Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 24/07/2008 23:36 (GMT+7)

Hiện tượng chêm xen từ ngữ ngoại (tiếp cận văn hoá - xã hội học ngôn hành)

1. Mở đầu

Trong lời ăn tiếng nói, trong văn bản tiếng Việt hiện nay rất phổ biến hiện tượng chêm xen từ ngữ ngoại (chủ yếu là tiếng Anh), kiểu như: “Mày fair playquá”, “ Downloadxong chưa?”, “Nhiều fanhâm mộ ghê”, “ Open tournày dành cho nhóm khách teen”, “Lập trình viên là một hot-jobnhất bây giờ”, thậm chí có thể gồm cả cách nói có từ viết tắt như: “Khu công nghiệp này xây bằng vốn ODA”, “Mức độ tăng trưởng GDPlà 8,5%”… Đáng chú ý là có những từ gốc ngoại đã được Việt hoá từ lâu, nay trong không khí cởi mở thời mở cửa, hội nhập, lại “vô tư” phục hồi nguyên dạng: xe bus(so sánh: xe buýt), vải line(lanh), toleHoa Sen (tôn lợp mái), bếp gas(ga), may complete(com lê), gatausinh nhật (bánh ga tô)…

Đã có một số bài viết trên báo chí về vấn đề này. Có tác giả gọi hiện tượng này là “trộn mã”, có người gọi là “từ vay mượn”, hoặc “đệm”, “đá”, “pha” tiếng nước ngoài. Chúng tôi gọi là “chêm xen” với nghĩa: dùng các từ, ngữ riêng lẻ nguyên dạng gốc tiếng nước ngoài trong lời ăn tiếng nói, trong văn bản tiếng mẹ đẻ tiếng Việt. Bài này sẽ khảo sát hiện tượng trên (qua ngữ liệu tiếng Anh) từ góc độ văn hoá – xã hội học ngôn hành,chủ yếu để tìm ra căn nguyên tâm lí xã hộicủa thói quen này.

2. Cách tiếp cận

Với hiện tượng chêm xen, ta có thể tiếp cận nó từ nhiều phía, nhiều góc độ. Chẳng hạn, có thể xem xét từ góc độ tĩnh, coi những từ ngữ đệm xen đó là những ký hiệu ngôn ngữvà tìm hiểu chúng về các vấn đề như: các dạng thức ngữ âm, chữ viết, ngữ pháp, ngữ nghĩa, khả năng kết hợp, phạm vi sử dụng, sự biến đổi theo thời gian…

Cũng có thể xét hiện tượng chêm xen từ góc từ độ động,coi chúng là hành độngcủa con người khi giao tiếp bằng ngôn ngữ. Hành động theo một kiểu như thế nào đấy gọi là ứng xử. Đấy là biểu thị của một cá nhân con người hay các nhóm người trong mọi hoạt động sống. Theo cách nhìn nhận của xã hội học văn hóa, trong một cộng đồng xã hội, khi có nhiều người thường xuyên lặp lại một ứng xử nào đó tương đối như nhau trong một thời gian dài thì ta có thể nói đấy là một tính cách có tính cộng đồnghay còn gọi là tính cách cộng đồng , tính cách tộc người. Tính cách tộc người là một biểu hiện của văn hóa của một tộc người, một cộng đồng.

Với tính cách một ứng xử, ngôn ngữ được xếp cùng loại với các ứng xử trong ăn ở, ăn uống, ăn làm, ăn học, ăn chơi. Với nghĩa đó ta gọi là ứng xử ăn nói. Các loại “ăn” này đều là những biểu hiện của văn hóa dân tộc: văn hóa ăn ở, văn hóa ăn uống (văn hóa ẩm thực), văn hóa ăn mặc (văn hóa trang phục), văn hóa ăn làm, văn hóa ăn học, văn hóa ăn chơi (các thú chơi), văn hóa ăn nói (văn hóa ngôn hành).

