Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 01/04/2014 22:36 (GMT+7)

Hà Huy Tập - Một nhà lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương

1.Khi đặt vấn đề Tổng Bí thư Hà Huy Tập có phải là một nhà lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương hay không? Một số người nói "phải". Một số người nói "không phải". Tôi nghĩ rằng, Hà Huy Tập đích thực là một nhà lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bởi mấy lẽ:

- Khái niệm "lý luận", xuất phát từ chữ Hy Lạp: "theoria, theorein", có nghĩa là "quan sát, nghiên cứu". Hà Huy Tập là người quan sát tốt và nghiên cứu giỏi. Lý luận là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên và xã hội đã tích luỹ được trong quá trình lịch sử, tư tưởng chủ đạo trong một lĩnh vực tri thức mà nhà chính trị, nhà khoa học đã nghiên cứu. Cũng như khoa học, sức mạnh của lý luận chính là tầm khái quát và tính tổng kết cao của nó.- Với Hà Huy Tập, lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin bao giờ cũng được gắn với thực tiễn cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương. Đây là một trong những vấn đề cơ bản để khẳng định Hà Huy Tập là một nhà lý luận. Hà Huy Tập đã gắn bó và tạo mối liên hệ giữa lý luận Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Lý luận và thực tiễn đó, luôn luôn tác động vào nhau. Trong sự gắn bó và mối liên hệ này, Hà Huy Tập luôn luôn xem thực tiễn của cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương là yếu tố quyết định và lý luận Mác - Lênin mang tính chất vạch phương hướng.

- Cơ sở lý luận của Hà Huy Tập được quyết định bởi thời gian học tại Trường Đại học Phương Đông, Liên Xô, từ năm 1929 đến năm 1932. Suốt 3 năm học tập, Ông đã nghiên cứu khá sâu tác phẩm lý luận "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" của C.Mác và Ph.Ăngghen, "Những nguyên lý của chủ nghĩa Cộng sản" của Ph.Ăngghen, bộ "Tư bản" của C.Mác, những bài viết của V.I.Lênin bàn về chủ nghĩa Mác,... Tiếp đó, Ông cũng đọc cả tác phẩm dày trang của I.V. Xtalin: "Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin", một cuốn sách trình bày về chủ nghĩa Lênin theo quan điểm nhận thức của Xtalin. Môn học mà Hà Huy Tập thích nhất là chính trị.- Hà Huy Tập là nhà trí thức cách mạng, được đào tạo bài bản, lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm rõ ràng. Chính vì vậy, Ban Bí thư Phương Đông thuộc Quốc tế Cộng sản đánh giá Ông "là một người tích cực, chín chắn, đã được đào tạo tốt về phương diện chính trị,... là một chiến sĩ tích cực của xứ Đông Dương " 1.

2.Nội dung lý luận chính trị mà Hà Huy Tập quán triệt là vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Ông nhận định tính tất yếu của đấu tranh giai cấp bắt nguồn từ sự đối lập căn bản về tình cảnh kinh tế, chính trị của hai giai cấp trong xã hội là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Sự đối lập này, không phải do phía giai cấp công nhân, mà do những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa gây ra. Vì vậy, cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản là cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Theo Hà Huy Tập, giai cấp công nhân chỉ có thể ngừng đấu tranh khi nào họ xoá bỏ được hoàn toàn giai cấp bóc lột, thực hiện xã hội không có giai cấp, xã hội cộng sản. Ông nhận thức sâu sắc chỉ có tham gia tích cực cuộc đấu tranh giai cấp, giai cấp công nhân mới có được ý thức giai cấp rõ rệt của mình. Đảng Cộng sản đóng vai trò to lớn trong lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp. Chỉ có cuộc đấu tranh triệt để của nhân dân lao động chống sự thống trị của chủ nghĩa tư bản mới dẫn đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới, độc lập dân tộc, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Hà Huy Tập nhận thức rằng, vấn đề đấu tranh giai cấp là một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu tách khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, thì chủ nghĩa xã hội chỉ là một câu nói suông, hay là một giấc mơ về sự tốt đẹp. Nhận thức này thể hiện sự vững vàng về lập trường tư tưởng của Hà Huy Tập, nhưng phần nào lại rơi vào tư tưởng "tả" khuynh, khi Ông không đặt vấn đề giai cấp phải gắn với vấn đề dân tộc. Đấu tranh giai cấp riêng rẽ sẽ bị đơn độc và cuộc đấu tranh ấy rất khó giành được thắng lợi cuối cùng.

