'Hiện tượng con người' - sách hòa giải khoa học và tôn giáo
Cha đẻ của Hiện tượng con người là Pierre Teilhard de Chardin - một học giả người Pháp. Ông vừa là một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng (tham gia khám phá vượn người Bắc Kinh), vừa là một nhà nghiên cứu triết học, thần học, đồng thời là một linh mục dòng Tên.
Hiện tượng con người trình bày một quan điểm độc đáo về vũ trụ. Quan điểm này mở rộng thuyết tiến hóa đến lĩnh vực tinh thần, và được coi là bước tiến quan trọng trong sự hòa giải giữa khoa học hiện đại và tôn giáo.
Nghiên cứu trong sách khởi đầu từ một nghịch lý con người, thể hiện qua việc: khoảng cách hình thái học giữa con người và khỉ giống người là không đáng kể. Trong khi con người lại khác những động vật đó nhiều. Để giải thích nghịch lý này, tác giả lần theo quy trình tiến hóa trong quá khứ và nhận ra sự cần thiết của việc đưa vào quy trình một biến số mới - đó là tâm thần.
Tác giả Teilhard xem tiến hóa là quá trình dẫn tới sự phức tạp càng lúc càng tăng. Từ một tế bào tới một động vật có khả năng tư duy, đó là quá trình của sự tập trung tâm linh dẫn đến nhận thức tốt hơn. Một tập thể đồng nhất bắt đầu phát triển khi sự giao thiệp và sự truyền tải ý kiến, quan điểm ngày càng tăng lên. Kiến thức được tích tụ lại và truyền tải đi với cấp độ ngày càng cao dần, phức tạp và có chiều sâu hơn.
Nhận thức tăng dần, hình thành "lớp vỏ" tư duy bao phủ trái đất. Teilhard gọi lớp vỏ này là "trí quyển". Trí quyển chính là nhận thức tập thể của con người. Sự phát triển của khoa học và kỹ thuật khiến ảnh hưởng của con người càng ngày càng mở rộng.
Một hệ quả quan trọng là sự tiến hóa hướng đến thống nhất ngày càng cao; và hơn thế nữa, con người chính là mũi tên chỉ hướng của sự tiến hóa. Dù thế giới vật chất có phân rã đến những trạng thái thấp nhất, thì những hy vọng cho tương lai của vũ trụ, nằm trong chính con người chúng ta, tức là trong nỗ lực của con người cùng đồng lòng xây dựng tinh thần của trái đất.
Cuốn sách Hiện tượng con người được hoàn tất vào thập niên 1930, nhưng đến năm 1955 mới được xuất bản, lúc đó Teilhard đã qua đời. Tác phẩm gây một tiếng vang lớn trong nhiều năm tiếp đó và những âm hưởng mạnh mẽ của nó vẫn còn cho đến ngày nay.
Một buổi hội thảo về các vấn đề cuốn sách đưa ra sẽ được tổ chức lúc 14h ngày 20/6 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Diễn giả tham dự gồm giáo sư Chu Hảo và nhà giáo Phạm Toàn.