Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 17/12/2010 16:12 (GMT+7)

GS Trần Văn Giàu qua đời

Nhà cách mạng lão thành, người thầy của nhiều thế hệ người thầy, cây đại thụ của giới khoa học, sử học Việt Nam ra đi ở độ tuổi 100, để lại niềm thương tiếc trong lòng đồng chí, đồng nghiệp, học trò, độc giả và người dân cả nước.

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 6/9/1911, tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Bí thư Xứ Ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ, một trong những lãnh đạo của cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân của Sài Gòn-Gia Định và Nam Bộ.

Cùng với sự nghiệp cách mạng, giáo sư còn có một sự nghiệp đồ sộ và vẻ vang không kém trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, đặc biệt là về sử học và triết học.

Ông từng công tác, giảng dạy tại Khoa Lịch sử - Đại học Tổng Hợp Hà Nội từ khi thành lập trường năm 1956. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, các tác phẩm về lịch sử Việt Nam, lịch sử vùng đất Nam Bộ, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, lịch sử tư tưởng của Việt Nam trong thế kỷ 19 và 20.

Giáo sư cũng là người đã có công đào tạo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học đầu ngành của Việt Nam, là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có nhiều nhà quản lý, giáo sư, tiến sỹ hàng đầu trong các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, khoa học xã hội, sử học, triết học.

Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, cho đất nước, Giáo sư Trần Văn Giàu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Nhà giáo Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh trong những lần đến thăm, chúc thọ, chúc Tết Giáo sư Trần Văn Giàu đều trân trọng đánh giá công lao, sự đóng góp to lớn của Giáo sư, người cộng sản kiên trung, đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc, cho sự nghiệp khoa học giáo dục nước nhà.

Nhân cách cao đẹp của Giáo sư Trần Văn Giàu còn được biết tới với việc giáo sư đã bán căn nhà của mình trên đường Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh để lấy 1.000 cây vàng (thời giá năm 2001) làm kinh phí xây dựng một ngôi trường học tặng quê hương của vợ và lập Giải thưởng khoa học mang tên ông để dành tặng những công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội, các công trình nghiên cứu về Nam Bộ của Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu, bệnh nặng, giáo sư Trần Văn Giàu đã vĩnh biệt chúng ta để về cõi vĩnh hằng./.

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.