Ho ra máu
Nhận biết ho ra máu
Bạn dễ dàng nhận thấy điều này: các tia máu đỏ tươi lẫn bọt khí vọt ra ngoài, theo sau cơn ho. Ở một số người có dấu hiệu báo trước, như nóng ran ở vùng sau ức, hoặc đau rát ở họng. Thường ho ra máu kéo dài khoảng vài ngày rồi kết thúc bằng khạc ra dịch, có lẫn các sợi máu đen nhờ, gọi là đuôi máu. Nhiều khi thấy được đuôi máu đó, bệnh nhân mới biết là ho ra máu. Tuy nhiên, có trường hợp ho ra rất nhiều máu, đe doạ đến tính mạng, cần phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.
Phân biệt với các trường hợp ra máu (từ miệng) khác
Nôn ra máu khác với ho ra máu: Nôn ra máu là máu ộc ra từ phần đầu của ruột, tá tràng, dạ dày, thực quản. Có thể phân biệt ho ra máu và nôn máu bằng cách:
- Nếu máu có màu đỏ tươi lẫn bọt khí là ho máu; nếu đỏ sẫm lẫn thức ăn hoặc có máu cục là nôn máu.
- Ho ra máu nếu có dấu hiệu liên quan đến phế quản, phổi (ho, có đờm rãi, tức ngực, khó thở…); nôn máu nếu đau ở thượng vị, ợ chua, khó tiêu…
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng phân biệt được ho và nôn ra máu, bởi có những bệnh nhân bị rối loạn nhận thức, không hỏi bệnh được; hoặc trường hợp ho ra nhiều máu và bệnh nhân nuốt rồi lại ợ ra; hoặc máu đào thải qua phân (khiến lầm với nôn máu).
Phân biệt ho ra máu và máu chảy ra từ các tổn thương ở đầu họng. Nếu khám tai mũi họng cẩn thận, kèm với nội soi họng bằng ống mềm, thì có thể phân biệt được ho ra máu với chảy máu cam mà bệnh nhân đã nuốt xuống họng rồi khạc ra, hoặc với trường hợp máu chảy từ các tổn thương ở hầu họng, như khi vỡ những chỗ giãn tĩnh mạch ở vùng đáy lưỡi.
Theo dõi bệnh nhân ho ra máu
Ho ra máu là trường hợp cấp cứu nội khoa; nếu nặng, bệnh nhân có thể tử vong do hai biến chứng: Ngạt vì sặc máu ở đường hô hấp (máu tụ ở phế nang và các nhánh phế quản) và trụy tim mạch do mất máu nhiều. Do đó phải ước tính được lượng máu đã mất, phát hiện nguy cơ tái phát cơn ho ra máu. Cụ thể cần theo dõi các dấu hiệu sau:
- Ngất nhẹ,nhất là choáng với các biểu hiện mạch nhanh; huyết áp giảm; các vết nâu (đồi mồi) xuất hiện trước tiên ở đầu gối.
- Mất máu:da-niêm mạc nhợt nhạt.
- Rối loạn hô hấp:thở nhanh, yếu, tím tái, hiện tượng lõm chùng xuống của các mô mềm ở các vùng sau ức, trên xương đòn, giữa các xương sườn, nghe trên lưng, ngực bệnh nhân thấy tiếng phế quản bất thường (tiếng ran nổ)…
Khi thấy một hoặc vài các dấu hiệu nói trên cần phải kịp thời xử trí.
Điều trị
Diễn biến của ho ra máu (lúc nào tái phát, máu sẽ ra nhiều hay ít…) khó mà đoán trước được. Do vậy bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Nếu ra máu nhiều cần phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân bằng ôtô có đầy đủ phương tiện cấp cứu có thể cầm máu bằng axit tranexamic (biệt dược là Excyl hay Azeptin, viên nang 250mg), uống hai viên. Có thể cho uống thêm một viên Diazepam 5mg để trấn an tinh thần bệnh nhân. Sau đó chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 83 (1801)