Hạn chế rào cản về mặt hành chính với nhà khoa học trẻ
Thiết lập thang điểm để phân loại nhà khoa học
Đối với nhà khoa học, không nên dùng từ đãi ngộ. Đãi ngộ mang nghĩa trao cho họ “đặc quyền đặc lợi” hoặc một sự “Ưu tiên đặc biệt” nào đó. Để phát huy hết khả năng của các nhà khoa học, điều quan trọng là tạo điều kiện cho họ được làm việc và được trả thù lao xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Mức lương đưa ra trong đề án “Một số chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ giai đoạn 2006-2010” do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo từ 1000 đến 2000 USD/tháng không phải yếu tố quyết định. Tuy nhiên cũng không nên coi nhẹ vấn đề thù lao cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là những người thực sự có tài năng. Họ không thể đạp xe đạp, hay sống một cuộc sống kham khổ để đi làm khoa học. Nhà nước nên đề ra một mức lương nhất định đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm làm việc. Vừa nghiên cứu họ vừa phải lo cơm áo gạo tiền thì nghiên cứu đó sẽ không đi đến đâu cả.
Để có thể trả công xứng đáng cho từng nhà khoa học, điều cần thiết phải thiết lập thang điểm để phân loại và đánh giá khả năng của từng nhà khoa học. Tài năng của các nhà khoa học phải dựa trên chất lượng của các công trình khoa học mà họ đã từng tham gia, chất lượng và số bài báo khoa học mà họ đã công bố. Các cán bộ khoa học trẻ cần phải được bố trí công việc theo khả năng chuyên môn, sở trường và nguyện vọng ngay sau khi họ rời ghế nhà trường. Họ chỉ thực sự phát huy hết khả năng của mình khi được đưa vào các nhóm nghiên cứu phù hợp sở trường và nguyện vọng của mình.
Thành lập ngân hàng các nhà khoa học
Cơ hội cho các nhà khoa học trẻ tài năng chủ trì các đề tài dự án lớn đã dần được cải thiện nhiều, song cũng còn cần nhiều thời gian mới đạt được cái đích mong muốn. Đã đến lúc việc xét duyệt đề tài cần phải dựa trên các tiêu chí đánh giá về khoa học của đề tài và khả năng chuyên môn thực sự (các công trình khoa học) các nhóm các nhà nghiên cứu thay vì sự đánh giá dựa trên cương vị quản lý hành chính của các thành viên trong nhóm nghiên cứu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị khoa học của đề tài và là yếu tố động viên khích lệ quan trọng đến các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ không giữ một cương vị quản lý hành chính nào.
Theo tôi để giúp cho việc đánh giá và chọn lựa khách quan các đề tài, dự án khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ nên thành lập ngân hàng các nhà khoa học. Ngân hàng này bao gồm các nhà khoa học rất chuyên sâu thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau. Việc chọn lựa các nhà khoa học cho ngân hàng này sẽ căn cứ vào số các công trình khoa học mà họ đã công bố trong lĩnh vực đó chứ không phụ thuộc vào tuổi tác hay cương vị quản lý. Ngân hàng này không cố định mà thay đổi hàng năm, trong đó một số cán bộ khoa học sẽ bị loại ra một số sẽ được bổ sung. Trên cơ sở dữ liệu của ngân hàng chất xám này các đơn vị quản lý khoa học quyết định người chủ trì thông qua việc xin ý kiến của các nhà khoa học chuyên sâu thuộc lĩnh vực tuyển chọn qua mạng thư, fax hay mạng internet mà chỉ có các thành viên mới tiếp cận được qua mã số. Nhờ đó mà đề tài khoa học sẽ được chọn lựa một cách khách quan, trao đúng người đúng việc và lẽ dĩ nhiên là tính khả thi và hiệu quả sẽ cao thay vì việc tuyển chọn bằng cách đấu thầu như hiện nay.
Ràng buộc bằng chính công việc nghiên cứu
Muốn để các nhà khoa học trẻ phát huy khả năng trong nghiên cứu cần hạn chế tối đa các hàng rào ngăn cản về mặt hành chính tạo điều kiện cho họ tự do đề xuất ý tưởng và bảo vệ ý tưởng khoa học của mình. Các ý tưởng đó cần phải được đánh giá khách quan bằng hội đồng khoa học chuyên ngành gồm những chuyên gia am hiểu tường tận về lĩnh vực đó. Rào cản về hành chính trong khoa học sẽ dễ đem lại cho họ sự nản chí thoái lui.
Tại Trường đại học Y Hà Nội, từ năm 2004 chúng tôi bước đầu thành lập nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học trẻ, cùng chí hướng. Nhóm của chúng tôi không bị ràng buộc bởi những thủ tục hành chính mà tự ràng buộc với nhau bằng chính công việc nghiên cứu. Bởi lẽ không có sự ràng buộc nào hiệu quả bằng chính mình ràng buộc mình. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi làm việc rất linh động, bao gồm các thành viên ở các bộ môn y học cơ sở, bệnh viện và kể cả các thành viên hiện đang học tập và công tác ở nước ngoài. Chúng tôi hỗ trợ nhau về tài liệu, kỹ thuật, trang thiết bị hoá chất và kể cả kinh phí trong đào tạo và nghiên cứu. Thông qua hoạt động này, các cán bộ khoa học trẻ trưởng thành lên rất nhiều và thực chất đây cũng là hình thức chuyển giao công nghệ và kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp.
Nguồn: KH & ĐS, số 20 (1842), 10/3/2006, tr 5