Một mảng lý luận mà Hà Huy Tập thường sử dụng là lý luận - lịch sử. Lý luận - lịch sử chính là lý luận gắn với thực tiễn, gắn với cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Một trong những biểu hiện của mảng lý luận này là Hà Huy Tập đã biên soạn một cuốn sách có giá trị: "Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương", viết năm 1933, bằng tiếng Pháp, với bút danh Hồng Thế Công. Chính cuốn sách này đã đưa Hà Huy Tập trở thành một nhà lịch sử - lý luận. Trong lời "Cùng bạn đọc" cũng của tác giả Hồng Thế Công, in trong cuốn sách này, viết: "Chúng tôi viết cuốn sách này trong một hoàn cảnh vội vàng và khó khăn. Đây chỉ là một bản phác thảo đầu tiên, một loại lược khảo về lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương. Tất nhiên, nó sẽ có nhiều thiếu sót, bởi vì, khi biên soạn, chúng tôi không có đầy đủ tư liệu chính xác. Vả lại, trước khi bắt tay vào viết, chúng tôi thiếu ngay cả những phương hướng chỉ đạo cần thiết nữa. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hy vọng nó có thể bổ ích cho các đảng viên trẻ và công nhân cách mạng khi họ tìm hiểu lịch sử Đảng ta, giúp họ tránh những sai lầm cũ và học tập những kinh nghiệm mới trong 3 năm đấu tranh dũng cảm của nhân dân lao động Đông Dương và của tổ chức lãnh đạo họ là Đảng Cộng sản Đông Dương mang lại" 2.

Hồng Thế Công nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Đông Dương sau khi chính đảng của giai cấp công nhân ra đời. Nguyên nhân dẫn đến những thắng lợi đó, trước hết là do có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng đã chuyển biến trong phong trào công nhân Đông Dương, từ tự phát sang tự giác. Mỗi cuộc đấu tranh thường làm ngòi nổ cho những cuộc đấu tranh khác. Những thắng lợi bộ phận ở trong một nhà máy, xưởng công nghiệp thường là khởi điểm cho một loạt những cuộc đấu tranh khác, là niềm cổ vũ và niềm kiêu hãnh thúc đẩy mọi người vùng lên đấu tranh.

Bằng sự phân tích sâu sắc, Hồng Thế Công nêu bật vai trò to lớn và tinh thần trách nhiệm cao của các uỷ viên Trung ương Đảng. Họ đã hoạt động trong sự khủng bố rất ác liệt của địch. Cái chết kề bên, nhưng họ vẫn vững vàng trước mọi thử thách. Họ đều là những người có bản lĩnh chính trị, gan vàng, dạ sắt. Tuy nhiên, hầu hết các uỷ viên Trung ương lúc này đã bị bắt, bị giết, cho nên Ban Chấp hành Trung ương Đảng không lãnh đạo được toàn bộ phong trào cách mạng trong cả nước. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, các tổ chức cộng sản ở các địa phương vẫn kiên trì lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

Hồng Thế Công viết: "Sau khi Quốc dân Đảng thất bại trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, còn lại một mình Đảng Cộng sản Đông Dương trên vũ đài cách mạng, cho nên chỉ có Đảng là người tổ chức quần chúng đấu tranh" 3. Trong đấu tranh, đảng viên cộng sản đóng vai trò nòng cốt. Họ là những người khởi xướng những cuộc bãi công và biểu tình. Họ đã diễn thuyết trong các cuộc bãi công và đi đầu trong các cuộc biểu tình, nêu tấm gương trước quần chúng. Chính họ là cốt cán trong các đoàn cảm tử xông lên phía trước, mặt đối mặt với kẻ thù, không sợ đầu rơi, máu chảy. Hồng Thế Công nhận xét: "Mặc dù có nhiều nhược điểm và thiếu sót, Đảng ta vẫn đóng vai trò tiên phong lớn lao trong phong trào cách mạng" 4.

