Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 01/08/2006 19:16 (GMT+7)

Hòa nhập với thế giới, tránh cách làm dị biệt

1. Nguyên nhân cơ bản nhất là qui mô giáo dục thì lớn mà kinh phí dành cho nó quá ít, trong khi đó cách nghĩ, cách làm, cách quản lý về cơ bản vẫn theo kiểu bao cấp. Nước ta hiện nay có khoảng trên 20 triệu người đi học, 19% tổng chi ngân sách dành cho giáo dục trong năm 2006 tương đương 55.300 tỉ đồng.

Kinh phí thì thấp nhưng lại không biết xã hội hóa giáo dục một cách hợp lý, quản lý theo kiểu tập trung bao cấp, cho nên giáo viên lương thấp, cơ sở vật chất yếu kém, trang thiết bị lạc hậu. Từ đó sinh ra đủ loại tệ lậu: ép học thêm, tư cách người thầy xuống cấp, chạy trường chạy lớp…

2. Cách tổ chức xã hội hiện nay không cần người có thực tài. Nhiều nghề nghiệp không cần học hành nghiêm chỉnh nhất nhưng lại “hái ra tiền nhiều nhất”. Chế độ bổ dụng theo phe cánh từ “phong trào đi lên”, “con ông cháu cha”, “một đời phấn đấu không bằng một ngày cơ cấu”, bổ nhiệm rồi mới cho đi học để hợp thức hóa chức vụ... Từ đó tạo ra tâm lý coi trọng luồn lọt mà coi thường học vấn, thích mua bằng cấp, rồi chạy chức chạy quyền... 

3. Hiện nay chúng ta đang trả giá cho một thời bạc đãi nghề dạy học. Chúng ta phát triển giáo dục theo diện rộng, chạy theo số lượng chứ không tính toán đến khả năng của quốc gia.

Nghề dạy học được ca tụng về ngôn từ (kỹ sư tâm hồn) nhưng bị bạc đãi trong thực tế. Có một thời lương giáo viên chỉ đủ mua gạo ăn nên “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, trong khi nhân tài đổ dồn về các đại học khác để khi ra trường có thu nhập tốt hơn: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”.

Ở các trường sư phạm không tuyển được người tài, những sinh viên ấy sau khi ra trường làm thầy đã đào tạo ra bao nhiêu học trò, và cái dốt cứ như thế lan tỏa khắp xã hội, hết thế hệ này đến thế hệ kia, tình trạng ấy đến nay đã giảm nhưng không phải không còn. Người ta thường nói sai lầm về kinh tế chỉ trả giá 5-10 năm, nhưng sai lầm về giáo dục thì phải trả giá hàng 50 - 70 năm.

4.Xã hội ta đang chuyển đổi một cách nhanh chóng, tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành phố và nông thôn. Vì vậy việc áp dụng một mô hình giáo dục, một chế độ giáo dục chung cho mọi tầng lớp, vùng miền là rất khó.

Tôi có cảm giác các chính sách về giáo dục thường căn cứ vào vùng nông thôn, thu nhập thấp, nên nhìn chung đối với các thành phố lớn nó tỏ ra rất lạc hậu, tạo ra sức ì rất lớn trong giáo dục. Ví dụ: đề thi đại học nhằm vào cách “học chay”, sách giáo khoa chỉ có một bộ, trường học chủ yếu là của Nhà nước, học phí rất thấp thu không đủ chi, nhất là đại học...

Trong khi đó chính sách giáo dục về cơ bản vẫn theo kiểu bao cấp, tạo ra sự bất mãn sâu sắc trong xã hội, nhất là đối với giáo viên và nhân dân quen với mô hình giáo dục đa dạng, xã hội hóa.

Giải pháp cho giáo dục thì rất nhiều, tùy từng sự việc, từng địa phương cụ thể, nhưng giải pháp bao trùm nhất, theo tôi, chỉ đơn giản là hòa nhập với thế giới, tránh cách làm dị biệt. Chỉ cần một nguyên tắc ấy thôi, chúng ta có thể giải quyết tất cả mọi việc. Ví dụ:

- Đề thi theo kiểu học thuộc lòng (ví dụ có một thời bộ ra sẵn một bộ đề văn 47 đề, rồi bốc thăm thi đại học), thi chỉ giới hạn các bài trong chương trình, đó là cách làm dị biệt, phải học cách ra đề chọn người có khả năng tư duy, ứng dụng, sáng tạo của các nền giáo dục tiên tiến.

- Tệ nạn “cử” rồi mới “thi”, không trọng thực học là dị biệt, cần phải bỏ, mà học cách thi tuyển công khai, trọng dụng người tài (chứ không trọng bằng cấp).

- Mô hình giáo dục chỉ toàn trường công lập, “công lập tự chủ tài chính”... là dị biệt, cần phải xã hội hóa giáo dục một cách triệt để hơn nữa, khuyến khích người có tiền đầu tư vào giáo dục, giúp họ sinh lời, tư hóa các trường công lập để có kinh phí nâng cấp và xây mới trường học ở vùng khó khăn hơn.

Việc làm cho giáo dục thì rất nhiều, nhưng phải bắt đầu từ đâu? Theo tôi, bắt đầu từ hai việc:

- Trước hết là thi cử. Đề thi thế nào sẽ quyết định việc học thế ấy. Thi cử phải nghiêm túc, khuyến khích thực học và sáng tạo.

- Thứ hai là phải chuyển đổi triệt để mô hình giáo dục. Chúng ta ai cũng biết mô hình giáo dục tốt nhất hiện nay là theo mô hình Hoa Kỳ, châu Âu, trong đó có cả Pháp, Đức, rồi Nga... Ở châu Á thì Nhật Bản,Hàn Quốc,Singapore, Đài Loan... cũng phải theo mô hình ấy (tất nhiên có châm chước theo những điều kiện cụ thể của quốc gia). Trung Quốc cũng đang hướng theo như vậy.

Giáo dục là chuyện lớn nhất trong các chuyện lớn của quốc gia. Cần phải mời các chuyên gia nước ngoài, các sinh viên, các nhà khoa học từng du học thành công ở các nước tiên tiến, nhất là Hoa Kỳ, để tư vấn cho Bộ GD-ĐT.

Nguồn: tuoitre.com.vn12/7/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.