Hoa, cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Thái Bình
Theo số liệu của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cả nước có trên 50.000 ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh. Nhiều tỉnh, thành phố có diện tích trồng hoa, cây cảnh tập trung lớn, gắn với những làng nghề truyền thống lâu đời. Tiềm năng phát triển sinh vật cảnh của cả nước và nhiều địa phương là rất lớn. Nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh ngày càng tăng, bình quân 12 - 15%/năm...
Quang cảnh hội thảo
Ngày 11/10, tại Thái Bình, Vusta kết hợp với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo Phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta; Ông Bùi Trung Kiên – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Thái Bình; Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta phát biểu khai mạc tại hội thảo
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta cho biết, hoạt động phổ biến kiến thức là hoạt động quan trọng của Vusta, từ năm 2023, Vusta đã thực hiện tổ chức chuỗi hội thảo tuyên truyền và phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao. Trong bối cảnh cần chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất thì việc phát triển hoa, cây cảnh là rất phù hợp. Trong khi Thái Bình là một tỉnh đất đai màu mỡ, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, ngành hoa, cây cảnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều nguồn thu lớn cho nhiều người tham gia, và thực sự ngành hoa, cây cảnh hiện không còn là thú chơi mà đã trở thành một ngành kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù đạt được nhiều tích cực, nhưng hiện việc phát triển hoa, cây cảnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để phong trào sinh vật cảnh trong thời gian tới ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực và hiệu quả hơn, nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ông Bùi Trung Kiên – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội thảo
Ông Bùi Trung Kiên – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Thái Bình cho biết, nhiều năm qua sinh vật cảnh ở Thái Bình phát triển rất mạnh, chính vì thế Hội thảo Phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao sẽ là diễn đàn quan trọng và tính thực tiễn sâu sắc; là cơ hội để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, cách làm tốt trong công tác tuyên truyền về phổ biến kiến thức; đồng thời, trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, ý tưởng mới nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động sinh vật cảnh thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trình bày tại hội thảo
Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho hay, phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái với những sản phẩm đặc hữu có giá trị cao. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về nông nghiệp, nông thôn trong đó có Đề án về phát triển hoa, cây cảnh đến năm 2030. Đây là những tiền để quan trọng để hoa, cây cảnh phát triển đóng góp nhiều hơn nữa trong nên kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Giám đốc Trung tâm NC&PT hoa, cây cảnh, Viện nghiên cứu rau quả
Trao đổi tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Tỉnh – Giám đốc Trung tâm NC&PT hoa, cây cảnh, Viện nghiên cứu rau quả cho rằng, muốn phát triển hoa, cây cảnh có hiệu quả cao thì phải gắn phát triển theo hướng thị trường, gắn với phát triển du lịch; khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo chia sẻ của ông Tỉnh, hiện nay nguồn nhân lực phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh công nghệ cao còn thiếu và yếu, tỷ lệ đào tạo thấp; Có sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thế giới, đặc biệt là các sản phẩm mới; Thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu không theo quy luật, ngày càng khắc nghiệt và khó dự đoán, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành sản xuất hoa, cây cảnh.
“Chính vì thế, theo tôi cần có giải pháp hạn chế tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến sản xuất hoa, cây cảnh; Giải pháp hạn chế tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến sản xuất hoa, cây cảnh như xây dựng nhà kính hoặc lắp đặt lưới che chắn, để bảo vệ cây trồng khỏi điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa đá, gió mạnh. Sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt trong trường hợp hạn hán. Tham gia các khoá học và tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai và các kỹ thuật canh tác phù hợp để nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng phó”, ông Tỉnh cho hay.
Bà Nguyễn Vân Anh – Trưởng ban Thông tin Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội tỉnh Thái Bình
Bà Nguyễn Vân Anh – Trưởng Ban Thông tin Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội tỉnh Thái Bình cho biết, sinh vật cảnh cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin để công đồng nhận thức rõ hiệu quả; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất; cần tăng cường hợp tác, liên kết với các viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ thuật, có tay nghề trong lĩnh vực sinh vật cảnh; đa dạng hoá các hình thức giới thiệu, quảng bá về cây sinh vật cảnh và sản phẩm.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều ý như hiện nay chất lượng hoa, cây cảnh bao gồm cả tiêu chí về mức ô nhiễm nông dược trên sản phẩm, do vậy việc kiểm soát ô nhiễm hoá chất là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong xuất hoa, cây cảnh.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Ngoài ra, các đại biểu đã có ý kiến như đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực, thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo chuyên môn, tạo điều kiện để hội viên, người nông dân nâng cao kỹ năng và kiến thức. Đồng thời, cần tạo ra môi trường làm việc thuận lợi để thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành.
Để phát triển ngành sinh vật cảnh thời gian tới, theo ý kiến của các đại biểu cần xây dựng các chương trình, chính sách để sinh vật cảnh có nhiều điều kiện phát triển, tham gia đóng góp và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong sản xuất đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tăng cường chuyển giao công nghệ kỹ thuật, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng – Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta cho biết, để xây dựng ngành sản xuất hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững, tiến tới trở thành ngành đóng vai trò quan trọng. Vì vậy phát triển hoa, cây cảnh đang là một hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nhiều vùng và rất cần thiết trên tỉnh Thái Bình.