Hệ thống cảm nhiệt tự động của một sinh viên
Đó là bạn Võ Văn Chín (sinh năm 1983 tại TP Hồ Chí Minh), hiện là sinh viên ngành Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên thuộc Trường ĐHNL TP Hồ Chí Minh.
Võ Văn Chín sinh trong một gia đình lao động nghèo có tám anh em. Hằng ngày, bố mẹ Chín phải đi làm thuê để góp phần lo cho việc học hành của các anh em Chín. Vì vậy, ngay từ nhỏ, các anh em của Chín đã phải nỗ lực rất lớn trong việc học, bằng cách vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Riêng Chín rất mê ngành Y nhưng do không có điều kiện để ôn tập thêm nên hai năm liền Chín thi vào Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đều không đỗ. Vì vậy bạn đã chọn nguyện vọng bổ sung là ngành Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên-một ngành học mới của Trường ĐHNL TP Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ vào tiếp đại học của mình.
Suốt thời sinh viên, Chín học tập rất tốt. Hằng ngày ngoài giờ học, Chín đến vườn ươm của nông dân, tập trung nghiên cứu các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất cây xanh, hoa cảnh tại đây.
Chín đã nhìn thấy một thực tế là đa số nông dân nghèo khi lập vườn ươm đều không đủ tiền mua một hệ thống cảm nhiệt tự động để sản xuất nhân giống. Vì vậy, bạn có suy nghĩ là sẽ nghiên cứu xây dựng một hệ thống cảm nhiệt tự động phục vụ sản xuất nhân giống bằng giâm cành và ươm cây con ở vườn ươm- tạm gọi là hệ thống "nhà kính". Sản phẩm "nhà kính" này khi ra đời có kích thước gọn nhẹ bảo đảm có giá thành hạ để nông dân có thể dễ dàng trang bị cho các vườn ươm của mình.
Nghĩ là làm, từ tháng 3-2004, Chín nêu ý tưởng của mình và được sự ủng hộ của thạc sĩ Phạm Văn Thịnh, giảng viên bộ môn. Chín đã rủ thêm một số bạn trong bộ môn cùng nghiên cứu thực hiện đề tài. Thế nhưng, do lĩnh vực nghiên cứu này quá chuyên sâu về điện và cơ khí nên một thời gian sau, các bạn đều bỏ cuộc chỉ còn lại mình Chín.
Khó khăn chồng chất, vừa lo việc học vừa đi làm thêm để kiếm sống nhưng Chín vẫn cố gắng thực hiện đề tài. Đến tháng 9-2005 thì hệ thống hoạt động của "nhà kính" hoàn thành.
Hệ thống của Chín chế tạo đơn giản gồm có: một r ơ-le nhiệt, một cái quạt hút và một cái quạt đẩy được đấu theo mạch điện. Khi nhiệt độ tăng cao hơn mức giới hạn thì r ơ-le sẽ đóng mạch điện. Lúc này, hai cái quạt sẽ hoạt động để tạo sự thoáng khí còn máy bơm sẽ phun sương để tăng độ ẩm. Từ đó, nhiệt độ trong nhà kính sẽ hạ xuống. Các thiết bị điện được bắt song song với nhau, và nối tiếp với r ơ-le nhiệt. Khi đóng mạch điện thì các thiết bị điện được điều khiển bởi r ơ-le nhiệt có tác dụng như một công tắc tự động. Khi nhiệt độ tăng cao vượt ra khỏi giới hạn thì r ơ-le sẽ đóng mạch điện, kích hoạt các thiết bị điện hoạt động, còn khi nhiệt độ hạ xuống trong khoảng giới hạn thì r ơ-le sẽ ngắt mạch và các thiết bị điện sẽ ngưng hoạt động.
Đề tài nghiên cứu của bạn trẻ Võ Văn Chín đã được các chuyên gia đánh giá khá cao vì có khả năng ứng dụng cao đối với loại hình sản xuất hộ gia đình. Ngay sau khi đề tài được trao giải thưởng Eureka TP Hồ Chí Minh lần 7, Ban giám đốc của Trung tâm khoa học công nghệ trẻ - Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh đã gặp Chín và đại diện của Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh để "đặt hàng" tác giả tiếp tục hoàn thành nhằm chuyển giao cho nông dân với giá rẻ...
Riêng TS Đinh Quang Diệp, Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên của trường đã nhận xét về SV này: Đây cũng là lần đầu tiên một bộ môn mới vừa được thành lập đã có kết quả cao nhất trong một cuộc thi khoa học. Riêng Chín, dù bản thân em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua và đạt kết quả cao nhất, em xứng đáng là một tấm gương sáng cho các bạn sinh viên của trường noi theo.
Hiện tại, Chín đang chuẩn bị cho việc bảo vệ luận văn tốt nghiệp ra trường (tháng 6-2006) với đề tài "Khảo sát và đề xuất bảo tồn cây xanh ở TP Hồ Chí Minh". Chín cũng tâm sự là sau khi rời trường, bạn sẽ đi kiếm việc ngay để có thu nhập phụ giúp gia đình.
Nguồn: nhandan.com.vn