Để giải quyết vấn đề chêm xen tiếng Anh trong lời ăn tiếng nói, văn bản tiếng Việt thì, muốn có hiệu quả, có lẽ phải tiếp cận vấn đề không phải từ cách xem ngôn ngữ như một hệ thống kí hiệu tĩnh, mà phải từ cách xét nó như là một cách ứng xử của con người, cụ thể là văn hóa ăn nói (nói năng, viết lách) hay còn gọi là văn hóa ngôn hànhmang tính chất cộng đồng.

Cách tiếp cận này giả định phải nhìn nhận hiện tượng ngôn hành chêm xen cả từ góc độ ngôn ngữ học xã hội lẫn góc độ văn hóa học. Từ góc độ ngôn ngữ học xã hộinghĩa là ta xem xét ngôn ngữ trong bối cảnh xã hộicủa nó, tính đến tất cả các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ, đến các đặc điểm của ngôn hành. Từ góc độ văn hóa họcnghĩa là xem xét ngôn ngữ chẳng những như một thành tố của văn hóa, một biểu hiện của văn hóa của một cộng đồng, một tộc người, mà còn như một nội dung của ứng xửvới môi trường xã hội của cộng đồng, một tộc người nào đó, bên cạnh các ứng xử trong ăn ở, ăn uống, ăn mặc, ăn làm, ăn học, ăn chơi… Trong ứng xử đó, đặc điểm tâm lícủa cộng đồng và cá nhân là một nhân tố rất quan trọng. Kết hợp cả hai góc độ này, ta sẽ có một cách tiếp cận gọi là “ tiếp cận văn hóa - xã hội học ngôn hành” mà nội dung chủ yếu là xem xét những nhân tố xã hội, những nhân tố văn hóa đã ảnh hưởng đến ngôn hành chêm xen như thế nào.

3. Tác dụng của chêm xen

Chêm xen ngôn từ là chuyện tất yếu của văn hóa ngôn hành trong bối cảnh giao tiếp, tiếp xúc văn hóa ngày càng rộng khắp. Và cũng như trong các biểu hiện văn hóa khác như: văn hóa ăn ở, ăn mặc, ăn uống, ăn chơi, ăn học, ăn làm… trong sự chêm xen văn hóa luôn luôn có sự đồng hành của cả mặt tốt lẫn mặt xấu.Cái hại của nó là, nếu lạm dụng sẽ gây khó hiểu cho đối tác giao tiếp, ảnh hưởng đến thể diện của họ, làm chuyện “chướng tai gai mắt”, phá vỡ tính chuẩn mực của ngôn ngữ mẹ đẻ…Nhưng chêm xen ngôn từ gốc ngoại trong tiếng mẹ đẻ không phải là chuyện hoàn toàn xấu. Nó giúp tiếng mẹ đẻ được thêm phong phú, đa dạng. Chẳng hạn, dùng từ “toilet” (nói là “toalet”) thì lịch sự hơn “nhà vệ sinh”, vì không gợi gì đến những cái bẩn thỉu, tránh nói. Hơn nữa, đi “toalet” có vẻ “thành phố” hơn, “tây” hơn, và do đó “oai” hơn, chứ không “quê mùa” như “đi cầu”, “đi đồng”, “đi vệ sinh”, “đi đại tiện”, “đi tiểu tiện”. Còn “shop” không phải là cửa hàng, cửa hiệu, tiệm “tầm thươờg”, “lúi xùi”, mà là loại “có đẳng cấp”, bán những thứ hàng hóa làm tôn địa vị xã hội và vẻ giàu sang của khách hàng và do đó cũng làm tăng thể hiện và sự hãnh diện của chủ cửa hàng, cửa hiệu, tiệm. Người ta đến “shop” để mua hàng thời trang, nhất là hàng hiệu, đồ mĩ phẩm, đồ lưu niệm, các vật dụng đắt tiền (như máy ảnh, camêra, điện thoại di động, máy nghe nhạc…), đồ dùng văn phòng, sách báo… Và ở Việt Nam hiện nay cũng chưa thấy ai treo biểu “shop dưa mắm muối”, “shop lòng lợn”… trong khi ở các nước nói tiếng Anh, các tấm biểu “butcher’s shop” (cửa hàng thịt), “sweet shop” (cửa hàng kẹo).. là chuyện bình thường. Còn các bà các chị ở thành phố, nhất là giới công chức, giáo viên, nhân viên công ty, khi rủ nhau “đi shopping” là ý họ muốn đi xem hoặc đi mua đồ thời trang, mĩ phẩm chứ không phải là “đi chợ” để mua rau thịt, tôm cá. Như thế là các từ chêm xen như “toilet”, “shop”, “shopping” có những sắc thái nghĩa và phong cách mới, chứ không phải “tầm thường”, “dung tục” như các từ ngữ tương ứng vốn có trong tiếng Việt là “nhà xí”, “nhà vệ sinh”, “cửa hàng”, “cửa hiệu”, “hiệu”, “tiệm”, “đi chợ”, “đi mua sắm”. Các từ “đồ ngoại”, “hàng xịn” này rõ ràng đã làm phong phú thêm tiếng Việt, chí ít cũng thỏa mãn được nhu cầu “tỏ ra là người sành điệu” của những người dùng các từ chêm xen đó.