Về lý luận đấu tranh, Hồng Thế Công phân tích, Đảng đã dựa vào lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin mà phát triển lên cho phù hợp với hoàn cảnh của tình hình Đông Dương. Lý luận mở đường chỉ lối. Thực tiễn bám sát phong trào. Qua thực tiễn đấu tranh, Đảng rút kinh nghiệm, tổng kết thành lý luận. Vấn đề nổi trội lên là từ đấu tranh kinh tế, thể hiện qua các cuộc bãi công, đã chuyển sang đấu tranh chính trị. Khi chuyển sang đấu tranh chính trị là đã thể hiện về chất của các cuộc đấu tranh, có nghĩa là Đảng đã biết đưa quần chúng lao động đến một trình độ đấu tranh cao hơn trước kia. Nói chung, phong trào công nhân đã đem lại nhiều bài học phong phú cho Đảng ta. Qua đấu tranh, Đảng đã phát triển mạnh mẽ trong nhân dân lao động.

Bên cạnh phong trào công nhân, phong trào nông dân cũng nổi lên mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giai cấp nông dân đấu tranh không những vì quyền lợi của bản thân họ, mà còn vì quyền lợi của cả giai cấp công nhân.Bằng sự quan sát tinh vi, Hồng Thế Công luận chứng rằng, trong quá trình đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như giai cấp công nhân, giai cấp nông dân đã chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác.

3.Về phương pháp nghiên cứu lý luận của Hà Huy Tập là đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lôgích và lịch sử, trong đó, lấy lôgích làm nền tảng để phân tích và lấy lịch sử để chứng minh.

Hà Huy Tập đặc biệt coi trọng tổng kết lý luận. Với Ông, bất cứ một diễn biến nào xảy ra trong Đảng, bất cứ một diễn biến nào xảy ra trong cuộc đấu tranh cách mạng cũng đều phải rút ra những kinh nghiệm và đều phải có tổng kết nghiêm túc. Ông cho rằng, thực tiễn đấu tranh cách mạng nhất định phải được tổng kết bằng lý luận cách mạng. Nếu không tổng kết, thời gian sẽ qua đí và do vậy, kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng sẽ không được bổ sung phong phú.

Qua tổng kết, Hà Huy Tập rút ra vấn đề là để thống nhất và phát triển phong trào cách mạng ở Đông Dương, thì phải có các điều kiện: (1) Phải cải thiện thành phần xã hội của Đảng. (2) Phải là một đảng có tính chất quần chúng. (3) Nhất thiết Đảng phải cầm đầu phong trào cách mạng. (4) Đảng phải có cương lĩnh chính trị phù hợp.

Với những kết quả nghiên cứu lý luận, Hà Huy Tập tỏ rõ năng lực của một nhà chính luận xuất sắc. Bút pháp lý luận của Ông sắc nhọn, phê phán trực diện, nhận định trực diện, lối viết không vòng vo.

4.Hà Huy Tập là một nhà lý luận, một nhà cách mạng bản lĩnh, một Tổng Bí thư bản lĩnh. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Ông cũng bộc lộ một số mặt còn hạn chế trong nhận thức cũng như trong nghiên cứu lý luận và lãnh đạo cách mạng. Ông đã không đúng khi phê phán Hội nghị hợp nhất Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, cho rằng, Hội nghị đã phạm 4 sai lầm: (1) Thiếu sự chuẩn bị để tiến hành Hội nghị hợp nhất. (2) Cương lĩnh 5của Hội nghị hợp nhất là trái với học thuyết lêninnít, với đường lối chính trị của Quốc tế Cộng sản. (3) Trong Cương lĩnh chính trị, Hội nghị hợp nhất không giải thích sự cần thiết phải bảo đảm cho giai cấp công nhân phải chiếm đa số trong Đảng Cộng sản. (4) Hội nghị hợp nhất không quy định các hình thức và phương pháp tổ chức.

Bốn sai lầm của Hội nghị hợp nhất Đảng Cộng sản Việt Nam mà Hà Huy Tập vạch ra, chứng tỏ Ông chưa nắm vững thực tế Việt Nam để có một đường lối đúng. Thí dụ, tại Việt Nam, vào những năm cuối thập niên 20, đầu thập niên 30, thế kỷ XX, giai cấp nông dân chiếm 90% dân số của cả nước, cho nên không thể có chuyện thành phần công nhân phải chiếm đa số trong Đảng. Vấn đề là ở chất lượng lãnh đạo, chứ không phải số lượng lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Ông chưa đặt vấn đề giai cấp công nhân trong mối quan hệ với giai cấp nông dân Việt Nam.

