lực Trung Cộng đã từng bay trong không phận của vùng này từ ngày trước, tham gia chiến trận và thả bom xuống các vị trí Việt Nam trên các đảo Hoàng Sa (Pattle), Cam Tuyền (Robert) và Vĩnh Lạc (Money). Đến chiều ngày 20-1-1974, binh sĩ Trung Hoa đã tổ bộ lên tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và lực lượng đặc nhiệm Hải quân Trung Hoa có vẻ chuẩn bị trực chỉ quần đảo Trường Sa” (13). Với cuộc “tiểu chiến tranh” chớp nhoáng đó, Trung Quốc đã chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đài BBC ngày 27-1-1974 đã nhận định: “Việc đòi chủ quyền của Trung Cộng không có gì là mới mẻ cả, điều mới mẻ là Trung Cộng đã dùng tới vũ lực. Việc chiếm đóng Hoàng Sa của Trung Cộng là để đảm bảo rằng các quần đảo nhỏ rải rác ở vùng phía Tây Thái Bình Dương ấy, không rơi vào tay các siêu cường Hoa Kỳ hay Liên Xô hoặc rơi vào tay các đồng minh của hai siêu cường này. Trung Cộng không muốn một ngày nào đó bỗng thấy các công ty dầu hỏa của Hoa Kỳ và Nhật Bản nhảy vào khai thác các tài nguyên trong khu vực này” (14). Nhìn nhận sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, một nhà báo Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã thấy được sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời vạch trần thủ đoạn “quen dùng” của Trung Quốc. khi ông này so sánh với việc Trung Quốc bất thần tấn công Liên Xô trước đó, ông viết: “Mặc dầu Trung Cộng không có một chút lý do nhỏ nào để đòi hỏi chủ quyền về nhóm đảo Hoàng Sa, nhưng về hình thức hành động của Trung Cộng trong biến cố này giống như biến cố Trân Bảo/Damansky trên sông Ussuri giữa Trung Cộng và Liên Xô hồi tháng 2-1969 mà sáng kiến hoàn toàn do Trung Cộng. Đưa quân mai phục, cho lính giả làm thường dân dựng cờ khiêu khích (chúng tôi nhấn mạnh – Tg), gây nổ súng, rồi ào tới đánh chiếm. Nam Việt không phải là Liên Xô để có đủ sức trả đũa. Về mặt chiến lược, hành động này của Trung Cộng có tầm quan trọng gấp bội, nếu so sánh với biến cố Trân Bảo. Bởi:
a. Chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng áp đặt thế lực của họ trên biển Nam Hải, đặt căn cứ mở đường tiến xuống vùng Nam Thái Bình Dương. Đứng về mặt phòng thủ, Trung Cộng có thể nói rằng họ bắt buộc phải làm như vậy để chọc thủng một phía cái vòng đai thép của liên minh các đế quốc xã hội và tư bản, trong khi chính Trung Cộng tiếp tục chủ nghĩa bành trướng.
b. Đối với Liên Xô, biến cố Hoàng Sa cần được coi như một hành động đối phó với mọi cố gắng lập hệ thống an ninh Á Châu của Mạc Tư Khoa. Nó cũng là một cảnh cáo cho bất cứ một nước Á Châu nào nuôi ý định dựa vào Liên Xô để bắt bí Trung Cộng. Đối với các cường quốc có ảnh hưởng mạnh trên Thái Bình Dương, chủ yếu là Hoa Kỳ, nó mở đầu cho một loạt những thách đố quyết định có thể lật nhào cái nền tảng của một thế quân bình ở Á châu và Thái Bình Dương mà Mỹ và Tây phương tưởng đã xây dựng được…” (15). Hoàng Sa bị mất, song tế rằng không bao giờ từ giã chủ quyền đối với Hoàng Sa: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực, thì chừng ấy Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình. Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có” (16).
Sau khi chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tuyên bố “đã giải phóng Tây Sa” và lập tức cho đập phá các bia chủ quyền, đào các mộ của người Việt chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của Việt Nam.. Chúng tôi cũng có được một số hình ảnh lúc bấy giờ cho thấy, để khuếch trương cái gọi là đã “thu hồi” được Hoàng Sa, Trung Quốc cho quay phim, chụp ảnh giới thiệu bộ sậu “chính quyền của đảo Tây Sa” và các hoạt động thu nhặt hải sản, đặt “bia chủ quyền” có niên đại thời nhà Thanh tại Hoàng Sa?!...
Theo chúng tôi, có một bài học lớn về trách nhiệm của VNCH trong việc để mất Hoàng Sa vào năm 1974 mà đến nay vẫn còn tính thời sự đó là : không được để đất nước rơi vào tình trạng bất ổn; cần hết sức cảnh giác sự thỏa hiệp ngấm ngầm giữa các cường quốc và quái chiêu “ngư phủ, cờ lạ” nhằm liên tục tạo ra sự “tranh chấp” giả hiệu, để khi có điều kiện thì thực hiện một cuộc “tiểu chiến tranh” chớp nhoáng, chiếm toàn bộ, đặt dư luận Quốc tế trước một việc đã rồi mà Trung Quốc đã từng làm đối với Hoàng Sa của chúng ta. Cho nên, bài học lịch sử về nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; đẩy mạnh phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo an ninh - quốc phòng trên biển; giáo dục, nâng cao hiểu biết về chủ quyền quốc gia… vẫn luôn tươi mới. Bởi, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia là lâu dài, muôn đời, toàn diện, bao gồm tất cả các biện pháp chính trị, kinh tế, pháp lý, đối ngoại và khai thác trên thực địa; cần xử lý tỉnh táo, khéo léo những tình huống mới nảy sinh trong vấn đề tranh chấp biển đảo hiện nay, tránh không được mắc mưu để rơi vào “cái bẫy giăng sẵn từ lâu” của Trung Quốc. Nhất là, phải làm sao để mọi người dân Việt Nam đều nhớ nằm lòng rằng “Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Chú thích
10. Phiếu trình số 339/K.QNg ngày 14/07/1971 của Ủy ban phối hợp tình báo quốc gia về hoạt động của Trung Cộng ở quần đảo Hoàng Sa. Hồ sơ số 6359-ĐII-VNCH. TTLTQGII, thành phố Hồ Chí Minh.
11. Tuyên bố ngày 16-1-1974 về việc Trung Cộng vi phạm chủ quyền VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ký hiệu hồ sơ số 4617-ĐII-CH
12. Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa gửi các thành viên ký kết định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Paris năm 1973.
14. Tài liệu của Văn phòng Phủ Tổng thống VNCH, trình Tổng thống các vấn đề báo chí trong ngày.
15. Bức thư của ký giả Như Phong ngày 22-1-1974 được ông Trần Văn Mạnh, Trưởng ty khí tượng Tuy Hòa (Phú Yên) gửi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa về việc cung cấp một số dữ kiện liên quan chủ quyền của VNCH đối với quần đảo Hoàng Sa. Ký hiệu hồ sơ số 6366-ĐII-VNCH. TTLTQGII, thành phố Hồ Chí Minh.
16. Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa về chủ quyền trên những hòn đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng Hòa, ký hiệu 6360-ĐII-VNCH.