Đấy là ngày nay, còn ngày xưa việc dùng chêm xen tiếng Hán là một cách để làm phong phú từ vựng tiếng Việt lúc đó vốn còn tương đối chưa phát triển. Chẳng hạn việc dùng từ “nguyệt” (một cách đọc Hán Việt, tức là một cách phiên âm kiểu Việt Nam cho từ “yuè” của Hán) trong thơ Nôm “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi thế kỉ 15. Theo nghiên cứu của Chu Huy (1996, N 06, tr 10), trong số 254 bài thơ quốc âm, Nguyễn Trãi đã dùng chêm xen từ “nguyệt” trong hơn sáu chục bài thơ: “ Nguyệtmọc đầu non kình dội”, “Đêm thanh hớp nguyệtnghiên chén”, “Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt”, … Việc chêm xen từ “nguyệt” và đặt nó vào các vị trí cú pháp các nhau đã làm cho nó được Việt hóa, tạo ra một cặp đối lập “trăng”, “nguyệt” về phong cách sử dụng và sắc thái ngữ nghĩa, khiến Tiếng Việt thêm giàu. Vấn đề chỉ là mức độ sử dụng sao cho phù hợp.

4. Căn nguyên của cách ứng xử

Từ cách tiếp cận văn hóa - xã hội học ngôn hành ta dễ dàng thấy chêm xen tiếng nước ngoài trong lời ăn tiếng nói và trong văn bản tiếng ta là một hiện tượng có tính truyền thống lâu đời(chêm xen chữ Nho, từ ngữ Hán - Việt, từ ngữ Pháp: hoành phi, câu đối chữ Hán trong nhà, tục thách đối, tục xin chữ và câu đối treo Tết, từ ngữ gốc Hán trong thơ ca, ca dao, tục ngữ, từ ngữ Pháp trong lời ăn tiếng nói và văn bản thời Pháp thuộc…).

Hành động chêm xen từ ngữ ngoại trong ngôn hành là kết quả tổng hợpcủa một số tính cách tộc ngườicủa người Việt Nam . Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tâm lí tộc người và các học giả đã nêu lên nhiều tính cách tộc người của chúng ta, cả tốt lẫn xấu.

Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu một số ý kiến của các nhà nghiên cứu để tham khảo.

