‘Hai lúa’ trở thành ‘vua nhân giống lúa’
Quyết tâm học hỏi để thoát nghèo
Trước năm 1995, ông Ngô Khuê là nông dân nghèo, mọi chi tiêu trông chờ vào 7 công đất hương hoả. Kể từ khi huyện Thanh Bình chủ trương sản xuất lúa giống vào năm 1995 để cung cấp cho nông dân trong huyện, ông có mặt đều đặn ở các lớp tập huấn IPM do huyện tổ chức. Rồi ông bắt đầu mày mò sản xuất lúa giống cung cấp cho thị trường. Làm riết và mê nó lúc nào chẳng biết. Lợi nhuận hàng năm ông đều đầu tư vào việc sang nhượng đất nông nghiệp nhằm mở rộng quy mô. Từ 7 công đất ban đầu, đến năm 2000, quỹ đất sản xuất lúa giống của ông đã lên đến 26 công và đạt 35 công công vào năm 2005. Năm 1996, sau một năm bắt tay vào sản xuất lúa giống, ông Ngô Khuê được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Con đường thoát nghèo của ông đã trở thành hiện thực.
Người ‘nông dân-trí thức’
Sản xuất thành công lúa giống cung cấp cho bà con nông dân trong huyện, ngoài việc liên kết với trại giống An Phong ở huyện Thanh Bình, phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và Kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp, ông Ngô Khuê bắt đầu mở rộng quan hệ với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam . Ông cứ như con thoi giữa dòng chảy sống động của nền kinh tế thị trường, lúc ở viện này, khi ở trung tâm nọ. Sau 5 năm (1995-2000) tìm tòi học hỏi để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, ông đã có được một quy trình khép kín trong việc lai tạo và sản xuất lúa giống, từ thí nghiệm đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên thục là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh từ năm 1996-2000, ông Ngô Khuê vinh dự là đại biểu dự Đại hội Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc tại thủ đô Hà Nội năm 2000.
Trở thành “vua” sản xuất lúa giống, khách hàng của ông không chỉ là bà con nông dân mà còn có cả các tramj, trại, trung tâm trong và ngoài tỉnh. Trước năm 2000, do chưa có pháp lệnh về giống cây trồng, nên “vua” phải núp bóng pháp nhân của các trạm, trại để sản xuất lúa giống bằng cách liên kết với họ. Nghị định 07 về việc cho phép tư nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây trồng ra đời năm 2001, ông Ngô Khuê như được cởi trói. Được các kỹ sư nông nghiệp mách bảo và hướng dẫn, năm 2002 doanh nghiệp tư nhân sản xuất lúa giống chất lượng cao Ngô Khuê ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của “người nông dân trí thức” này. Năm 2002 lúa giống của ông cung cấp cho thị trường đã lên đến 100 tấn mà vẫn không đáp ứng đủ số lượng đặt hàng. Ông chủ doanh nghiệp lúa giống Ngô Khuê bắt đầu thực hiện sự liên kết để mở rộng quy mô bằng cách thành lập tổ sản xuất lúa giống chất lượng cao gồm 15 thành viên đều là nông dân ở hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Ông còn nhờ Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Viện hệ thống canh tác Khoa nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ mở các lớp tập huấn.
Nhờ đó, giống lúa của doanh nghiệp Ngô Khuê tăng từ 100 tấn năm 2002 lên 400 tấn năm 2004 và đạt 800 tấn trong năm 2005.
Tiếng lành đồn xa
Hiện tại, ông Ngô Khuê đã thiết lập được một hệ thống đại lý lúa giống của mình ở các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để đảm bảo quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, ông mời phòng kiểm nghiệm của Chi cục bảo vệ thực vật Đồng Tháp đến để kiểm định hàng trước khi đóng bao xuất xưởng với đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng: Tỷ lệ nẩy mầm > 80%; độ ẩm 13-13,5%; độ sạch: 99%, trọng lượng, nguồn gốc giống, nơi sản xuất, họ tên - địa điểm và số điện thoại của người sản xuất trên bao bì rất rõ ràng, minh bạch kèm theo một tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật ngâm ủ, gieo mạ, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hết sức chi tiết.
Khu vực sản xuất lúa giống của ông Ngô Khuê rất chuyện nghiệp. Toàn bộ 35 công đất (35.000m2) sản xuất giống nguyên chủng được quy hoạch thành hai phần: phần diện tích bên ngoài bao bọc xung quanh được dùng để sản xuất lúa nguyên chủng với chức năng bảo vệ toàn bộ diện tích thí nghiệm. Lúa giống của ông thí nghiệp để đưa vào sản xuất lúa cấp xác nhận cung cấp cho nhu cầu thị trường là dòng thuần (cấp nguyên chủng). Kể từ ngày thành lập sản xuất giống lúa năm 2002 đến nay, ông chỉ chuyên tâm vào thí nghiệm sản xuất lúa giống nguyên chủng, còn các thành viên tổ sản xuất lúa giống có nhiệm vụ nhận lúa dòng thuần (F3) về sản xuất lúa giống cấp xác nhận. Ngoài ra, ông Ngô Khuê còn tham gia tuyển chọn các giống lúa đặc sản và phục tráng giống.
Là người sản xuất lúa giống giỏi số một ở đồng bằng sông Cửu Long, ông được mời dự hội thảo quốc tế tại Malaixia vào tháng 2/2004, tại Trung Quốc vào tháng 8/2004 và hội thảo quốc tế về sản xuất lúa gạo của các nước Đông Á tại vương quốc Campuchia.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Ngô Khuê còn đứng ra tổ chức hội thảo khoa học “Giống lúa đồng bằng sông Cửu Long” cho 170 đại biểu của 13 tỉnh, thành trong khu vực vào ngày 30/7/2005 được các viện, trường và sở nông nghiệp phát triển nông thôn các tỉnh đánh giá rất cao. Nhằm đảm bảo quyền lợi của mình và khách hàng, năm 2005, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống lúa Ngô Khuê đã hoàn tất hồ sơ đăng ký thương hiệu “Lúa giống Ngô Khuê” cho sản phẩm của mình.
Điều băn khoăn nhất của ông Ngô Khuê là làm thế nào để hỗ trợ cho nông dân phần chênh lệch 0,5kg giữa lúa giống cấp xác nhận với lúa giống thịt (1kg lúa cấp xác nhận bằng 1,5 kg lúa thịt) để người dân có điều kiện sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Làm thế nào để người nông dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật với canh tác lúa…
Nguồn: KH&ĐS, số 31, 17/4/2006