Hầm biogas… ông Gặp
Nhà nghiên cứu lớp 2
Sinh năm 1942, trong một gia đình thuần nông huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, nhà nghèo nên ông Gặp không có điều kiện đi học, chỉ theo được hết hớp 2 thì phải bỏ ngang và phụ giúp gia đình mưu sinh. Làm nông, thợ điện, phụ hồ, phu khuân vác… tất cả ông đã từng trải qua.
Cuộc sống khắc khổ đã khiến ông già hơn nhiều so với tuổi. Hiện nay ông Trương Gặp là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng sinh học, trực thuộc Liên hiệp các hội KH & KT Đà Nẵng. TS Đoàn Ngọc Đấu - Chủ tịch Liên hiệp hội cho biết: “Mặc dù mới học hết lớp 2, nhưng kinh nghiệm, sự hiểu biết và cống hiến trong lĩnh vực năng lượng sinh học, cụ thể là biogas thì ông là bậc thầy”. Trung tâm của ông đã đón nhận nhiều sinh viên đến từ các trường đại học trong nước và cả sinh viên Pháp đến làm việc, học tập và nghiên cứu về năng lượng biogas mà ông là một trong những người hướng dẫn trực tiếp.
Hầm biogas theo thiết kế của ông Gặp đang được xây dựng tại một trại chăn nuôi |
Năm 1980, khi đang làm nhân viên phục vụ cho khách sạn Đà Nẵng, một lần ông Gặp được trả công một chiếc bật lửa gas sau một ngày giúp chuyên gia nước ngoài đánh cờ giải trí. Ông nhớ lại: “Hồi nớ nghèo quá mình định bán cái bật lửa rồi mua gạo nuôi con. Từ ngọn lửa xanh của chiếc bật lửa gas lại liên tưởng đến ngọn lửa xanh của mô hình biogas mà có lần mình đã nhìn thấy”. Chiếc bật lửa đã đánh thức sự khao khát khám phá khoa học trong ông và từ đó ông Gặp bắt tay vào nghiên cứu xây dựng hầm biogas theo cách của riêng mình. Mô hình hầm biogas thời bấy giờ rất nhiều nhược điểm như: mùi hôi, vận hành, sử dụng khó khăn và rất mất vệ sinh… Lọc lại tất cả ký ức và kiến thức góp nhặt được trong suốt thời gian lăn lộn kiếm sống, ông đã khắc phục được các nhược điểm ấy của hầm biogas.
Hầm biogas… ông Gặp
“Ngó như ri chớ tui đố anh mang về làm được đó” - vừa nói ông Gặp vừa đưa cho tôi xem bản vẽ thiết kế hầm biogas mà ông đang triển khai cho một trại chăn nuôi. “Để thi công hầm biogas hiệu quả và đảm bảo chất lượng không chỉ đơn thuần về mặt xây dựng mà còn phải biết mục đích, đặc điểm, quy mô của cơ sở đó như: nuôi con gì, cho ăn ra sao… để thiết kế cho phù hợp”. Nếu làm cho cơ sở giết mổ thì phải xây dựng và tính toán khác. Nếu trang trại chăn nuôi thì khác. Nuôi trâu, bò, lợn, gà thì càng khác và cho ăn bằng thức ăn gì thì cũng khác. Nhiều người đã “mượn tạm” mô hình của ông để làm, nhưng rồi cũng phải tìm đến ông, vì không thể đảm bảo các tiêu chuẩn của hầm biogas.
Hiện ông Gặp đã chế tạo thành công bộ ván khuôn dùng để xây các nắp vòm hầm biogas.
Bây giờ hầm biogas ông Gặp đã trở thành thương hiệu quen thuộc của những người có nhu cầu xây dựng. Mặc dù chỉ là “tay ngang” trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhưng ông đã thành công và xứng đáng là tấm gương “vượt khó” để mọi người noi theo.
Nguồn: KH & ĐS, số 33 (1855), 24/4/2006, tr 3