Trong số nhận xét của học giả Đào Duy Anh (1938, tr 21) về “tính chất tinh thần” của người Việt, do mục đích của bài này, ta chú ý đến các tính cách sau đây: “ thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động”, “ ít người mộng tưởng, mà phán đoán thương có vẻ thiết thực lắm”, “ tính khí cũng hơi nông nổi”, “ hay khoe khoang trang hòang bề ngoài”, “ ưa hư danh”, “ bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài”, “ có não tinh vặt”…

Ông Bùi Quốc Châu, tiến sĩ khoa học danh dự Sri - Lanka (2000, tr 171 - 173), cho rằng tính cách của người Việt Nam nói chung có 37 nét, trong đó có 11 nét nhược. Trong số các nét ưu, ta đọc thấy: N 01. Tính vừa phải, N 02. Tính linh động,N 04. Chuộng thực tếhơn viển vông. Một số nét nhược là: N 013. Tự ái nhiều hơn tự trọng, N 014. Thường nghĩ đến cái lợi trước mắt, N 016. Giỏi bắt chước, N 020. Trọng hư danh, ưa nịnh hót. N 028. Vọng ngoại, N 031. Tính tùy tiện, cẩu thả, N 033. Tính coi trời bằng vung. N 037. Tính thích danh hơn thích làm giàu.

Còn ông Vũ Hạnh, nhà văn, nhà nghiên cứu thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí minh (2000, 54 88, 98) nêu ra bảy di chứng nô lệ của chúng ta. Liên quan đến vấn đề chêm xen từ ngữ ngoại, theo chúng toio có: tâm lí vọng ngoại, thói đua đòi và thói xu nịnh.

Tác giả Nguyễn Xuân Tư (2003, tr 143 - 147) chỉ ra các nguyên nhân sau đây của tệ tùy tiện sử dụng từ ngữ tiếng nước ngoài trên báo chỉ tiếng Việt hiện nay:

1. Do tinh thần tự ti, 2. Do thói khoe khoang, 3. Do sự lười nhác suy nghĩ, 4. Do ý thức thiếu tôn trọng người khác.

Chúng tôi cho rằng lối ứng xử chêm xen từ ngữ ngoại trong ngôn hành không phải là hậu quả riêng rẽ của một tính cách tộc người nào, mà tất cả các tính cách đó đều có phần tham gia tạo nên cách ứng xử này, tức đây là kết quả tổng hợp của nhiều tính cách. Hơn nữa trong danh sách các tính cách đã tổng kết được ở trên, cần phải xử lí lại theo một cách thống nhất, trong đó có phân biệt chính - phụvà thấy rõ tác động của cả nét ưu lẫn nhược.

Liên quan đến cách ngôn hành, chêm xen từ ngữ ngoại, chúng tôi nêu ra một số tính cách chủ yếusau đây, như những nhân tố làm căn nguyên dẫn đến cách ứng xử như vậy. Đó là:

1/ Tính không từ chối

2/ Đầu óc không thành kiến

3/ Óc thực tế/ thực dụng/ thiết thực

4/ Thói a dua/ học đòi người quyền quý

5/ Thói sĩ diện

Dưới đây chúng tôi sẽ đi cụ thể vào các tính cách đó.

Về tính không chối từ.Nước Việt Nam ta có một vị trí địa - chính trị khá đặc biệt. Là một nước thuộc vùng văn hóa Đông Nam Á, giáp biển Đông, so với nước Lào, nước ta có thể coi như ngôi “nhà mặt tiền” nằm ở ngã tư đường, có hai mặt phố. Cái vị trí địa - chính đó làm người dân nước ta có cơ hội tiếp xúc được với nhiều nền văn hóa khác nhau và hiển nhiên là, so với các cộng đồng người ở vùng sâu, vùng xa, không tiện giao thông đi lại, người Việt Nam, đặc biệt là người Kinh, cũng có đầu óc cởi mở hơn, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi từ các nền văn hóa lạ. Các nhà nghiên cứu ngoài thích thú nhận xét rằng văn hóa Việt (Kinh) có tính không chối từ rất đặc biệt. Cứ nhìn cách ăn ở, ăn mặc, ăn uống, ăn chơi (thể thao, âm nhạc, lễ tết, giải trí…) là ta thấy rõ người Việt như một bức tranh khảo (mô da ích) trong đó trên cái nền gốc Đông Nam Á có rất nhiều mảnh ghép có gốc gác từ nhiều nền văn hóa khác từ nhiều phương trời. Trong khi văn hóa của các dân tộc anh em cùng chung sống trên một dải đất Việt Nam còn tương đối mộc mạc đầy bản địa, thì văn hóa của người Việt lại rất phức tạp với nhiều nét ngoại lai do tiếp xúc đa phương mạnh mẽ.

