Hệ thống báo chí Liên hiệp hội: Một số vấn đề phát triển trong thời kỳ chuyển đổi
Với bối cảnh như vậy thì quả thực báo chí của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) thời gian qua đã làm đựợc cái mà đất nước Việt Nam đang cần tới trong quá trình chuyển đổi. Tính đến hết tháng 5 năm 2006, sau sự xuất hiện của tạp chí “Thực phẩm và Đời sống”, tổng số báo, tạp chí và các loại bản tin trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam là 158 loại ấn phẩm với 5 tờ báo, 67 tạp chí, 58 bản tin và 12 trang Web đề cập tới hầu như tất cả các khía cạnh khác nhau của khoa học và đời sống, trong đó có 35 tờ được tính điểm công trình. Một con số có thể nói là đồ sộ nếu xét về mặt hệ thống trong làng báo Việt Nam. Tuy nhiên, như là tác động của một hệ thống, hiệu quả của nó còn có thể tăng lên nhiều lần tuỳ thuộc vào sự chuyển đổi của từng phần tử hệ thống cũng như vào sự hoàn thiện mối quan hệ giữa các phần tử với nhau trong khi vẫn giữ được tính tự trị (Autonomy) của từng phần tử. Và điều này cũng cần thiết cho một thời kỳ mà độc giả đã giàu có hơn, kỹ tính hơn và có khả năng lựa chọn lớn hơn.
Theo tác giả, có bốn vấn đề mà từng tờ báo, tạp chí, bản tin (gọi chung là tờ báo) của Liên hiệp hội Việt Nam hiện nay cần cân nhắc tới.
Trước hết, đó là định hướng của tờ báo: là một tờ phục vụ cho đông đảo bạn đọc hay phục vụ chuyên sâu cho một nhóm chuyên gia nhỏ. Điều này hết sức quan trọng vì nó định hướng cho sự phát triển của tờ báo cũng như định hướng tới nguồn tài chính cho hoạt động. Những tờ chuyên sâu có mục tiêu là làm sao cho chất lượng chuyên môn ngày càng cao hơn, đạt chuẩn quốc tế hơn nhưng số phát hành sẽ không thể được nhiều. Tài chính của các tờ này thường lấy từ các nguồn tài trợ: ở trong nước hay nghiêng về phía bao cấp của nhà nước còn ở nước ngoài thì chủ yếu trông chờ vào sự đóng góp của các cá nhân đăng bài hay sự tài trợ của các quỹ (kể cả từ nhà nước) hay các nhà hảo tâm. Còn những tờ nhằm vào đông đảo bạn đọc sẽ có mục tiêu là phổ cập kiến thức khoa học và nguồn tài chính, do vậy, cũng trông chờ ở bán báo và quảng cáo.
Đơn giản là thế nhưng khi điểm qua các báo của Liên hiệp hội Việt Nam thì dễ thấy rằng trong phần lớn các báo đó nổi bật lên là sự ngập ngừng giữa hai định hướng nêu trên, mỗi thứ một tý. Nhiều khi trong tờ báo có những bài chuyên môn rất sâu và cũng có những bài thực sự là không dính dáng gì tới định hướng của tờ báo cả. Và sự không rạch ròi này làm cho cả hai nhóm đối tượng đều không được thỏa mãn “mười phần như ý”.
Tiếp đó, như là hệ quả của vấn đề thứ nhất, nổi lên câu chuyện thứ hai: Ai sẽ là người viết cho các tờ báo của Liên hiệp hội Việt Nam. Đối với nhóm tạp chí chuyên sâu thì thực tế là do số lượng người đọc và người viết đều không nhiều nên việc có đủ bài vở với chất lượng khoa học đạt chuẩn luôn luôn là nhu cầu trước hết. Hơn thế, muốn có một bài viết tốt đòi hỏi phải có các nghiên cứu đi cùng, điều mà kinh phí hoạt động khoa học hiện không cho phép. Trong khi đó đối với nhóm kia thì chúng ta hầu như không có và không đào tạo các phóng viên chuyên nghiệp để làm việc này. Một phóng viên viết cho tờ “Nhân dân” có thể chuyển sang viết cho tờ “Lao động”, phóng viên tờ “Lao động” có thể viết cho “Tuổi trẻ” và ...cứ thế, nhưng để viết kiểu phổ biến kiến thức khoa học có chất lượng thì quả là còn rất nhiều chuyện chưa thể làm ngay được. Vậy là các tờ báo phổ biến khoa học phải trông chờ rất nhiều ở các bài dịch và luôn bị ám ảnh bởi mặc cảm không đáp ứng được thực tế Việt nam.
Vấn đề tiếp theo ở đây là hệ thống phát hành các báo của Liên hiệp hội phần nhiều là không chuyên nghiệp. Rất ít báo của Liên hiệp hội đứng đựơc vào một hệ thống phân phối chuyên nghiệp nào đó và các tổng biên tập, đa phần là những nhà khoa học khả kính, rất lúng túng với thương trường. Còn các nhà phân phối chuyên nghiệp cũng rất lúng túng với hệ thống báo chí Liên hiệp hội vì khó xác định được đối tượng mà các tờ báo nhằm tới và họ cũng không có kênh nào để điều chỉnh nội dung tờ báo đáp ứng được các tín hiệu thị trường. Hơn thế, với số lượng phát hành ước chừng chỉ khoảng một vài nghìn thì quả thực chẳng có nhà phân phối nào làm gì đựơc.
