Hồ Chí Minh - Nhà báo cách mạng
Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 6/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài", thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là:chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy đó". Có thể coi đây là lời tự tổng kết sự nghiệp báo chícách mạng dài nửa thế kỷ của Hồ Chí Minh.Suốt nửa thế kỷ cầm bút, nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh trung thành với lý tưởng vì dân, vì nước, vì hoà bình, độclập tự do, Người đem đến cho người đọc thời đại mình những khát vọng của một tâm hồn vĩ đại, một trí tuệ vô song, để từ đó thổi bùng lên trong mỗi con người ngọn lửa đấu tranh chống áp bức, cườngquyền, chống sự nô dịch, tha hoá, giành lại những quyền mà con người và các dân tộc được hưởng; và thắp sáng lên trong nhân loại tình yêu thương con người, yêu chân - thiện - mỹ, hoà bình - hạnh phúctrong độc lập - tự do. Đó là cái "duyên" của Người đối với báo chí nói riêng và lịch sử thế kỷ XX nói chung. Người hoạt động báo chí vì mục đích cách mạng của mình. Người coi báo chí là vũ khí, côngcụ, phương tiện và sử dụng nó để tiến hành cách mạng.
Người nói về báo chí: "Báo chí của ta thì cần phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ đấu tranhthực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới (...). Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.
Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối,chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu".
Là người sáng lập nền báo chí cách mạng và cũng là người làm báo rất nhiều kinh nghiệm, Hồ Chí Minh có những lờikhuyên rất cụ thể đối với báo giới Việt Nam: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắngọn và dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm.... Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn trách nhiệm vẻ vang của mình, cánbộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng".
Những bài báo Bác viết đều thấm đượm tính Đảng, tính nhân dân và một tình yêu da diết đất nước, con người. Người chia sẻ với mọi người phương châm sống mà bản thân Người từng theo đuổi:
"-Luôn luôn gần gũi nhân dân.
- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.
-Học hỏi nhân dân.
- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân".
Di sản báo chí Người để lại là một bộ phận hữu cơ quan trọng trong toàn bộ di sản cách mạng của Người, bởi ở đó biểu hiện đầy đủ, thống nhất và nhất quán những tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, nhân cách cách mạng Hồ Chí Minh, bởi đó là một nhân tố cấu thành nên chủ nghĩa nhân đạo Hồ Chí Minh - một bộ phận của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.
Ởgiai đoạn đầu của sự nghiệp báo chí, Nguyễn ái Quốc viết: "Thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó". Năm mươi năm sau, Hồ Chí Minh viết: "Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt".
Trong hai thời điểm, hai hoàn cảnh lịch sử và hai thế đứng khác nhau, Hồ Chí Minh đều nói về tương lai của dân tộc, tương lai thế giới.
Trong các tác phẩm báo chí cũng như toàn bộ di sản văn hoá Người để lại, quá khứ - hiện tại - tương lai luôn gắn kết với nhau, tạo nên một dòng tư tưởng liên tục, tải nặng những vấn đề sống còn của cách mạng. Từ dòng chảy do Hồ Chí Minh khơi nguồn và vạch hướng, cách mạng Việt Nam luôn tiếp nhận những nhân tố mới của chính mình và của thời đại, từ đó đóng góp vào dòng thác cách mạng thế giới với sức sống mới, tiềm năng mới.
Hồ Chí Minh là nhà cách mạng triệt để. Sự nghiệp báo chí của Người cũng là sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh nảy mầm, phát triển ngay trên Tổ quốc quê hương và toả sáng trong thời đại mang tên Người, bởi:
"Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hoá, nhà báo, nhà thơ lớn. Người đã mở đầu và góp phần quan trọng hiện đại hoá ngôn ngữ và câu văn Việt Nam. Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hoá, báo chí với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp bằng những lời lẽ giản dị giàu hình tượng, nói lên được điều lớn bằng chữ nhỏ" (Hồ Chí Minh - Tác giả, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr37). "Nói lên được điều lớn bằng chữ nhỏ" bởi Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng.
Nguồn trích: Cao Ngọc Thắng, Hồ Chí Minh - Nhà báo cách mạng, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.