Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 09/09/2008 16:30 (GMT+7)

GS.VS Trần Đại Nghĩa và những công trình "bom tấn" - Kỳ cuối: Bình dị giữa đời thường

Đám cưới trong chiến khu

Ở tuổi 83 song bà Nguyễn Thị Khánh - người bạn đời của cố GS.VS Trần Đại Nghĩa - vẫn rất minh mẫn. Bà nhớ lại những ngày làm công tác quân y tại Cục Quân giới do "cụ Nghĩa" làm cục trưởng. Cô y tá xinh đẹp ngày ấy tuy có nghe về tài năng của sếp mình, nhưng trong mắt cô "cụ ta" là một người lùi xùi, quần áo lôi thôi, không có gì "bắt mắt" lại lớn hơn cô cả... con giáp. Hồi đó, Cục Quân giới đóng trên đồi, phía dưới là trường lục quân của ông Hoàng Đạo Thúy. Để chống quân Pháp nhảy dù, Trần Đại Nghĩa hiến kế là cắm cọc nhọn ở các khu đất trống xung quanh. Không ngờ có lần chính cục trưởng Nghĩa bị va trúng cọc và người chăm sóc băng bó cho ông chính là cô Khánh.

Một người đồng đội cùng đơn vị có lần bảo Khánh: "Hình như ông Nghĩa để ý mày đấy". Mọi người vun vào, rồi chuyện gì đến phải đến: Lễ cưới đơn sơ được tổ chức trong chiến khu. Bà Khánh nhớ lại: "Ông cục phó Xuân có bảo anh Nghĩa là viết thư báo tin vui tới Cụ Hồ và tướng Giáp để được mừng... ít quà làm đám cưới". Nhưng anh Nghĩa gạt đi, nói: "Chuyện nhỏ thì chớ có quấy rầy". Tiệc đãi khách là những trái mắt cọp do cục trưởng Nghĩa vét túi đi mua. Khách mời phải góp tiền lại để nấu một bữa cơm liên hoan.

Trong chiến khu, do điều kiện sống khó khăn, đứa con đầu lòng của hai người đã qua đời vì thiếu sữa, đứa con thứ hai đẻ rơi khi người mẹ phải chạy di tản 15km đường rừng...

Nói về công việc của chồng, bà Khánh cười tươi: Trong đầu ông ấy lúc nào cũng súng với đạn, chẳng quan tâm gì xung quanh, cả tuần không tắm, giày để cóc ở, quần áo thì tơi tả. Có lần Bác Hồ phải kêu lên: "Thím Nghĩa đâu mà để chú Nghĩa ra nông nỗi này". Có lần đi tắm suối quá nửa ngày chưa thấy về, anh em bủa đi tìm thì thấy cụ Nghĩa đang ngồi trên tảng đá viết những công thức ngoằn ngoèo. Nhờ giữ con thì khi về thấy con mặt mũi tèm lem, còn ba thì mải mê đọc sách... “Được cái là anh Nghĩa rất dễ tính, ăn uống sao cũng được. Sau này về Hà Nội, có lần đi dự tiệc về, tôi hỏi tiệc có ngon không, đáp rằng: ngon lắm. Hỏi: có món gì, đáp: chịu”.

"Đá đít" vì bị điểm 2

Còn Đại tá Trần Dũng Trí thì chẳng thể nào quên được người bố hiền lành mà lại nổi tiếng nghiêm khắc của mình. "Tôi đã từng bị bố cho ăn cái đá vào mông vì trong một lần kiểm tra môn lịch sử bị 2 điểm". Mỗi tuần, ông đều dành thời gian để kèm cặp bốn cậu con trai học hành. Phương thức học mà GS.VS Trần Đại Nghĩa truyền cho con hết sức đơn giản: Không được học thuộc lòng mà phải biết tóm tắt lại kiến thức đã học, gạch đầu dòng những vấn đề chính để nhớ cho dễ dàng.

Bận rộn với bao nhiêu công việc, nhưng một năm cũng có đôi ba lần GS.VS Trần Đại Nghĩa dẫn vợ con đi chơi công viên Thủ Lệ, Bách Thảo. Có lần, đang nghỉ hè cùng vợ con tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), ông đã lập tức đưa vợ con trở về Hà Nội khi nghe tin sắp có cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc...

Cả đời GS.VS Trần Đại Nghĩa là một tấm gương liêm khiết và chính trực. Ông Trí còn nhớ y nguyên lần cha mình tham dự một cuộc họp quan trọng. Tiền chi phí ăn uống cho cuộc họp dài ngày đã phát hết cho cán bộ nhưng do bị ốm, GS.VS Nghĩa phải bỏ cuộc giữa chừng. Ông đã liên hệ với ban tổ chức đề nghị được nộp lại số tiền ấy bởi "tôi không tham gia, cầm tiền thấy áy náy lắm".

Sau này, khi đã nghỉ hưu và chỉ tham gia với tư cách là cố vấn, mắt mờ, ông thường xuyên nghe đài rồi liên lạc với các đồng chí của mình đóng góp ý kiến quan trọng. Ngày 9/8/1997, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình giữa những người thân, bà Khánh hỏi: "Nghĩa vụ của ông với đất nước đã hoàn thành. Con cháu tề tựu đông đủ. Các cháu học giỏi và ngoan. Ông đã yên lòng chưa?" với nét mặt thanh thản, ông nhìn bà trìu mến, khẽ gật đầu mãn nguyện và trút hơi thở cuối cùng lúc 16h20 phút.     

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.