Gừng - lại thêm một tác dụng của gừng để trị chứng “hồ xú”
Trong ẩm thực, gừng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt vịt. Nước mắm gừng với thịt vịt, không chỉ là để tận hưởng sự ngon lành của một món ăn mà còn là thể hiện tính đặc trưng của văn hóa ẩm thực dân tộc, mang nhiều màu sắc và hương vị của triết học phương Đông. Gừng vừa có tác dụng khử mùi hôi, vừa có tính ôn nhiệt thuộc “dương” để điều hòa tính chất hàn lương thuộc “âm” của thịt vịt. Trong nước chấm gừng, có hội đủ sự phối hợp của “ngũ hành”. Vị cay của gừng và ớt thuộc kim; màu vàng của gừng thuộc thổ; màu đỏ của ớt thuộc hỏa, chất lỏng có vị mặn của nước mắm thuộc thủy; người ta còn thêm một ít chanh để có vị chua của hành mộc; một ít vị ngọt của đường để tăng thêm tính chất của hành thổ.
Người xưa tin rằng ở lưỡi có “tọa lạc” đầy đủ các “đại sứ” của ngũ tạng. Hai bên rìa lưỡi có “sứ giả” của tạng can để nếm vị chua; ở chót lưỡi có tâm để nếm vị đắng; ở giữa lưỡi có tỳ để nếm vị ngọt; ở gốc lưỡi có thận để nếm vị mặn... Vì vậy, khi ăn thịt vịt với nước chấm gừng, lúc còn đang nhai ở miệng, tựa như có sứ giả mang thông điệp cho ngũ tạng để chuẩn bị thưởng thức món ăn ngon, đầy hương vị của “âm dương, ngũ hành”...
Trong Đông y, gừng gần như có mặt hầu hết trong các phương thang. Nó tác dụng như một vị “sứ” hay chất dẫn để tăng độ hấp thu và khử độc. Mỗi thang thường thêm 3 lát gừng mỏng (2-6g).
Gừng tươi gọi là sinh khương, vị cay, tính ấm, chữa ho cảm, nghẹt mũi, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, nôn ọe, đầy bụng chậm tiêu, thông cho thần minh, trừ khí độc...
Gừng khô gọi là can khương: hoạt huyết, tiêu đờm, tính nóng ấm hơn gừng tươi.
Vỏ gừng gọi là khương bì: chữa phù nề.
Gừng nướng gọi là ổi khương: chữa chứng đi tả nhiều nước.
Gừng sao đen gọi là hắc khương hay thán khương, sao vàng sậm gọi là bào khương: có tác dụng cầm máu...
Những nghiên cứu gần đây, cho thấy gừng còn có nhiều tác dụng khác nữa như: kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, giảm mỡ trong máu và gan, thông mật, nhuận tràng, chống sinh huyết khối, tăng tuần hoàn máu ngoại vi, trợ tim, kích dục, tăng tính khả dụng sinh học của nhiều loại thuốc...
Gừng thật sự đa năng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong nhiều tác dụng quý giá của nó, thì tác dụng để trị dứt hẳn chứng “hồ xú” (hôi nách”, xưa nay vẫn chưa thấy có tài liệu y khoa nào nghiên cứu và ghi chép.
“Chuyện kể rằng, có một thiếu nữ xinh đẹp, nhưng khi tiếp cận thì thấy một mùi hôi khó chịu, làm cho người ta sợ mà xa lánh. Cô cũng cảm nhận được điều này qua nhiều lần tiếp xúc với mọi người và âm thầm tự mình đi tìm thầy chữa trị, đã uống thuốc nhiều nơi nhưng vẫn không thấy hiệu quả. Cô rất buồn và đem việc này tâm sự cùng mẹ.
Sự việc thật là may mắn, lúc còn con gái, mẹ cô cũng đã từng mắc phải chứng bệnh này. May mà nhờ ông ngoại là người tinh thông “kỳ hoàng chi thuật” (1) mà chữa cho làng lành bệnh. Người mẹ nói cho con gái biết cách trị dứt chứng bệnh “hồ xú” vừa đơn giản vừa rẻ tiền. Cách làm như sau:
Dùng những củ gừng sống, già, to mập, những loại gừng nhỏ, khô, ít nước không nên dùng. Mang gừng rửa sạch, cho vào cối đá nhỏ, giã nát nhão như bùn, dùng miếng vải mỏng gói lại, vắt lấy nước cốt gừng. Lấy bông thấm nước cốt gừng, bôi vào dưới nách. Ban ngày tranh thủ thời gian rảnh rỗi bôi nhiều lần (5-6 lần). Buổi tối trước khi đi ngủ, sau khi bôi thuốc xong, kẹp luôn cả bông thuốc vào nách mà ngủ.
Cô làm theo lời chỉ bảo của mẹ, mỗi ngày, rồi một tuần trôi qua, nàng bền tâm bôi thuốc, mùi hôi ở nách mỗi ngày một giảm đi. Khoảng 20 ngày sau, mùi hôi khó chịu ấy không còn nữa.
Lúc bấy giờ, cũng có nhiều người mắc chứng quái ác này, rất ngạc nhiên và tìm đến nàng để được hướng dẫn cách chữa trị. Ai thí nghiệm cũng đều có kết quả tốt đẹp, mãi về sau vẫn không thấy tái phát. Thật là một phương thuốc hay vừa đơn giản vừa rẻ tiền” (cứu nạn bí phương – Thiện tín: Vương Địch Hinh cống hiến – phỏng theo lời dịch của Lão sư Lâm Trúc Dũng – thầy dạy Hán văn và Trung văn của khoa Đông y chúng tôi).
Theo Tây y, mùi hôi ở nách là do tuyến mồ hôi nhầy tiết ra ở vùng nách vào tuổi dậy thì, chất tiết hơi đục, không có mùi, nhưng sau một thời gian do tiếp xúc với vi khuẩn thì nó trở nên có mùi đặc biệt. Thật ra đây không phải là một bệnh mà do ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục (androgen) đang hoạt động.
Nhưng ai cũng cảm thấy thật sự bức xúc vì sự “nặng mùi” của mình, đã làm cho người khác phái phát khó chịu, thì cũng không ngần ngại gì mà không thí nghiệm “bí phương” này. Một phương thuốc độc đáo mà đơn giản, ở thôn quê thì sẵn có trong vườn nhà, ở thành thị thì không thiếu ở ngoài chợ lại rẻ tiền.
_________
(1) “Kỳ Hoàng chi thuật”: y thuật của Kỳ Bá và Hoàng Đế, hai vị tổ của y học phương Đông. Hỏi đáp về sinh bệnh lý rồi ghi thành sách Nội kinh. (Ý chỉ người làm nghề thầy thuốc).
Nguồn: T/c Đông y, số 366,25/10/2004