Họa vô đơn chí dưới cái nhìn khoa học
Cuộc sống có vô số những chuyện “ngẫu nhiên” xảy ra cùng lúc đến độ nhiều triết gia, khoa học gia, nhà toán học đã không ngừng nghiên cứu và đề ra những bài luận, lý thuyết, công thức để giải thích nguyên nhân và sự kiện. “Không bao giờ một cục xí ngầu xoay vần nào có thể làm tan biến được sự ngẫu nhiên”, thi sĩ Stéphane Mallarmé đã từng thốt lên như vậy. Và nhiều nhà toán học thì đã có cách giải thích rằng nhiều cú xoay vòng của xí ngầu có thể làm lùi lại sự xuất hiện của sự tình cờ, sự ngẫu nhiên.
Chẳng hạn vào năm 1713, ông Jacques Bernoulli đã đề ra thuyết về những con số lớn, mở đầu cho sự ra đời của khoa học về những xác suất. Theo thuyết này mà giải thì chúng ta có thể tin rằng xác suất về số vụ tai nạn máy bay, cụ thể là 6 vụ máy bay rơi trong vòng vài tuần, sẽ ngả dần về số không khi mà ngày càng có nhiều máy bay bay. Cũng dựa vào thuyết toán học về những con số lớn của ông Bernoulli mà ngày nay người ta có thể dự đoán được những rủi ro, nguy cơ công ty bị phá sản. Chắc chắn là các công ty bảo hiểm hiểu rõ hơn bất cứ ai khác về thuyết này.
Liệu chúng ta có nên dẹp bỏ hẳn niềm tin về quy luật series hay không khi nhìn chuỗi sự việc diễn ra chẳng hợp tình, hợp lý và chẳng hề lô gích chút nào. Năm 1900, ông Paul Kammerer, một nhà sinh học trẻ tuổi người Áo, đã có phản ứng ngược lại. Ông đã ghi chép lại tất cả các sự cố ngẫu nhiên từng xảy đến với mình. Các khám phá của ông đã khiến nhiều người ngạc nhiên, như tác giả Arthur Koestler đã viết trong cuốn Les racines du hasard (nhà xuất bản Calmann-Lévy). “Vào năm 1915 có hai người lính được đưa vào quân y viện ở Bohême trong cùng một ngày. Họ cùng 19 tuổi, cùng chào đời tại Silésie, cùng bị bệnh sưng phổi, cùng tình nguyện đi lính và cùng mang họ tên là... Franz Richter!!!"".
Chuyện tưởng tượng theo kiểu sách kinh dị tinh thần của Edgar Allan Poe của William Wilson? Không, chuyện có thật 100% và chính khoa học gia lừng danh thế giới là Albert Einstein cũng đã phải nhận xét rằng việc làm của Kammerer là “rất đặc biệt, không hề phi lý hoặc không thể tin được chút nào”.
Cho nên Kammerer mới được xem là người khai sinh ra ""quy luật séries"" giải thích rằng ""trong vũ trụ có một sức mạnh, giống như là sức hút của trái đất, gom góp lại những gì tương đồng, những gì giống nhau"".
Cả đến nhà phân tâm học tài danh Carl Gustav Jung cũng đã để tâm đến công trình nghiên cứu của nhà sinh học Áo Paul Kammerer và rồi sau khi đã kết hợp với nhà vật lý Wolfgang Pauli (từng đoạt giải Nobel Vật lý) thì đã đặt ra nền tảng của “thuyết synchronicité” nay được nhiều chuyên gia công nhận là chẳng khác với thuyết đề ra bởi Paul Kammerer là mấy.
Trong lịch sử đương đại, chuyện trùng lắp giữa Kennedy và Lincoln , hai tổng thống nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ, là được nói đến nhiều nhất. Họ được bầu làm nhà lãnh đạo tối cao của Mỹ cách nhau 100 năm và rồi cả hai đều bị ám sát chết trước mắt nhiều người, đạn bắn vào đầu, ông Lincoln trong nhà hát Ford, ông Kennedy trong một chiếc xe Ford và cùng vào một ngày thứ sáu.
Hai kẻ gây án, John Wilkes Booth và Lee Oswald cũng chào đời cách nhau 100 năm. Booth bắn chết TT Lincoln ở trong nhà hát xong thì ẩn náu trong một nhà kho còn Oswald thì núp từ một nhà kho mà bắn chết TT Kennedy rồi bị bắt trong một nhà hát. Cả hai sát thủ đều bị ám sát chết trước khi được đem ra tòa xét xử. Hai vị kế nhiệm tổng thống, Andrew Johnson và Lyndon B. Johnson sinh năm 1808 và 1908. Thư ký cửa TT Lincoln có tên là Kennedy còn thư ký của TT Kennedy tên là Lincoln .
Những gần đây người ta đã xác định được rằng Oswald và Booth không hề sinh ra cách nhau 100 năm. (Booth chào đời năm 1838, Oswald, năm 1939). Ngoài ra, nếu như cô Evelyn Lincoln là một thư ký của TT Kennedy thì TT Lincoln dường như chỉ có hai thư ký riêng là John J. Nicolay và John M. Hay chứ không có thư ký nào khác mang họ/tên là Kennedy.
Nguồn: nld.com.vn 5/11/2005