GS TSKH Trần Vĩnh Diệu: Khoa học là tình yêu và đam mê lớn nhất của đời tôi
Người ta hay gọi GS TSKH Trần Vĩnh Diệu, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân với cái tên trìu mến: “Ông Compozite”, người từng đạt rất nhiều giải thưởng về khoa học công nghệ, là chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực Hóa hữu cơ của Việt Nam với những công trình nghiên cứu tiêu biểu về các sản phẩm liên quan đến vật liệu Polyme và Compozit.
GS TSKH Trần Vĩnh Diệu trưởng ban giám khảo lĩnh vực “Vật liệu – hóa chất – năng lượng” phát biểu về tính ứng dụng của các đề tài đoạt giải tại Tọa đàm các giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam lần thứ 16 (5/ 2022)
Ý chí của một học trò nghèo
Ông sinh ra và lớn lên ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, chính cái vùng quê nghèo này đã trui rèn cho ông một ý chí tự lập từ nhỏ và chỉ có con đường học hành mới có thể thoát nghèo. Tốt nghiệp phổ thông hệ 9 năm, ông thi đậu vào khóa I Đại học Bách khoa năm 1956 và chỉ sau một thời gian, ông đã lọt vào tốp dẫn đầu. Năm 1959, sau khi học hết 3 năm khoa Hoá hữu cơ, ông được cử đi đào tạo chuyển tiếp ở Moskva. Tại đây, ông có nhiều dịp tiếp xúc với một số chuyên gia Nga giỏi trong ngành hóa hữu cơ, con đường theo ông đến tận bây giờ như duyên nghiệp. Sẵn bản tính ham học, cần mẫn chịu khó, Trần Vĩnh Diệu luôn làm các bạn học người Nga thán phục, thầy cô giáo khen ngợi và ông đã tốt nghiệp đại học bằng đỏ. Năm 1962, về nước, ông vào giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa, năm 1966, ông tiếp tục được cử đến Trường hóa kỹ thuật Mendeleev Moskva thực hiện đề tài nghiên cứu về một cơ chế phản ứng. năm 1978, ông trở lại Trường hóa kỹ thuật Mendeleev (Moskva) làm luận án tiến sĩ khoa học. Năm 1982, sau hơn 20 năm học tập, giảng dạy ở trong và ngoài nước, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu đã tập trung toàn bộ trí lực cho việc giảng dạy hầu hết các môn học của ngành, đặc biệt là môn hóa lý polyme. Ông đã tham gia đào tạo hàng ngàn kỹ sư, trực tiếp hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án sĩ. Điểm nổi bật nhất của ông là trong giảng dạy, ông luôn truyền cho học trò của mình ngọn lửa nhiệt tình, niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Cuộc đời ông không phải không có cơ hội làm giàu, không phải không có doanh nghiệp mời chào bằng lương cao và bổng lộc hậu hĩnh. Có không ít những công trình và công nghệ nếu đem ra thị trường kinh doanh, rất có thể sẽ trở thành giàu có. Nhưng ông cho rằng là nhà khoa học, được nhà nước cho đi ăn học, không thể làm khác được! Đó là lí do vì sao gần như cả cuộc đời ông đều gắn bó với khoa học, chuyên tâm nghiên cứu về công nghệ polyme và compozit. Cho đến nay, ở tuổi ngoài 80, ông vẫn say mê nghiên cứu, tìm tòi.
Kỉ niệm không thể nào quên
Cả cuộc đời làm khoa học của mình cho đến nay công trình mà ông tâm đắc nhất vẫn là “Nghiên cứu công thức keo kết cấu từ nhựa êpoxy và công nghệ dán các loại đá quý phục vụ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây không chỉ đơn thuần là công trình khoa học có ý nghĩa to lớn về chính trị mà nó còn là sự kết tinh- hợp lực của ông với người vợ yêu quý của mình - PGS. TS. Lê Thị Phái. Theo ông, Với công nghệ hiện nay việc tìm ra một loại keo để kết dính những mảnh đá nhỏ như bàn tay thành tấm đá lớn có lẽ không khó. Nhưng vào những năm 1974-¬1975, trình độ khoa học công nghệ của ta còn nghèo nàn lạc hậu, thì việc sáng tạo ra loại keo dán đặc biệt, có khả năng kết dính cao, đủ sức chống chọi với thiên nhiên là việc không hề đơn giản. Vậy là, với tình cảm tha thiết dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng yêu nghề, vợ chồng ông cùng những cộng sự của mình đã thành công: sau 4 tháng ròng rã nghiên cứu, săn tìm đá đỏ phù hợp, cắt thành từng mảnh nhỏ và đã dán hơn 4.000 mảnh đá nhỏ li ti thành 96 tấm đá lớ. Kết quả là hình ảnh lá cờ búa liềm và quốc kỳ bằng đá với diện tích 30m2 đã hiện ra trên Lăng Bác Hồ vào đúng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30¬-4¬-1975...
Tập thể cán bộ Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme chúc mừng Giáo sư Trần Vĩnh Diệu (người cầm hoa) nhân sự kiện ông được tôn vinh là Công dân Thủ đô ưu tú 2011
Thành tích đạt được
GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu đã hoàn thành xuất sắc các đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo như: "Nghiên cứu nâng cao chất lượng vật liệu composite trong suốt điện từ trên cơ sở nhựa epoxy gia cường sợi thủy tinh và ứng dụng trong các hệ thống bay không người lái”. Hoàn thành chương trình hợp tác 10 năm “Nghiên cứu tài nguyên tre Việt Nam". Sợi tre Việt Nam đã được ứng dụng trong chế tạo vật liệu polymer composite thân thiện môi trường. Kết quả của chương trình hợp tác đã được trình bày trong cuốn sách: Trần Vĩnh Diệu, Bùi Chương. Ông chủ trì và cùng các cộng sự của mình tiến hành nghiên cứu và giải mã thành công công nghệ sản xuất nhựa polyester không no (PEKN) là một loại chất kết dính phục vụ cho sản xuất đá nhân tạo Vicostone của Tập đoàn Phenikaa. Loại đá này được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Bắc Mỹ. Hiệu quả kinh tế đem lại của nhà máy sản xuất nhựa PEKN trong giai đoạn đầu 2020-2021 mỗi năm trên 100 tỷ đồng. Ông cũng tham gia xây dựng chương trình đào tạo ngành mới "Vật liệu polymer composite" của Khoa "Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trưởng" của Trường Đại học Phenikaa. Chủ trị và cùng các đồng tác giả xuất bản các cuốn sách: “Vật liệu Polymer Composite, Khoa học và Công nghệ” - NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ năm 2020; “Chất dẻo và polymer composite trong công nghiệp chế tạo ô tô” - NXB khoa học tự nhiên và công nghệ năm 2021. “Kỹ thuật thực hành vật liệu polymer”... Ghi nhận những nỗ lực của ông, ngoài rất nhiều Huân, Huy chương, giải thưởng, ngày 10-10-2011, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu đã được vinh danh là Công dân ưu tú của Thủ đô. Đáp lại sự nể phục, quý trọng, biết ơn của các thế hệ học trò, bạn bè, đồng nghiệp, ông chỉ giản dị một câu nói: “Tôi mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đóng góp một phần nhỏ bé để đưa khoa học công nghệ đến gần hơn với cuộc sống".