Về đầu óc không thành kiến. Trong cuộc sinh tồn, chúng ta từng đụng độ với rất nhiều kẻ thù không đội trời chung, nhưng mặc dù ghét chúng như đào đất đổ đi, oái oăm thay, mặt khác, ta lại rất vui vẻ tiếp thu rất nhiều cái hay và cả cái dở của kẻ thù. Nói riêng, trong lĩnh vực ngôn ngữ, một thời rất dài, chúng ta sử dụng chữ Hán như một ngôn ngữ quốc gia, trong hành chính quản lí đất nước lẫn trong giáo dục và văn hóa. Tiếng Pháp cũng được sử dụng rất rộng rãi gần trăm năm. Và bây giờ tiếng Anh – Mĩ. Không thành kiến, mà “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” quả là một tính cách hay, chứ không cực đoan, cố chấp. Đấy chẳng phải là một biểu hiện của tính không chối từ sao?

Về óc thực tế/ thực dụng/ thiết thực.Vốn là những người thuộc nền văn hóa gốc nông nghiệp lạc hậu, luôn chạy gạo từng bữa, người Việt tiểu nông luôn chỉ nghĩ đến những cái rất cần thiết cho cuộc sinh tồn hàng ngày, chứ mấy khi tơ tưởng đến những cái xa xôi, cao xa. Đối với nhiều thứ ở đời, chúng ta luôn tự nghĩ “liệu có mài ra mà ăn được không”. Nếu không có lợi cho sự mưu sinh hằng bữa, hằng ngày thì không làm. Lâu đời, dẫn đến đầu óc vụ lợi, hời hợt. Ở đây chúng ta sẽ không bàn đến việc đó là hay hoặc dở, bởi còn tùy thuộc vào sự việc cụ thể, vào phương diện xem xét. Óc thực tế, thực dụng, thiết thực, vụ lợi đó làm người ta đua nhau đi học tiếng Anh, tiếng Mĩ (chứ không nô nức đi học tiếng Trung, tiếng Lào, tiếng Khơme là tiếng nói của các cộng đồng láng giềng ngay sát nách) vì biết được tiếng Anh - Mĩ thì sẽ có nhiều cơ hội thành đạt, xuất ngoại đi Tây, kiếm tiền hơn. Đấy chẳng phải một phần là do có tính không chối từ và đầu óc không thành kiến.

Về thói a dua, học đòi người quyền quý.Từ năm 1929, trong số bốn tính di truyền của dân tộc ta, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà yêu nước có nhân cách lớn, đã kể ra thói a dua người quyền quý. Nói riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ, những kẻ có học, các quan lại ngày xưa dùng chữ Hán, làm thơ chữ Hán, các vị trí thức, công chức ở Tây, học sinh, sinh viên dùng chữ Pháp, và ngày nay, các nhà học giả, viên chức nhà nước, nhân viên các công ti nước ngoài liên doanh, nhân viên văn phòng các tổ chức nước ngoài dùng tiếng Anh – Mĩ, thì các nhà báo trẻ, những người buôn bán, nhữung người dân thường, nếu không thành thạo tiếng Anh – Mĩ, thì cũng chêm xen dăm ba chữ trong bài viết, trong danh thiếp, trên biển hiện, để được người đời xếp vào loại thượng lưu, quyền quý và ngưỡng mộ. Như thế thì chẳng oai, chẳng oách hơn sao? Đấy chẳng phải là một biểu hiện của tính không chối từ, đầu óc không thành kiến, óc thực tế, thực dụng, thiết thực, vụ lợi đó sao?