Với Nguyễn Ái Quốc, Hà Huy Tập thừa nhận: "Cố đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người đã có sáng kiến đề ra và lãnh đạo công cuộc thống nhất" 6. Đồng chí "đã đóng một vai trò to lớn trong công tác hợp nhất" 7. Hà Huy Tập nhận định rất đúng rằng: "Công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng" 8. Hà Huy Tập đánh giá rất cao tác phẩm "Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc (xuất bản năm 1927). Ông viết: "Cuốn "Đường cách mệnh" là cuốn sách phúc âm đối với tất cả mọi đảng viên; họ đã học gần như thuộc lòng. Vì từ khi tôi rời nước đến nay đã được hơn 3 năm, nên tiếc thay, tôi không nhớ toàn bộ nội dung quyển "kinh thánh" ấy, nhưng trong sách nói chung đã giải thích những kiểu cách mạng khác nhau, những quốc tế, công hội, nông hội, hợp tác xã khác nhau,v.v." 9.

Tuy nhiên, đã có lần Hà Huy Tập phê phán "Chánh cương vắn tắt của Đảng" và "Lời kêu gọi" do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, họp vào đầu năm 1930, thông qua. Theo Hà Huy Tập, Nguyễn Ái Quốc "đã phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong thời gian hội nghị hợp nhất mà chúng ta không thể bỏ qua" 10. Hà Huy Tập cho rằng, quan điểm lập Chính phủ công nông binh trong "Chánh cương vắn tắt của Đảng" là không đúng, mà Ông muốn áp dụng mô hình Xô viết trong việc thiết lập chính quyền cách mạng. Hà Huy Tập viết: "Một thiếu sót khác về vấn đề này nữa là chưa xác định được rõ sau khi công nông đã cướp chính quyền, thì dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, người ta sẽ thiết lập chuyên chính của giai cấp vô sản và giai cấp nông dân dưới hình thức Xôviết" 11. Lịch sử đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc trong việc lập Chính phủ công nông binh (sau này Người nói "chính quyền nhân dân") là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam, thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Ở đây, Hà Huy Tập muốn làm một cuộc cách mạng vô sản để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong khi đó, Nguyễn Ái Quốc lại chủ trương làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là hai cách đặt vấn đề khác nhau. Hà Huy Tập chịu nhiều ảnh hưởng tả khuynh của Quốc tế Cộng sản, giai đoạn sau khi V.I.Lênin mất. Trong lúc này, một số người tả khuynh trong Quốc tế Cộng sản có cái nhìn không chính xác về giai cấp tư sản bản xứ ở Việt Nam. Họ cho rằng, giai cấp tư sản bản xứ "trong toàn bộ của họ, không thể nào vượt qúa giới hạn của chủ nghĩa quốc gia cải lương và với đà phát triển của cách mạng ruộng đất, nhất định họ sẽ nhảy qua hàng ngũ phản cách mạng" 12. Đối với phú nông, Quốc tế Cộng sản không đồng ý với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là phải sử dụng, lôi kéo. Đối với trí thức và giai cấp tiểu tư sản Việt Nam, Quốc tế Cộng sản cho rằng, sẽ là sai lầm nếu liên minh với họ 13. Uyển chuyển và thực tế hơn trong vấn đề này khi Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề một cách đúng đắn là Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, phú nông, tiểu địa chủ và tư sản dân tộc Việt Nam để kéo họ về với giai cấp công nhân. Chính sách mặt trận này của Nguyễn Ái Quốc đã lôi kéo được các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Mặc dù có những thiếu sót trên, nhưng bao trùm lên vẫn là những cống hiến của Ông trong nghiên cứu lý luận, thể hiện trong các văn kiện của Đảng do ông soạn thảo, nhất là trong tác phẩm "Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương" của Ông viết năm 1933.

*****

Chú thích:

* Báo cáo Khoa học tại Hội thảo: "Đồng chí Hà Huy Tập - Cuộc đời và sự nghiệp", Viện Hồ Chí Minh thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức, nhân kỷ niệm lần thứ 105, ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906-24-4-2010).

** Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương. 

1) Tài liệu lưu trữ tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, tiếng Nga.

2),3),4) Hồng Thế Công: Sơ thảo Lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, in trong "Bước ngoặt vĩ đại của Lịch sử cách mạng Việt Nam", Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1961.

5) Ý nói "Chánh cương vắn tắt của Đảng".

6),7),8),9),10),11),12),13) Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 4, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 409, 385, 409, 366, 409, 417, 420, 420.Khi viết tác phẩm "Sơ thảo Lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương", Hà Huy Tập tưởng rằng, Nguyễn Ái Quốc đã mất trong tù, cho nên mới gọi là "cố đồng chí". 


Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.