Cuối cùng, với một số tờ báo tạm gọi là thành công trên thương trường thì sự gia nhập WTO đang đặt ra câu chuyện sát sườn: tồn tại như thế nào trong một cuộc chơi toàn càu khốc liệt. Nhất là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nơi mà gần như không có rào cản của ranh giới quốc gia, nơi mà hai lần hai là bốn đúng ở chúng ta cũng như đúng ở nước Mỹ. Một ví dụ đơn giản là PC World Việt nam sẽ cũng toàn cầu hóa hệt như PC World thôi. Hoặc là trong chuyện ô tô thì sự khác nhau giữa người Nhật và người Việt nam có lẽ chỉ còn là ưa thích nước sơn nào hơn nước sơn nào với giá như thế nào. Vậy đâu là kẽ hở để những tờ báo của Liên hiệp hội đáp ứng nhu cầu thị trường?
Ở cấp độ toàn hệ thống, nếu chúng ta tạm gọi các báo chí Liên hiệp hôi là như vậy, vấn đề ở giai đoạn chuyển đổi này hiện cũng rất giản dị: làm thế nào để các tờ báo có thể hỗ trợ được nhau trong các hoạt động của mình trong khi lĩnh vực của mỗi tờ là mỗi khác nhau. Câu trả lời cũng không khó lắm: các tờ báo của Liên hiệp hội cần có những cấu thành đồng dạng với nhau để có thể lắp ghép được trong một cuộc chơi tổng thể hơn, điều sẽ đưa đến sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các tờ báo là có thể thực hiện được.
Nhưng thực hiện việc định chuẩn để cho các tờ báo của Liên hiệp hội có thể tương thích với nhau về cơ cấu không thật đơn giản. Để làm việc này cũng lại có bốn vấn đề nên được xử lý càng nhanh càng tốt.
Trước hết, nghiệp vụ báo chí cho các cán bộ các toà soạn là nhất thiết phải được nâng cao. Các phóng viên của chúng ta phần nhiều đều là các cán bộ khoa học chuyển sang làm báo. Một sự cung cấp các kỹ năng làm báo cơ bản sẽ giúp cho họ làm tốt hơn công tác hiện nay của mình và đồng thời tạo khả năng chu chuyển cán bộ cao hơn trong hệ thống báo của Liên hiệp hội, diều cho phép nâng cao rất nhiều tính đa dạng trong xử lý thông tin khoa học và tăng nguồn nhân lực đang khan hiếm của các tờ báo khoa học hiện nay.
Thứ hai, trừ các tờ tạp chí chuyên sâu, định hướng thị trường nên được quán triệt mạnh mẽ hơn. Sẽ đến lúc, như ở Trung quốc, nhà nước sẽ không bao cấp cho báo chí nữa. Và cũng như ở Trung quốc, các tờ báo thuộc hệ thống Liên hiệp hội có lẽ sẽ là những tờ phải đối mặt với thị trường trần trụi đầu tiên. Vậy thì vấn đề kinh tế báo chí trong cơ chế thị trường sẽ là những kiến thức cần được cập nhật cho các cán bộ trong hệ thống báo chí Liên hiệp hội. Ở đây bài toán đầu tư tới hạn, cơ cấu sở hữu, các chi phí có thể và không thể là những nội dung cần được đề cập tới trước tiên.
Thứ ba, nếu các tờ báo đã có định hướng thị trường thì hệ thống phát hành cũng nên được xây dựng chung cho cả hệ thống. Vì đặc thù của hệ thống báo chí Liên hiệp hội nên hệ thống phát hành của nó cũng có những nét riêng. Nhưng khi đó liệu từng tờ báo riêng lẻ có tuân thủ tín hiệu chung do hệ thống phát hành đòi hỏi hay không chính là câu chuyện cần giải quyết.
Cuối cùng, hội nhập là một quá trình rất đau đớn và khốc liệt. Để có thể cạnh tranh được phải có sự chuẩn bị tích cực từ phía các cơ quan chủ quản tờ báo cũng như bản thân các tờ báo. Hình thành nên một hay một nhóm vài tờ đủ mạnh để đứng đầu và bảo trợ cho các báo chí Liên hiệp hội trong quá trình hội nhập có thể là một giải pháp khả thi trong lúc này. Vậy những tờ báo nào sẽ là những tờ được lựa chọn để đảm nhận sứ mạng này nên được xác định sớm?
Và toàn bộ câu chuyện phát triển sắp tới của hệ thống báo chí Liên hiệp hội có lẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta giải đáp những bài toán ở cấp độ phần tử cũng như ở cấp độ hệ thống như thế nào. Tạm thời vào lúc này là như vậy.
* Phó Tổng thư ký Liên hiệp hội Việt Nam