Về thói sĩ diện. Thói a dua, học đòi người quyền quý còn dẫn đến một hệ quả trong ứng xử là tuy nội lực không đủ tương xứng, nhưng bề ngoài luôn có xu hướng muốn tỏ ra mình không phải thuộc loại hèn kém, mà cũng quyền quý như ai. Từ thế kỷ 19, các giáo sĩ nước ngoài đã nhận thấy người Đàng Ngoài “rất hào phóng trong các vụ chi tiền vì danh vọng như trong các đám cưới, đám ma, các ngày lễ và trong các đám ăn hỏi”, “ham thích ngôi thứ và phô trương của cải” (xem: Nguyễn Văn Kiệm, 2003). Trong ứng xử ngôn hành, thấy người ta viết tiếng Tây trên báo, trên biển hiệu thì mình cũng viết tiếng Tây, tiếng Tàu. Các cụ ta chả đã nói: “Con gà tức nhau tiếng gáy” và hơn nữa: “Câm hay hói, ngọng hay hớt”. Xem ra, thói sĩ diện chẳng phải là một biểu hiện của óc thực tế, vụ lợi và a dua học đòi người quyền quý đó sao?

Ở trên ta đã điểm qua năm tính cách tộc người của người Việt (Kinh) có liên quan trực tiếp đến cách ứng xử ngôn hành chêm xen từ ngữ nước ngoài (ở đây là tiếng Anh - Mĩ) trong lời ăn tiếng nói, viết lach. Ta thấy năm tính cách đó có tác động tổng hợptới thói quen chêm xen. Nhưng trong năm tính cách đó thì gốc gác vẫn là “tính không chối từ”, do vị trí địa - chính trị của nước ta tạo ra. Như vậy sẽ có một câu hỏi đặt ra: “Thế tại sao các dân tộc thiểu số anh em khác cũng sống trên dải đất này lại không có cái tính cách không chối từ ấy?” Đó chẳng qua có lẽ là vì các cộng đồng thiểu số chủ yếu sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, còn người Việt (Kinh) thì do canh tác nông nghiệp lúa nước và làm ngư nghiệp nên chuyển xuống sống ở đồng bằng và ven biển, tức là sống ở phần mặt tiền Đông - Tây trông ra biển Đông, do vậy có nhiều cơ hội tiếp xúc văn hóa rộng rãi, đa phương hơn, vì thế mà dần dần mới hun đúc nên cái tính cách đó. Hiển nhiên cái tính cách này cũng đem lại những cái lợi và bất lợi, nhưng ở đây ta không bàn đến chuyện lợi - hại. Nhìn rộng ra, so với các đồng bằng nước ngoài như Lào, Mông Cổ, do không có biển nên việc tiếp xúc với văn hóa ngoại bang, nhất là phương Tây, cũng bị hạn chế, vì vậy trong lời ăn tiếng nói và cách viết lách của họ cũng ít lai căng hơn. Với những nước có biển, như Hàn Quốc chẳng hạn, phải chăng là do có những tính cách tộc người nào đó nổi trội, khả dĩ kiềm chế được những ảnh hưởng do biển đem lại, nên không “thoáng” được như ta?

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các định hướng giá trị văn hóa – xã hội còn ở tình trạng nước đôi, cái cũ vẫn còn, cái mới chưa ổn định, tốt xấu chưa rõ ràng, thì hiện tượng chêm xen, thái quá, một cách vô lối,còn có điều kiện phát triển mạnh.

5. Kết luận

Chêm xen ngôn từ ngoại trong ngôn hành là một biểu hiện của cách ứng xử văn hóa trong xã hội. Nên, đối với hiện tượng này, ta cần có thái độ không nôn nóng, không giải quyết theo kiểu “pháp trị” (áp đặt bằng chế tài pháp lí), không đánh đồng mọi trường hợp mà có phân biệt theo hoàn cảnh giao tiếp. Để giải quyết vấn đề này, cần phân biệt hai quy mô: Ở quy mô văn hóa – xã hội chung của cả cộng đồng: phải hình thànhnhững giá trị văn hóa – xã hội mới,thích hợp với xã hội thị trường thời thế giới phẳng. Đây là việc lâu dài. Ở quy mô, phạm vi ngành ngôn ngữ học: phải phối hợp với các ngành hữu quan để cụ thể hóachuẩn mực ngôn ngữ văn hóa trong xã hội hiện đại bằng những văn bản chính thức thích hợp.

Có thể áp dụng một số giải pháp cụ thể, chẳng hạn như: Có các phong trào, chiến dịch, cuộc vận động xây dựng ý thức và hành vi tự trọng dân tộctrong phạm vi toàn xã hội; Chấp nhậnhiện tượng chêm xen từ ngữ ngoại trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, cho biển hiện, thông tin quảng cáo; Khuyến khíchsự song ngữ của biển hiệu, tiêu đề: tiếng Việt trước, tiếng nước ngoài sau (khuyến cáo thực hiện quy định của nhà nước về việc sử dụng song ngữ); Có quy định chặt chẽ, cụ thểcho các phương tiện thông tin đại chúng, văn bản của cơ quan nhà nước, trong sách giáo khoa… chỉ chêm xen từ ngữ ngoại khi tiếng Việt thực sự không cócách diễn đạt tương ứng; với các cơ quan xuất bản, biên tập: có biện pháp kỉ luậtnội bộ đối với những sai phạm có tính hệ thống (nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo, cắt khen thưởng…).

Tài liệu tham khảo

Tiếng Anh

Wardhaugh R. (1989), An Introduction to Sociolinquistics. Cambridge , Basil Blackwell.

Tiếng Nga

Beliko V.I., Kyssin L.P (2001), Sociolongvisstika.Mosa, RGGU.

Tiếng Việt

Bùi Quốc Châu (2000), Một số suy nghĩ về đặc tính dân tộc Việt Nam . Trong “Tâm lí người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ”. Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr 171, 174.

Chu Huy (1996), Từ “nguyệt” trong thơ nôm Nguyễn Trãi.Trong t/c Ngôn ngữ & Đời sống, N 06, tr 10.

Dương Kỳ Đức (2003), Chuẩn ngôn ngữ và văn hoá ngôn hành.Trong Nội san Nhân dân, N 03, tr 53 - 56.

Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn - hoá sử - cương.Quan hải tùng thư.

Đoàn Văn Chúc (1997), Xã hội học văn hoá.Hà Nội, Nxb Văn hoá - Thông tin.

Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội. Những vấn đề cơ bản Hà Nội.nxb Khoa học xã hội.

Nguyễn Văn Kiệm (2003), Tính cách người dân Đàng Ngoài qua sự đánh giá của người ngoại quốc(thế kỷ XIX). Trong “Xưa & Nay, N 0137, tr 20 - 21, 40 - 41.

Trần Đình Hượu (2002), Các bài giảng về tư tưởng phương Đông,Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia. In lần thứ hai.

Vũ Hạnh (2002), Tìm hiểu một số biểu hiện tâm lí dân tộc qua những di chứng nô lệ.Trong “Tâm lí người Việt nhìn từ nhiều góc độ”. Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tp HCM, tr 88 – 98.

X.T.T (Huỳnh Thúc Kháng) (1929), Cái tánh di truyền của dân tộc ta.Trong báo Tiếng dân, N 0179. Đăng lại trong: Tia sáng, 2003, N 015, tr 45.

Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, 4 - 2008, tr 33

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.